Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình lưu ý rằng, an ninh lương thực là nền tảng cho sự sống còn của nhân loại, trong đó công nghệ lúa lai chính là một cuộc cách mạng.
Cách đây nửa thế kỷ, lúa lai lần đầu tiên được phát triển thành công và được trồng rộng rãi ở Trung Quốc. Nhờ công nghệ này, quốc gia đông dân số nhất hành tinh đã đưa vào phát triển sản xuất để nuôi sống gần 20% dân số thế giới, chỉ với chưa đầy 9% diện tích đất canh tác trên toàn cầu, đồng thời đưa nước này trở thành nhà sản xuất lương thực lớn nhất và xuất khẩu lương thực lớn thứ ba thế giới.
“Kể từ năm 1979, lúa lai bắt đầu được quảng bá ra thế giới, và mang lại lợi ích cho gần 70 quốc gia trên khắp năm châu. Đây là một đóng góp đáng kể vào việc tăng sản lượng lương thực và phát triển nông nghiệp của các nước, đồng thời đưa ra giải pháp cho tình trạng khủng hoảng thiếu lương thực ở các nước đang phát triển”, ông Tập nói.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, hiện nay an ninh lương thực toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức và phức tạp khó lường, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các nước trên tinh thần đoàn kết và chia sẻ tương lai để thúc đẩy Sáng kiến Phát triển toàn cầu, mở rộng hợp tác về an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, những đóng góp trên sẽ góp phần vào việc triển khai thực hiện nhanh chóng Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững và xây dựng một thế giới không còn đói nghèo.