Với nông dân Mỹ, những khoản trợ cấp kỷ lục bơm liên tục và nhanh nhất từ trước đến nay trước ngày bầu cử ghi dấu ấn của ông Donald Trump. Ông Joe Biden thì đặt mục tiêu nền nông nghiệp không phát thải khí nhà kính, khuyến khích xây dựng thị trường các bon nhưng không nhắc một từ đến chăn nuôi hay nông nghiệp hữu cơ.
Donald Trump: Sẽ còn nhiều hỗ trợ trong 4 năm tới
Trong những tuần áp ngày bầu cử, các “kênh chuyển tiền” từ Nhà Trắng nóng ran nhờ những khoản hỗ trợ thẳng đến nông dân được hối thúc để cán mốc kỷ lục - 46 tỷ USD, riêng cho năm 2020. Các bang “nhà” của ông Trump ở miền Nam và phần Trung Tây có phần được ưu ái hơn.
Những người được thụ hưởng nằm trong số đối tượng nợ cũng đạt mức kỷ lục - 434 tỷ USD, tăng 4% so cùng kỳ năm 2019. Các đơn phá sản trong ngành nông nghiệp vẫn không ngừng tăng, với 2 nguyên nhân được chỉ ra: Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đại dịch Covid-19.
Ông Trump cũng chơi trội qua việc yêu cầu Bộ Nông nghiệp cho bức thư có chữ ký vào hàng triệu hộp thực phẩm cứu trợ phân phát cho người nghèo.
Theo Viện Nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Thực phẩm thuộc Đại học Missouri, các khoản cứu trợ của chính phủ đương nhiệm chiếm đến 40% tổng thư nhập của nông dân, trang trại toàn liên bang trong năm 2020.
“Các khoản cứu trợ không chỉ có ý nghĩa kinh tế, nó còn có động cơ chính trị”, Patrick Westhoff - Giám đốc Viện nói.
Nhận định đó là có căn cứ, bởi trong một sự kiện hồi tháng 8, tại bang North Carolina, Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue được cho là đã hứa “việc đó (cứu trợ) sẽ còn tiếp tục trong 4 năm tới, nếu (người Mỹ) bỏ phiếu cho người đàn ông này, Donald J. Trump”. Văn phòng Luật sư đặc biệt - một tổ chức phi chính phủ nhận định lời nói của ông Perdue là không phù hợp và có mục đích thúc đẩy cơ hội cho ông Trump. Trong thư phản hồi văn phòng này, Bộ Nông nghiệp Mỹ bác bỏ điều đó.
Bản thân ông Trump cũng khá chú trọng đến nhóm cử tri đang làm nông nghiệp. Tại một cuộc vận động tranh cử ở bang “trang trại” Wisconsin hồi tháng 9, ông xác nhận sẽ có thêm nhiều hỗ trợ qua gói bổ sung 13 tỷ USD tín dụng tổng hợp. Nông dân trong nhóm ngành sữa, nam việt quất và nhân sâm sẽ được nhận thêm hỗ trợ và “tôi tự hào về điều đó”, ông Trump hướng tới nhóm cử tri ở Wisconsin.
Trong khi đó, Văn phòng Kiểm toán chính phủ đang xem xét khoản chỗ trợ 14,5 tỷ USD cho các trang trại từ năm 2019 có động cơ chính trị, điều được đảng Dân chủ ủng hộ.
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Tổng thống đã nhiều lần vượt quyền Quốc hội để tự quyết chi hàng chục tỷ USD tiền trợ cấp nông nghiệp liên bang đáng lẽ không cần có”, Ken Cook - Chủ tịch Nhóm tư vấn môi trường nói thêm là để “mua ủng hộ chính trị”.
Joe Biden: Ngó lơ nông nghiệp hữu cơ
Không chỉ cá nhân ông Biden mà cả đảng Dân chủ cùng thống nhất một điểm: Chính quyền sẽ chi trả cho nông dân để ứng dụng các giải pháp sản xuất thân thiện môi trường.
Ông Biden cũng không phải là người làm nông nghiệp, nhưng quan điểm của ông là phải có chính sách tái tạo đất, biến đất trở thành nơi hấp thụ các bon chứ không là nguồn phát thải khí nhà kính. Ông cũng chủ trương biến nền sản xuất nông nghiệp Mỹ thành mũi nhọn thực hiện mục tiêu “không phát thải” bằng các khoản đầu tư tăng cường từ ngân sách.
“Liên đoàn Nông dân quốc gia nhấn mạnh nhiều lần sự lo lắng việc tình trạng biến đổi khí hậu gây tác động xấu đến đất canh tác, họ nhất trí rằng cần có sự hỗ trợ dài hạn từ liên bang”, Jenny Hopkinson - đại diện chính phủ Mỹ tại Liên đoàn chia sẻ.
Dù vậy, vẫn còn sự e ngại về chính sách của chính quyền mới - dù là của Joe Biden hay Donald Trump, rằng “nhu cầu chuyển đổi trong hệ thống sản xuất vì nền nông nghiệp tiến bộ, bền vững, nhưng tiếng nói (của người làm nông nghiệp) dường như chưa được lắng nghe đúng mức”, theo Eric Deeble - Giám đốc chính sách của Liên minh Nông nghiệp bền vững quốc gia.
Kế hoạch “nông nghiệp, nông thôn Hoa Kỳ” của ông Biden nghiêng về hướng đưa nông dân tham gia thị trường các bon.
Trong một lĩnh vực khác liên quan đến nông nghiệp, ông Biden lại bị cho là nghiêng về giải pháp Ethanol và các nhiên liệu sinh học khác. Mặc dù là nguồn nhiên liệu thay thế tích cực cho nhiên liệu hóa học, nhưng hiện trạng canh tác ngô ở miền Trung Tây được chỉ ra là đã làm đất đai bị suy kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Tại Hội nghị bàn tròn nông dân và người chăn nuôi có sự phối hợp tổ chức từ chiến dịch tranh cử của ông Biden, sự ủng hộ cho Ethanol là chủ điểm xuyên suốt. Ông Biden đi Iowa tranh cử cũng thể hiện sự ưu ái cho Ethanol, theo tờ Washington Post.
Điểm mờ trong chiến dịch tranh cử của ông Biden (và cả Cương lĩnh đảng Dân chủ) là không đả động đến vai trò của chăn nuôi trong việc góp phần phát thải khí nhà kính. 8 nhóm vận động cấp liên bang và bang về chăn nuôi đã tìm cách tiếp cận đảng Dân chủ để đưa vấn đề này ra, theo hướng giảm quy mô chăn nuôi công nghiệp, nhưng đều không nhận được sự phản hồi làm họ thỏa mãn. Chiến dịch tranh cử của ông Biden cũng né liên hệ vấn đề khí thải với ngành chăn nuôi.
Tom Vilsack - cựu Bộ trưởng Nông nghiệp dưới thời Tổng thống Barack Obama nắm một vị trí trong nhóm cố vấn của ông Biden. Ông Vilsack đang đại diện cho một nhóm trong ngành sữa chủ trương sản xuất lớn và hướng đến xuất khẩu. Đó là chi tiết mà các nhà phân tích chỉ ra khi giải thích về quan điểm của ông Biden.
Nông dân, với tư cách cá thể hay nhóm nhỏ cũng ít được nhường cho vị trí quan trọng trong các đợt tranh cử lẫn hội nghị mà chiến dịch tranh cử của ông Biden phối hợp tổ chức. Hội nghị bàn tròn nông dân và người chăn nuôi đã nhắc đến chỉ “nhương sân khấu” cho đại diện các nhà sản xuất lớn là một minh chứng luôn được đưa ra để “buộc tội”.
Nhóm chỉ trích còn nói rằng, “trang trại nhỏ, thậm chí là cỡ trung cũng không có được cơ hội công bằng trên thị trường” thể hiện trong kế hoạch hành động của ông Biden. Họ khẳng định, nếu bản thân ông Biden hay chiến dịch tranh cử của ông thể hiện đậm hơn quan điểm về biến đổi khí hậu hay nông nghiệp, “đường hy vọng cho nông thôn” sẽ dễ nhìn thấy hơn.
Một điểm nữa, trong cương lĩnh của đảng Dân chủ 2020 có nhắc đến chương trình cấp vốn cho nghiên cứu “sản xuất nông nghiệp ít phát thải các bon và nông nghiệp hữu cơ”, nhưng kế hoạch riêng của ông Biden thì tuyệt đối không nhắc đến nông nghiệp hữu cơ.
“Nông nghiệp hữu cơ là điểm sáng cho nông thôn Mỹ, ở đó tạo ra rất nhiều cơ hội, trong khi các hệ thống sản xuất lớn không phải là chiến lược phù hợp về kinh tế cho nông thôn, thậm chí nông thôn còn hứng chịu các tác động xấu từ mô hình sản xuất đó”, Kari Hamerschlag - Phó giám đốc phụ trách ngành Thực phẩm và Nông nghiệp của tổ chức Những người bạn của trái đất nhận xét đầy tiếc nuối.