| Hotline: 0983.970.780

Páo Dung - tiếng hát mùa xuân của người Dao

Thứ Ba 13/02/2024 , 15:31 (GMT+7)

BẮC KẠN Bao đời nay, điệu hát Páo Dung vẫn luôn cất lên mỗi độ Tết đến xuân về gửi gắm biết bao niềm tin, khát vọng, tình cảm của đôi trai gái người Dao.

Nên duyên nhờ điệu Páo Dung

Dừng chân tại thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) khi sương vừa tan, vừa tới đầu bản, tiếng hát vang lên trầm bổng nhưng đầy vui tươi. Nhắc đến Páo Dung, người bản Chiêng ai cũng nhớ đến giọng hát êm ái của bà Bàn Thị Tâm, gương mặt quen thuộc trong các chương trình văn nghệ.

Hát Páo Dung vẫn được người Dao ở Bắc Kạn bảo tồn phát huy. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hát Páo Dung vẫn được người Dao ở Bắc Kạn bảo tồn phát huy. Ảnh: Ngọc Tú. 

“Điệu Páo Dung vốn là hình thức hát ngẫu hứng, người hát tự đặt lời và truyền miệng hoặc ghi chép lại cho các thế hệ. Vì vậy, làn điệu Páo Dung mang đầy hơi thở cuộc sống lao động, sinh hoạt, phong tục, tập quán, lễ nghi và những tâm tư, tình cảm, mong ước của người Dao”, bà Tâm mở đầu câu chuyện.

Ngồi ngay bên cạnh, chồng bà Tâm, ông Bàn Tiến Kim chia sẻ, từ khi còn nhỏ đi đâu cũng nghe được tiếng hát Páo Dung, khi 15 tuổi đã biết cùng bạn bè đến các thôn người Dao cùng nhau hát.

Giọng ông Kim trầm ấm, kể chuyện xưa, ánh mắt xa xăm, ông bảo, ngày xưa hát Páo Dung giao duyên hầu hết người hát ứng tác, ai mới tập thì phải cầm theo sách đã được các cụ chép lời.

Người Dao chân thành, ít nói nhưng khi cất giọng hát lại mạnh dạn bất ngờ, biết bao đôi lứa nên duyên cũng từ làn điệu Páo Dung. Ông Kim và bà Tâm quen nhau, nên duyên cũng nhờ làn điệu ấy.

Trong những ngày đầu năm mới, nhớ chuyện xưa, bà Tâm nhiệt tình chia sẻ, bản thân được học hát Páo Dung từ khi còn nhỏ, lúc ấy người trong làng hát nhiều lắm, đi nương cũng hát, nhưng nhiều nhất là hát khi đi chơi hội. Ngày xưa tôi và chồng nên duyên cũng nhờ làn điệu Páo Dung, nên quý lắm, cố gắng gìn giữ.

Chúng tôi đã chép lại vào cuốn sổ, mong muốn dạy cho con cháu. Hát Páo Dung không khó, nếu tập trung học và nắm được làn điệu thì có thể hát được. Nhưng lớp trẻ bây giờ nghe thì khen hay mà không kiên trì học. Hiện nay mỗi khi có diễn văn nghệ, hội xuân của xã, thôn tôi và một số người biết hát vẫn tập luyện để biểu diễn.

Chia tay bản Chiêng, chúng tôi đến thôn  Nặm Tốc, bản của người Dao chênh vênh trên đỉnh núi. Dù cả thôn là người Dao, nhưng trong bản giờ chỉ còn duy nhất bà Lý Thị Tuyến biết hát Páo Dung.

Bà Tuyến cho biết, ngày xưa không được đi học, không biết chữ và cũng không nghe nhắc đến Páo Dung bao giờ, có lẽ cái đói, cái nghèo đã làm các cụ quên mất, không truyền lại cho con cháu đời sau của làng.

Năm 2011, bà gom góp mua một chiếc điện thoại, thôn không có sóng, bà ra xã nhờ người tìm và lưu lại các tiết mục hát Páo Dung để có thể nghe và hát lại. Từ đó làn điệu Páo Dung luôn cùng bà khi đi trồng ngô, tìm măng, gặt lúa.

Bà Tuyến dạy hát Páo Dung cho các cháu trong bản. Ảnh: Bích Phượng.

Bà Tuyến dạy hát Páo Dung cho các cháu trong bản. Ảnh: Bích Phượng.

“Nghe nhiều thích quá thế là tập hát, ban đầu cũng thấy khó, vì phải lấy hơi rất dài, rồi phải học thuộc lời, nhưng dần rồi cũng quen. Nhưng vui nhất là được mọi người yêu thích, một số chị em trong thôn đã tập theo, dù chưa quen nhưng cũng hát được. Mong sao sau này các con, các cháu sẽ biết hát hết”, bà Tuyến vui vẻ nói.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Nhà thơ Triệu Kim Văn là người con ưu tú của người Dao xã Cao Sơn (huyện Bạch Thông), không chỉ sáng tác thơ, ông còn sưu tầm, xuất bản sách về ca dao, tục ngữ của đồng bào dân tộc Dao. Nói về làn điệu Páo Dung, nhà thơ Triệu Kim Văn cho biết Páo Dung vốn là điệu hát giao duyên, bắt nguồn từ nhu cầu tình cảm của con người. Các cụ hát Páo Dung để tìm hiểu, thổ lộ và vun đắp tình cảm tiến tới xây dựng gia đình. Có từ xa xưa nên Páo Dung không có nhạc, điệu hát hay bởi làn điệu, giọng hát và nội dung.

Người vùng cao vốn hay ngại, nên thông qua lời hát mà nói lên tiếng lòng của mình. Không chỉ trong các lễ hội, ở các đám cưới xưa, làn điệu Páo Dung như một đặc trưng riêng, tiếng hát vang lên sâu sắc, rung động vô cùng.

Nhà thơ Triệu Kim Văn mong muốn làn điệu Páo Dung sẽ được thế hệ trẻ quan tâm hơn. Ảnh: Bích Phượng. 

Nhà thơ Triệu Kim Văn mong muốn làn điệu Páo Dung sẽ được thế hệ trẻ quan tâm hơn. Ảnh: Bích Phượng. 

Ca từ làn điệu Páo Dung để chia sẻ tâm tư, suy nghĩ của mình cho mọi người xung quanh nên thân thuộc và gần gũi với cuộc sống đời thường. Ngoài lễ hội, điệu Páo Dung còn vang lên trên nương rẫy xua đi vắng vẻ của rừng núi, lúc thì điệu Páo Dung dập dìu đưa trẻ thơ vào giấc ngủ.

Với mỗi người Dao, làn điệu Páo Dung có đặc trưng riêng, người Dao đỏ khi hát thường có giọng trầm vang, người Dao tiền làn điệu nhỏ nhẹ, dịu dàng như lời thủ thỉ.

Cùng với làn điệu Páo Dung sinh hoạt thì Páo Dung lễ nghi tín ngưỡng là một loại hình không thể thiếu trong đời sống đồng bào người Dao.

Đó là những bài hát được sử dụng trong lễ cưới, lễ cấp sắc, cúng đầy tháng, cúng lên nương, cúng tra hạt. Các bài hát lễ nghi tín ngưỡng được ghi chép thành sách và thường được các thầy cúng người Dao lưu giữ. Lời bài hát thường kết nối thế giới hiện thực với đấng tối cao, răn dạy con cháu phải biết ơn công lao tổ tiên.

“Ngày nay, làn điệu Páo Dung đang dần bị mai một, hiện nay rất khó để nghe được tiếng hát Páo Dung trong cuộc sống đời thường ở các làng bản người Dao. Những năm gần đây, làn điệu Páo Dung đã được sân khấu hóa, đưa ra biểu diễn ở các chương trình văn nghệ. Tuy nhiên, hầu hết các nghệ nhân chỉ hát về chủ đề ca ngợi chứ không hát giao duyên hay về cuộc sống sinh hoạt đời thường như ngày xưa”, nhà thơ Triệu Kim Văn chia sẻ.

Hát Páo Dung cũng thường diễn ra trong các nghi lễ của người Dao ở Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hát Páo Dung cũng thường diễn ra trong các nghi lễ của người Dao ở Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Hoàng Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý du lịch và Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn) cho biết, hát Pá Dung (Páo Dung) của đồng bào dân tộc Dao tỉnh Bắc Kạn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2020. Sau khi trở thành di sản, việc bảo tồn và phát huy làn điệu Páo Dung được chính quyền địa phương quan tâm hơn, tạo điều kiện cho các nghệ nhân tham gia vào các hoạt động diễn xướng. Trong đó đáng chú ý là việc thành lập CLB hát Páo Dung, tham gia biểu diễn tại ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, hội diễn văn nghệ quần chúng.

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất