| Hotline: 0983.970.780

Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Thứ Năm 17/10/2024 , 11:01 (GMT+7)

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Nhà trị liệu tâm lý Vienna Pharaon.

Nhà trị liệu tâm lý Vienna Pharaon.

Phá vỡ khuôn mẫu đồng nghĩa chối từ những điều bức bối khiến bản thân bất an và mệt mỏi. Nghe có vẻ khó tin nhưng những câu chuyện trong quá khứ, từ việc bị bỏ bê, lạm dụng hay những nỗi đau của bố mẹ đều có thể tạo thành những khuôn mẫu ảnh hưởng đến cách hành xử của mỗi người trong hiện tại.

Tác giả Vienna Pharaon là một nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng của Mỹ, đã viết một cuốn sách có tên gọi “Phá vỡ khuôn mẫu” nhằm tư vấn giải pháp cho cá nhân được tự do sống và yêu. Có thể nhiều người sẽ nghĩ, làm sao mà những câu chuyện ngày xửa ngày xưa lại có thể tác động đến cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ trong đời sống hiện tại. Nhưng sự thật là, chừng nào vết thương cội nguồn còn chưa được chữa lành thì khi ấy mỗi người vẫn sẽ hành động theo những khuôn mẫu đã được hình thành từ quá khứ.

Khi nghe đến từ “vết thương”, hẳn ai cũng nghĩ về vết thương thể chất, tức những vết thương được hình thành trên da thịt. Những vết thương về cảm xúc cũng tương tự như thế, chúng hình thành khi bạn có một trải nghiệm đau đớn và tác động đến bạn trên phương diện tâm lý, cảm xúc. Khác biệt ở chỗ, những vết thương trên da thịt có thể tự lành sau thời gian, nhưng vết thương cảm xúc thì không thể phục hồi nếu bị bỏ mặc. Tuy bề ngoài không để lại dấu vết gì nhưng những vết thương này sẽ thường xuyên trở lại, gây ra những ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến cuộc đời của bạn. 

Nhiều năm ở vai trò là nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, tác giả Vienna Pharaon nhận ra rằng cô chưa từng gặp ai hoàn toàn không có một vết thương cội nguồn nào từ thời thơ ấu. Mức độ có thể khác nhau nhưng mỗi người đều mang theo một nỗi đau nào đó của quá khứ, có thể là từ thời thơ ấu hay giai đoạn đầu tuổi trưởng thành… và những vết thương này sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta hành xử trong hiện tại.

Trong cuốn sách “Phá vỡ khuôn mẫu” (tựa gốc: The Origins of You), tác giả Vienna Pharaon phân tích vết thương cội nguồn của mỗi người, nguyên nhân và cách thức những vết thương này tác động đến cuộc sống hiện tại của chúng ta, thậm chí là con cái chúng ta sau này.

Làm sao mỗi người có thể tự chữa lành? Hành trình bắt đầu từ việc tua lại quá khứ để tìm hiểu về gia đình cội nguồn của chúng ta. Đây là nơi hình thành nền tảng đầu tiên cho niềm tin, giá trị và căn tính của mỗi người. Đây cũng là nơi dạy cho chúng ta cách liên hệ với người khác, với bản thân và thế giới xung quanh. 

Gia đình cội nguồn có thể luôn ổn, thỉnh thoảng mới ổn, hoặc hiếm khi ổn. Nhưng dù ở mức độ nào thì nó cũng không hoàn hảo. Và thông thường, chính câu chuyện cội nguồn ấy sẽ ngăn cản bạn được chữa lành, nó biến thành một khuôn mẫu lặp đi lặp lại để che đậy tổn thương bên trong.

Thông thường, có hai hướng phản ứng trước câu chuyện cội nguồn. Thứ nhất là tiếp tục đóng vai trò mà bạn đã quen thuộc từ thời thơ ấu. Nếu từng là đứa trẻ vô hình trong gia đình, luôn có vai trò nhỏ bé và trầm lặng, rất có thể lớn lên bạn sẽ vẫn tiếp tục thấy khó khăn trong việc nói lên ý kiến của mình. Hướng thứ hai, khó nhận thấy hơn, là đi ngược lại, từ chối vai trò từng đảm nhận khi còn bé, tức là phá vỡ khuôn mẫu.

Ví dụ, nếu bạn từng đóng vai trò là người tâm giao, hỗ trợ cảm xúc cho cha hoặc mẹ, điều đó có thể khiến bạn kiệt quệ, muốn từ chối mọi sự kết nối, gần gũi và nhạy cảm, khi lớn lên bạn sẽ không muốn chăm sóc tinh thần hay tâm sự thân mật với bạn đời nữa.

Ám ảnh dĩ vãng luôn xuất hiện nhiều loại vết thương, bao gồm vết thương xứng đáng, vết thương thuộc về, vết thương ưu tiên, vết thương tin tưởng và vết thương an toàn. Trên thực tế, có thể mỗi người sẽ có nhiều hơn một vết thương trong số đó. Việc xác định vết thương cội nguồn chính là bước đầu tiên trong quá trình hồi phục.

Suy cho cùng, ai trong chúng ta cũng có những tổn thương hay khó khăn của riêng mình. Việc lần về quá khứ không phải để bạn chỉ trích hay căm ghét bất kỳ ai. Bởi lẽ trong khoảng thời gian bạn lớn lên, những người lớn trong gia đình bạn có thể cũng phải chịu những vết thương của riêng mình. Và có thể đến tận ngày nay họ vẫn còn những vết thương chưa được phát hiện và chưa được giải quyết.

Cuốn sách 'Phá vỡ khuôn mẫu' với bản tiếng Việt.

Cuốn sách "Phá vỡ khuôn mẫu" với bản tiếng Việt.

Khi đã nhận diện và gọi tên được vết thương cội nguồn, hẳn chúng ta sẽ nghĩ mình sắp sửa thành công. Nhưng sự thật là, việc xác định vết thương cội nguồn chỉ mới là điểm xuất phát, là chất xúc tác thúc đẩy bạn bắt đầu bước đi trên hành trình chữa lành.

Muốn tiến sâu hơn, cần áp dụng phương pháp chữa lành tận gốc mới có thể vượt qua vết thương cội nguồn của mình. Phương pháp này gồm bốn bước: xác định vết thương, bằng chứng về nó, nỗi tiếc thương đi kèm với nó, và cuối cùng là thực hiện những thay đổi lâu dài để không lặp lại những khuôn mẫu mà bạn vẫn cố phá vỡ trong các mối quan hệ ở tuổi trưởng thành.

Tác giả Vienna Pharaon chia sẻ: “Cuộc sống của bạn không tìm cách trừng phạt bạn. Nó chỉ muốn được chữa lành. Vết thương của bạn cũng không muốn làm hại bạn; chúng đang níu lấy bạn vì bạn xứng đáng được giải thoát. Hành trình tìm lại chính mình và làm chủ cuộc sống là một hành trình dài, một quá trình đang diễn ra. Nhưng khi nhận ra ảnh hưởng của vết thương cội nguồn và nỗ lực giảm bớt tác động của chúng lên hành vi hôm nay, bạn có thể bắt đầu hành trình chữa lành cần thiết”.

Khi chấp nhận phá vỡ khuôn mẫu quá khứ, chúng ta không chỉ thoải mái trong tư duy và hành đồng, mà còn có cái nhìn bao dung hơn và thấu đáo hơn về mọi người xung quanh.

Xem thêm
Chuyện ly hôn: Hành trình vượt qua đau thương

Ly hôn - hai chữ tưởng chừng đơn giản nhưng lại chất chứa biết bao đau thương và mất mát.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?