| Hotline: 0983.970.780

Kỹ năng sống cho trẻ em cần bắt đầu từ đâu?

Chủ Nhật 14/11/2021 , 08:17 (GMT+7)

Kỹ năng sống không chỉ cần thiết để trẻ em đối mặt với những biến cố như Covid-19 mà còn giúp trẻ em biết cách tự lập và trưởng thành.

Kỹ năng sống cần bắt đầu hình thành trong tuổi ấu thơ, 

Kỹ năng sống cần bắt đầu hình thành trong tuổi ấu thơ, 

Kỹ năng sống đang dần dần được xem như một khóa học đặc biệt dành cho trẻ em. Kỹ năng sống được dạy trong các môi trường giáo dục quốc tế, còn quan trọng hơn cả kiến thức sách vở. Thế nhưng, trong gia đình thì bố mẹ chính là người đầu tiên có thể đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em theo cách nhẹ nhàng nhất và thuyết phục nhất.

Trẻ em ngày nay thường mất nhiều thời gian cho việc học tập hơn, vì thế nhiều bố mẹ thường làm thay cho con mọi việc với hy vọng con có nhiều thời gian để học. Điều này thường dẫn đến khả năng tự chăm sóc bản thân, khả năng giúp đỡ người khác, khả năng thích nghi với môi trường xung quanh và khả năng quản lý thời gian của trẻ em rất bị hạn chế.

Điểm số cao ở các môn học thuộc lòng không phải là tất cả, mà khả năng tự lập mới chính là điều có thể giúp trẻ em có được một cuộc đời thành công. Một đứa bé không được hướng dẫn cách chăm sóc bản thân và giúp đỡ người khác thì lớn lên sẽ thụ động và nhút nhát. Trong khi đó, những đứa bé được học những kỹ năng này sẽ là những người lớn tự tin và biết chịu trách nhiệm với những việc mình làm.

Từ 3 tuổi đến 15 tuổi là giai đoạn mà kỹ năng sống được trẻ em thu nạp và được ứng dụng hiệu quả nhất. Theo bộ sách song ngữ Việt – Anh có tên gọi “Bé học kỹ năng sống tự lập” của hai tác giả Lê Thị Linh Trang và Ngô Thị Thanh Tiên, do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành, thì rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em bao gồm các nội dung cụ thể: Bé chăm sóc nhà cửa (How to do housework), Bé chăm sóc cơ thể  (How to take care of your body), Bé thích ứng với môi trường xung quanh (How to adapt to the surroundings) và Bé quản lý thời gian (How to manage time).

Bộ sách 'Bé học kỹ năng sống tự lập'.

Bộ sách "Bé học kỹ năng sống tự lập".

Những đứa bé biết tự chăm sóc bản thân và biết giúp ba mẹ làm việc nhà cũng sẽ có ý thức hơn trong học tập, vì trẻ em hiểu việc học cũng là việc của chính mình. Và khi đứa bé đã hình thành được ý thức tự học, kết quả học tập không còn đáng bận tâm hay lo lắng.

Vì thế, bố mẹ hãy tạo môi trường an toàn, gần gũi giúp các con hình thành ý thức tự lập trong cuộc sống hàng ngày ngay từ nhỏ. Bố mẹ đừng ngại con làm việc không tốt, vì chính bản thân chúng ta lần đầu tiên thực hiện một công việc nào đó cũng đã rất vụng về. Trẻ em phải làm nhiều lần mới có kinh nghiệm và lần sau sẽ làm tốt hơn.

Hãy trao cho con cơ hội để con tự chăm sóc bản thân và làm việc nhà giúp bố mẹ, trẻ em sẽ rất vui đấy. Sau này, khi lớn lên có khả năng độc lập, các con sẽ rất biết ơn bố mẹ vì đã hướng dẫn để con hình thành những thói quen tốt, luôn biết cố gắng, nỗ lực trong công việc và cuộc sống.

Đào tạo kỹ năng sống, nói cho cùng là phương pháp để trẻ em tập lớn lên trên đôi chân của chính mình và tương lai có thể tự bay trên đôi cánh của chính của chính mình.  Và đó mới là mục tiêu tối thượng của giáo dục và tình thương.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?