| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế

Phải bán cái người ta thích

Phải bán cái người ta thích

'Chúng ta phải bán cái người ta thích, người ta cần chứ đừng mang cái mình đã có để mang sang nước bạn...', Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.

Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong hội nghị ngoại giao 31 về sự liên hệ giữa xuất khẩu nông sản với ngành ngoại giao nói chung và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

Cá nhân tôi cũng nhận thấy Đại sứ, không chỉ là đại diện nhà nước về chính trị, đại diện các lĩnh vực kinh tế quan trọng, mà Đại sứ còn phải là những người đại diện cho mỗi sản phẩm của đất nước, của người dân.

Từ quả nhãn, quả vải, củ dưa củ hành tới những chai nước mắm, cút xì dầu… đều là mồ hôi, công lao của người sản xuất, những người nông dân, dãi nắng dầm sương đổ bao mồ hôi để sản xuất, qua bao nhiêu quy trình chế biến, đóng gói, vận chuyển mới tới được những kệ hàng ở nước ngoài.

Đại sứ Vũ Hồng Nam (thứ 2 từ trái sang) nỗ lực quảng bá nông sản Việt tại thị trường Nhật Bản. 

Đại sứ Vũ Hồng Nam (thứ 2 từ trái sang) nỗ lực quảng bá nông sản Việt tại thị trường Nhật Bản. 

Những sản phẩm từ một nước nhiệt đới luôn lạ lẫm với khách hàng vùng ôn đới. Nếu không có cách quảng bá khéo léo và thổi hồn vào những sản phẩm đó, thì các bạn ta làm sao dám thử để mà biết ngon hay không?

Tôi còn nhớ, chỉ mới 3 năm trước đây khi mới sang Nhật Bản nhận nhiệm kỳ, nước mắm còn rất hiếm. Một số cửa hàng của các nước châu Á khác có bán nước mắm của họ nhưng không hợp khẩu vị của người Việt. Lúc đó gia đình tôi phải tự đóng hơn 20 lít mang theo để phòng bị. Các sản phẩm nông sản của Việt Nam thì còn rất thưa thớt trên kệ hàng và không dễ tìm thấy.

Tôi đã tự mình mở chiến dịch vận động các nhà nhập khẩu người Nhật, người Việt phải mang hàng nông sản sang, các mặt hàng nhu yếu phẩm sang. Tôi và anh Minh, tham tán Thương mại đã quyết định vận động và hỗ trợ các công ty Việt Nam mang hàng sang hội chợ Food Fair ở Tokyo.

Tôi gặp gỡ các công ty thương mại lớn để vận động. Tôi chỉ nói đi nói lại một điều chúng tôi có gần nửa triệu người Việt Nam ở Nhật, sao các bạn không coi đó là khách hàng, mà đã là khách hàng phải phục vụ…

Tôi thổi hồn tinh túy vào món ăn Việt, vào các đặc sản Việt Nam. Nước mắm Việt Nam là ngon nhất mùi phải đậm, vị phải ngọt… Bánh phở phải là Việt Nam. Xoài Việt Nam thì không đâu sánh được về độ ngọt và thơm. Chuối Việt Nam là nhất thế giới và lại có nhiều vitamin…  Và sau 3 năm khi tôi đang chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ thì bây giờ nước mắm, bánh phở, mì tôm Việt Nam có thể dễ dàng mua ở nhiều của hàng cũng như trên mạng.

Những chuyện nhỏ của người nông dân mà ngài Đại sứ dám làm và để công sức làm thì đấy mới là chuyện lớn.

Đại sứ Vũ Hồng Nam

Các bạn Nhật rất sợ ăn được rau mùi ta vì họ không thể chịu được cái mùi đó (!!) còn tôi thì luôn kích khéo, ăn phở Việt Nam mà không có rau mùi ta thì làm sao mà ngon được, rau mùi ta còn nhiều kháng sinh, tốt cho sức khỏe… và bây giờ nhiều bạn ăn phở mà không thấy mùi ta là đòi và lại con xin mang về để cho vợ ăn thử. Có quán cà phê còn mang tên Hương Rau Mùi (!!!)

Tôi còn hứa với các bạn Nhật nếu bạn ăn được sầu riêng thì tôi sẽ chịu nộp phạt. Và đã có bạn chưa bao giờ ăn sầu riêng đã nói với tôi rằng vị sầu riêng ngon tuyệt, mỗi tội mùi hơi hơi… Tôi tin rằng một thời gian nữa bạn đó sẽ nghiện cái mùi hơi hơi ấy…

Tóm lại làm “ngài Đại sứ” phải biết làm cả chuyện lớn và cả chuyện nhỏ. Phải coi chuyện nhỏ là chuyện lớn vì chuyện lớn mà ngài Đại sứ làm được là chuyện nhỏ vì đó làm nhiệm vụ chính của ngài. Còn những chuyện nhỏ của người nông dân mà ngài Đại sứ dám làm và để công sức làm thì đấy mới là chuyện lớn.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam quảng bá nông sản Việt tại Nhật Bản. Ảnh: N.Nguyên.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam quảng bá nông sản Việt tại Nhật Bản. Ảnh: N.Nguyên.

Nếu sản phẩm của nước ta mà ta không quý, không yêu thì bạn đâu dễ thích sản phẩm của ta. Nếu ta biết khéo léo thổi hồn vào từng sản phẩm, biết trân trọng và khéo léo lồng ghép vào các hoạt động ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế, lễ hội, quảng bá sản phẩm thì tiếng vang của sản phẩm của ta sẽ được tăng sức hấp dẫn, được lan tỏa nhanh và rộng hơn.

Tôi cho rằng tiêu chuẩn quan trọng nhất là hàng của ta phải được bạn thích. Điều đó có nghĩa là phải hiểu rằng hàng hóa mà người tiêu dùng Việt Nam đã thích thì không có nghĩa là khách hàng Nhật thích. Nói cách khác ta phải bán cái người ta thích, người ta cần chứ đừng mang cái mình đã có để mang sang nước người. Nói thế, có nghĩa là phải nghiên cứu thị trường, sở thích của khách hàng để chuẩn bị các sản phẩm hợp với thị hiếu và khẩu vị của bạn.

Một sản phẩm sang Nhật phải đáp ứng được 2 tiêu chuẩn quan trọng là chất lượng và mẫu mã. Chất lượng tức là sản phẩm phải ngon, đúng vị của bạn. Chúng ta thích chuối chín trứng quốc (lốm đốm đen trên vỏ), nhưng người Nhật thì dứt khoát không. Đó là chất lượng của người mua hàng. Còn chất lượng của cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch mới là khó khăn.

Còn mẫu mã thì sao? Đó là tiêu chí còn khó hơn cả chất lượng. Bởi sản phẩm khi thu hoạch phải đều, màu sắc tươi, phải bảo quản theo đúng quy chuản để khi lên kệ hàng không bị xuống nước… Đó là cả một quy trình không dễ.

Người nông dân Nhật chăm bẵm vườn cây như họ chăm con của mình, nắng to, mưa lớn phải che, một ngày cây được tắm nắng mấy giờ là đủ, nước tưới bao nhiêu để không thừa làm cho quả mất ngọt, đất bị trôi màu dinh dưỡng…

Ví dụ như một chùm nho bạn sẽ tỉa quả để số lượng quả mỗi chùm cơ bản gần giống nhau, tỉa bớt các quả giữa để các trái nho phát triển không bị chèn nhau, nên quả nào cũng mũm mĩm da căng mịn… Khi lên kệ hàng, chùm nào cũng giống chùm nào, màu sắc hệt nhau, thoáng trông như chùm nho nhựa ấy, đều tăm tắp…

Và thương trường ở Nhật Bản còn là một “chiến trường” của sự cạnh tranh. Nước nào cũng muốn vào Nhật, bởi đây là thị trường tiêu chuẩn nhất thế giới và đó là chuẩn mực để bất kỳ một nền sản xuất nào cũng đều mong muốn hướng tới.

Do vậy, một sự lơ là, chểnh mảng để sản phẩm của chúng ta dính lỗi về hóa chất, về sâu bệnh, hoặc chất lượng bảo quản thì không những lô hàng đó bị tiêu hủy mà uy tín sản phẩm của chúng ta cũng bị trôi theo. Do vậy, cần phải giữ chặt chữ tín với thị trường khó tính bậc nhất thế giới này.

Sau nhiều nỗ lực, quả vải Việt Nam xuất hiện và được ưa thích tại thị trường Nhật Bản. 

Sau nhiều nỗ lực, quả vải Việt Nam xuất hiện và được ưa thích tại thị trường Nhật Bản. 

Kiều bào ta, người Việt Nam ta ở nước ngoài ai cũng một lòng yêu quê hương đất nước. Cái chất Việt sâu nặng trong mỗi con người Việt Nam là ở chỗ lâu không được ăn món Việt là nhớ, là thèm và phát cuồng khi thiếu rau, chứ không phải thiếu thịt. Nhất là rau muống lâu lâu chưa được ăn thì đúng là thèm không chịu được. Và bản tính đó chính lại tạo nên một thị trường cam kết với các sản phẩm nông sản Việt Nam.

Một sự lơ là, chểnh mảng để sản phẩm của chúng ta dính lỗi về hóa chất, về sâu bệnh thì không những lô hàng đó bị tiêu hủy mà uy tín sản phẩm của chúng ta cũng bị trôi theo.

Đại sứ Vũ Hồng Nam

Rất nhiều công ty Việt kiều tham gia cung ứng và sản xuất hàng hóa phục vụ người Việt Nam, người từ các nước châu Á khác đang sinh sống ở Nhật Bản. Tuy nhiên, một điều trở ngại lớn với cả người sản xuất ở Việt Nam và người phân phối ở Nhật, đó là quy mô các chủ thể kinh tế của chúng ta còn nhỏ bé.

Đây chính là trở ngại lớn cho việc sản xuất, bảo quản, và xuất khẩu, cũng như phân phối sản phẩm nông sản Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy, chúng ta rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong dây chuyền sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản của chúng ta.

Người nông dân cần hỗ trợ về giống, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn GAP, hệ thống thu mua đồng nhất, các thiết bị bảo quản hiện đại đáp ứng yêu cầu duy trì chất lượng sản phẩm tươi, giữ được chất lượng không suy giảm…

Đó là nhiệm vụ của Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương… Còn ở nước ngoài thì các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại, đại diện khoa học công nghệ cũng phải có sự hỗ trợ sát sao với các sản phẩm của Việt Nam. Rất cần một chiến lược chung dài hơi, tổng thể cho bất kỳ một sản phẩm nông sản nào. Một hộ nông dân không thể làm được điều đó.

Vũ Hồng Nam
Xem thêm

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm