Việc Mỹ công bố mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại về sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường này. Các ngành hàng chủ lực như trái cây, hạt điều và gỗ đang đứng trước những thách thức lớn, đặc biệt khi chi phí vận chuyển đã cao nay lại càng trở nên đắt đỏ hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group cho rằng, mức thuế đối ứng 46% nếu được áp dụng sẽ gây ra nhiều khó khăn. Hiện nay, rau quả Việt Nam khi xuất sang thị trường Mỹ chỉ chịu mức thuế khá thấp, phổ biến chỉ vài phần trăm, cao nhất là 16% đối với sầu riêng đông lạnh.
Theo ông Tùng, nếu thuế nhập khẩu tăng cao, trái cây Việt Nam sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh với trái cây từ các quốc gia khác như Mexico hay Thái Lan - những quốc gia có lợi thế về chi phí vận chuyển thấp hơn. Khi đó, các đối tác nhập khẩu Mỹ có thể sẽ tìm đến những nguồn cung cấp khác nếu sản phẩm Việt Nam không còn giữ được mức giá hấp dẫn.

Mặt hàng trái cây sẽ khó cạnh tranh tại thị trường Mỹ nếu bị áp thuế đối ứng 46%.
"Nếu trước đây, người tiêu dùng Mỹ chỉ cần bỏ ra 10 đồng để mua trái cây Việt Nam, thì khi thuế tăng, họ sẽ phải chi đến 15 đồng. Điều này sẽ khiến họ cân nhắc lựa chọn những sản phẩm khác, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay", ông Tùng chia sẻ.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp xuất khẩu hy vọng rằng Chính phủ sẽ nhanh chóng tiến hành đàm phán với phía Mỹ để tìm ra giải pháp điều chỉnh mức thuế suất hợp lý hơn.
“Tình hình sẽ rất căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp đang khá sốc trước mức thuế này”, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Chủ tịch Scansia Pacific chia sẻ khi nói về mức thuế đối ứng 46% với Việt Nam mà ông Trump vừa công bố.
Theo ông Bảo, Mỹ là một trong 2 thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp và chiếm tới 50% doanh thu. Những tháng đầu năm doanh nghiệp đang tập trung cho các đơn hàng tại thị trường EU và từ tháng 5 sẽ tập trung cho thị trường Mỹ. Do đó, những tác động của mức thuế này sẽ rõ ràng vào khoảng tháng 5, tháng 6. Mặc dù vậy, ông Bảo nhìn nhận, dù chưa biết mức thuế suất cụ thể với ngành gỗ là bao nhiêu, nhưng nếu Mỹ áp thuế đối với đồ gỗ Việt Nam, doanh nghiệp sẽ chịu tác động rất lớn. Trong đó, dễ thấy nhất là sức mua sẽ giảm mạnh”, ông Bảo bày tỏ.
Cũng theo ông Bảo, thông thường khi áp thuế, các nhà mua hàng tại Mỹ sẽ phải chịu phần thuế suất này. Tuy nhiên, nếu mức thuế tăng quá cao, nhà mua hàng buộc sẽ phải đàm phán lại mức giá với doanh nghiệp Việt Nam hoặc tìm nguồn cung thay thế. Do đó, doanh nghiệp sẽ phải đứng trước nguy cơ chấp nhận lỗ, hoặc mất đơn hàng.
Với ngành điều, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty Điều Long Sơn nhận định, mức thuế suất với mặt hàng điều có thể sẽ thấp hơn do đây là mặt hàng thiết yếu.
Bên cạnh đó, thời gian qua Việt Nam cũng có nhiều chính sách mới nhằm đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Mỹ như hạt dẻ cười, hạnh nhân... Mới đây nhất, cuối tháng 3/2025, Việt Nam cũng giảm thuế nhập khẩu từ 15% xuống 5% với hạt dẻ cười; mặt hàng hạnh nhân giảm từ 10% xuống 5%; mặt hàng quả táo tươi giảm từ 8% xuống 5%.
Ông Sơn dự báo mức thuế đối ứng áp dụng cho hạt điều dự kiến vào khoảng 2,5%. Nếu áp dụng mức thuế này, giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 1%.
Mặc dù mức tăng không quá lớn, nhưng ông Sơn cho rằng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Để duy trì lợi nhuận, các công ty buộc phải tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí và tăng năng suất. Trong bối cảnh giá điều thô duy trì ở mức cao, việc tìm kiếm giải pháp tiết kiệm chi phí càng trở nên cấp thiết hơn. Cùng với đó là tăng cường đa dạng hóa thị trường sang các thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc để giảm thiểu rủi ro.