| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 29/10/2013 , 10:07 (GMT+7)

10:07 - 29/10/2013

Phải hành động

Dư luận cho rằng, chỉ “choáng, sốc” trước những bê bối ngành y tế thời gian gần đây thôi thì chưa đủ, mà cần phải làm gì đó, ít nhất là hành động…

Chuyện thời sự nhất bây giờ, hỏi ai có lẽ cũng đều có chung một câu trả lời: những bê bối trong ngành y tế.

Bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ ai cũng đều có một mối quan tâm xung quanh vụ bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, GĐ Thẩm mỹ viện Cát Tường, ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng sau ca phẫu thuật thẩm mỹ không thành công. Vị bác sỹ vô lương tâm kia đã bị bắt, cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc tích cực…, nhưng dư luận vẫn xôn xao bởi một câu hỏi lớn chưa có lời giải: trách nhiệm của người đứng đầu?


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Còn nhớ, cách đây không lâu, sản phụ Nguyễn Thị Xuân, 40 tuổi, xã Phúc Thiệu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa qua đời ngày 17/10 trong khi sinh con tại bệnh viện đa khoa huyện. Tức giận trước sự tắc trách, bỏ bê của bác sỹ trong ca trực sinh, gia đình và hàng trăm người dân đã bao vây trước cổng bệnh viện.

Sau đó, thân nhân và cả ngàn người dân đã chở quan tài diễn hành gần một ngày để yêu cầu bệnh viện làm rõ nguyên nhân cái chết của sản phụ Xuân. Cái chết này bất thường vì trước khi sinh, bác sĩ kết luận thai nhi khỏe mạnh, sản phụ đủ điều kiện để hạ sinh đứa bé.

Qua trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Xuân vừa mới tử vong, nhìn lại thời gian gần đây, đặc biệt năm 2013, có hàng loạt trường hợp sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong trong khi sinh. Liệt kê những trường hợp gần đây, ai cũng hoảng hồn trước vấn nạn cẩu thả tại các bệnh viện trên cả nước.

Ngày 7/9, sản phụ Vũ Thị Thúy, 28 tuổi, chết tại bệnh viện Phụ sản - Nhi Bình Dương; ngày 4/9, sản phụ Nguyễn Thị Vinh (Nghi Phong, Nghi Lộc), chết tại bệnh viện thành phố Vinh, Nghệ An; ngày 10/6, sản phụ Trần Thị Vân Anh chết tại bệnh viện Quảng Ngãi. Đây là ca tử vong trẻ sơ sinh thứ 20 (hai trường hợp tử vong mẹ và con) tại khoa sản bệnh viện Quảng Ngãi kể từ đầu năm…

Trên đây là một vài trong rất nhiều trường hợp sản phụ đến bệnh viện sinh, sau đó người mẹ hoặc trẻ sơ sinh, hoặc cả hai đều tử vong. Sự việc diễn ra một cách đồng loạt, ở nhiều địa phương, nhiều nơi trong cả nước.

Ngay vừa mới cách đây 3 ngày, 8 trẻ em ở Quảng Trị cũng phải nhập viện sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem, loại vắc-xin mà Bộ Y tế đã từng cho nhập, tạm cấm nhập, rồi lại tái nhập…

Trước quá nhiều bê bối của ngành, các ý kiến cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về những người bác sĩ trực tiếp điều trị. Ngoài việc tay nghề kém thì vấn đề y đức có lẽ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trách nhiệm tiếp theo phải thuộc về bệnh viện. Họ phải đưa ra nguyên nhân trung thực, khách quan. Không thể đưa ra nguyên nhân chung chung, gỡ tội cho nhân viên của họ. Đồng thời đền bù cho thân nhân người chết vài chục đến vài trăm triệu rồi mọi việc lại “chìm xuồng”.

Mạng người gồm một mẹ và đứa trẻ sơ sinh không thể xem rẻ.

Trong ba năm 2010, 2011, 2012 và chưa tính 2013, hơn 200 bà mẹ và hàng chục trẻ em đã thiệt mạng trong bệnh viện. Hầu như chưa có một bác sỹ nào bị kỷ luật!

Khi “thời sự ngành y” chưa lắng xuống, thì người ta lại “hóng” sang nước Đức, nước Brazil xa xôi, nơi có bà Annette Schavan vừa đệ đơn xin từ chức Bộ trưởng Giáo dục Đức, sau khi có những cáo buộc bà đạo văn. Trong đơn từ chức, bà Schavan tái khẳng định sẽ đấu tranh để bảo vệ thanh danh, song bà từ chức vì không muốn các cáo buộc này ảnh hưởng tới công tác quản lý tại Bộ Giáo dục.

Ở Brazil, Bộ trưởng Bộ Thể dục thể thao Rebelo cũng đệ đơn từ chức, vì người dân biểu tình phản đối ông này và cho rằng, trong thời gian qua, việc chuẩn bị cho World Cup 2014 của Brazil đã có nhiều bê bối.

Quay lại chuyện ở Việt Nam, dù rằng Bộ trưởng Bộ Y tế, khi trả lời báo chí, đã nói rằng “những vụ việc trên khiến tôi và toàn ngành rất choáng, sốc và phẫn nộ…”. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, chỉ “choáng, sốc” thôi thì chưa đủ, mà cần phải làm gì đó, ít nhất là hành động…