Dù còn nhiều thứ phải bàn, nhưng phải dựa lưng cùng nhau, dựa vào Đảng mà đưa đất nước phát triển.
Đây là lời nhắn gửi của Trung tướng Khuất Duy Tiến khi trả lời phỏng vấn KTGĐ về cuộc khởi nghĩa 19/8, thắng lợi của cách mạng Tháng 8 và giá trị của ngày Quốc khánh 2/9.
Trung tướng Khuất Duy Tiến |
Tận mắt chứng kiến những người thân chết vì đói
Cả cuộc đời gắn với quân ngũ, từng tham gia chống Pháp, chống Mỹ, nay đã bước sang tuổi 88, ký ức về những ngày tháng trước cách mạng Tháng 8 năm 1945 của ông là gì?
Tôi năm nay đã bước vào tuổi 88, ký ức của tôi về ngày 2/9/1945 là ký ức của một cậu bé 14 tuổi. Ngày đó, tôi sống ở quê cũng chưa hình dung cách mạng là gì, chỉ biết rằng cảnh đất nước lúc đó cơ cực lắm.
Nạn đói năm 1945 khiến hơn 2 triệu người chết mà sau này tôi mới biết con số đó, chứ lúc bấy giờ chỉ thấy những người xung quanh mình lần lượt ra đi. Lúc đó, cám nuôi lợn không có mà ăn. Nhà nào được gọi có “của ăn của để” là khi có cám nấu với dọc khoai ngứa, hay mấy lá khoai lang cho gia đình ăn.
Còn nhà nghèo hầu như thứ thực phẩm nuôi sống qua ngày là củ cây chuối. Đầu tiên thì ăn ruột cây chuối, hết cây thì tiếp tục đào đến củ cây chuối, thái nhỏ đun lên cho tý muối rồi cả nhà sì sụp. Đến một ngày, củ chuối cũng chẳng còn, người dân bắt đầu ăn đến cây đu đủ, tước vỏ bên ngoài để ăn ruột bên trong. Cái món ăn đắng ngắt ấy thế mà đến lúc cũng chẳng còn...
Nạn đói ấy đã cướp đi sinh mạng hơn 400 người làng tôi (Đại Đồng, Thạch Thất, khi đó là tỉnh Sơn Tây). Trong đó nhà tôi có hai ông chú, một bà dì đều chết khi còn rất trẻ. Tôi không thể nào quên hình ảnh ông chú thứ hai, trước đó ông vẫn khỏe lắm, mới ngoài 30 thôi nhưng nạn đói đã lấy đi tất cả sức lực của tuổi trẻ, ông nằm bệt. Mẹ tôi xoay được đấu cám nấu với dải khoai lòng bòng, nồi cháo vừa bưng ra, ông chú thều thào nói “chị ơi cho em một bát”, bát cháo vừa được đưa tới miệng chưa kịp ăn chú đã tắt thở.
Sau một tháng ông chú thứ 3 cũng theo anh ra đi. Khi đó chú nằm trên giường, nhìn thấy tôi chỉ khều khều tay ra hiệu, tôi chạy đến chỉ kịp nắm tay thì chú cũng ra đi. Cả hai chú đều chết vì đói khi còn quá trẻ, đáng thương hơn cả hai chú đều chết trong cô độc khi nhà nghèo không có tiền để lấy vợ.
Từng tham gia vào đoàn người đi cướp chính quyền dịp 19/8/1945, ông có thể kể lại không khí lúc bấy giờ…
Tôi nhớ cuối năm 1943, ông cậu ở nhóm Việt Minh thỉnh thoảng đến nhà và tôi cũng lờ mờ biết về hoạt động của tổ chức. Ngày 19/8/1945, Toàn quốc tổng khởi nghĩa, Việt Minh hô dân đi cướp chính quyền ở huyện, tôi cũng vác dao đi...
Nhân dân lúc đó sung sướng lắm, đường 32 nườm nượp người kéo nhau lên huyện, đoàn người hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Việt Nam độc lập!”. Người dân đúng là sung sướng, nhìn những người còn da bọc xương nhưng mắt sáng lên, bá vai nhau, dìu nhau đi ra dự mít tinh ở làng. Suốt đêm ngày trống hát, đặc biệt thiếu niên, thanh niên như lứa chúng tôi như chim ổ lồng hát suốt, đi suốt. Họ vui vì từ nay, dân không còn chịu cảnh áp bức, bóc lột. Từ ngày hôm sau trở đi, các đoàn thể được hình thành. Rất lạ, năm ấy, lúa ở làng trở lại tốt tươi.
Cách mạng đã đổi đời
Kết quả của cuộc cách mạng là ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người dân thoát khỏi ách đô hộ của phong kiến, thực dân. Người nông dân được làm chủ trên quê hương, ruộng vườn của mình, có cơm ăn, có áo mặc, được học hành...
Đúng vậy. Cuộc cách mạng tháng 8 thành công thực sự cởi trói cho dân tộc. Tôi nghĩ rằng không có cuộc tổng khởi nghĩa 19/8, không có ngày Quốc khánh 2/9 thì dân chúng tôi không bao giờ mở mặt được.
Ông có buồn không khi đến giờ vẫn có những ý kiến hoài nghi chế độ, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng 8 cũng như công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng gần đây?
Tôi từng đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, đúng là có người xuyên tạc về chế độ ta, nhưng đó chỉ là số ít, tôi gặp những người sống gần 100 tuổi họ vẫn tin chế độ lắm. Hôm nọ anh em có hỏi tôi tình hình chính trị, tôi có nói rằng: đất nước đang tốt đẹp, mình đang xây dựng phát triển kinh tế. Khi đất nước đã có tiền, có của sẽ sinh ra anh chiếm cái này cái khác (nảy sinh phòng chống tham nhũng), và Đảng đã nhận ra và đang thực hiện công cuộc phòng chống điều này.
Cũng có anh nói xấu lực lượng công an, tôi cũng hỏi lại, nếu đất nước một phút không có lực lượng này thì sẽ như nào? Chắc chắn sẽ xảy ra bao tai họa. Vì thế những cái anh em làm được mình phải hoan hô, bồi dưỡng lên cho tốt. Những cái chưa làm được thì mình tham gia xây dựng để cho tốt lên.
Giống như cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ trước đây cũng thế, cũng có những trận thua nhưng quan trọng là vừa đánh vừa rút kinh nghiệm. Đúng là đất nước trong quá trình phát triển có cái này cái khác mình phải đấu tranh. Lợi ích nhóm có không? Nhất định là có, nói không có là không đúng, nhưng Đảng đang giải quyết những cái đó. Nhưng cần từng bước , chứ không phải ụp một cái được ngay. Cuộc chiến chống tham nhũng, lợi ích nhóm phải thực hiện thường xuyên, tôi tin với đà này nạn tham nhũng sẽ được đẩy lùi, chúng ta đoàn kết với nhau nhất định thành công, đất nước tiếp tục đi lên.
Tôi chỉ muốn nói với bạn một điều ai nói gì thì nói nhưng không thể phủ nhận được đất nước ngày xưa khổ như thế nào, bây giờ sướng như thế này.
Ảnh: Zing.vn |
Cuộc Cách mạng tháng 8 rõ ràng đã tạo ra “gốc cây” rất tốt, không có cách mạng, không có cuộc khởi nghĩa 19/8, không có Đảng Cộng sản Việt Nam, không có Chủ tịch Hồ Chí Minh thì làm sao có một Việt Nam như ngày hôm nay! Đất nước phát triển như thế, anh (đối tượng phản động - PV) còn đòi đến đâu?
Giờ chúng ta giành được độc lập hoàn toàn, xây dựng đất nước độc lập mới mấy chục năm, còn nhiều thứ phải dựa lưng cùng nhau, dựa vào vào Đảng mà làm, đưa đất nước phát triển. Đừng ngả nghiêng với những câu nói thiếu căn cứ!
Xin cảm ơn ông!
Trung tướng Khuất Duy Tiến tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, từng bị địch bắt đưa vào nhà tù Hỏa Lò, tiếp đến vượt tù ngục có mặt trong đội hình Đại đoàn Đồng Bằng chiến đấu ở Sơn Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông, Thái Bình dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng tài danh Văn Tiến Dũng. Khi quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam, ông cùng Sư đoàn 320 hành quân vào đánh Mỹ ở chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, tham gia giải phóng Sài Gòn. Sau khi đất nước thống nhất, hai đầu biên giới lại rộ lên tiếng súng, trên cương vị mới Sư đoàn phó rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (1976-1979); Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 (1980 1984); Tư lệnh Quân đoàn 3 (1984-1989) ông luôn là người lãnh đạo mẫu mực. Ông đã cùng bộ đội tham gia đánh Pôn Pốt cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1989, ông được điều giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu; năm 1994, ông được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục Quân 1 và nghỉ hưu năm 1997 khi tròn 66 tuổi. Tháng 10/2013, Trung tướng Khuất Duy Tiến được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |