| Hotline: 0983.970.780

Phạm Văn Khoa - Người tổ chức xây dựng Lễ đài 2/9/1945

Thứ Hai 02/09/2019 , 08:02 (GMT+7)

Không chỉ là đạo diễn điện ảnh tài năng, Phạm Văn Khoa (1913 - 1992) còn là người tổ chức xây dựng Lễ đài 2/9/1945.

Sẵn sàng ủng hộ cách mạng

Sáng ngày 1/9/1945, còn đang ngủ bỗng Phạm Văn Khoa nghe tiếng chuông gọi cửa rất gấp. Ông không hiểu có chuyện gì mà người ta gọi cửa sớm thế. Mở cửa, ông nhận ra đồng chí Trần Quốc Hương.

Ông vội hỏi: “Có chuyện gì mà cậu đến sớm thế?”. Đồng chí Hương nói ngay: “Có việc cần lắm nên tôi phải đến sớm. Đến muộn cậu chạy như ngựa biết đâu mà tìm”.

Đồng chí Trần Quốc Hương đề nghị sáng mai mồng 2 tháng 9 cần phải xong một lễ đài, trên đó có thể đứng khoảng 20 đến 25 người. Yêu cầu lễ đài không cần diêm dúa, nhưng phải có loa truyền đi các khu phố lớn đông người.

Lễ đài 2/9/1945. Tư liệu KMS

Đạo diễn Phạm Văn Khoa nhớ lại: “Công việc đầu tiên tôi phải tìm ngay kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh nói rõ yêu cầu của trên. Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh có vẻ ngần ngại, cũng không hiểu chuyện gì mà phải làm cấp bách thế. Tôi hẹn khoảng chín giờ tôi đến lấy bản vẽ”.

Sau đó, ông đi tìm ngay bác Quyến là thợ mộc ở cùng phố Hàng Hành và hẹn cứ chờ ở nhà, độ chín giờ hay chín rưỡi là cùng ông sẽ mang bản vẽ tới và lấy xe cho đi chở gỗ.

“Đúng chín giờ tôi đến, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đưa cho tôi ba bản vẽ lễ đài khác nhau tùy tôi chọn. Tôi chọn kiểu lễ đài đơn giản nhất và theo ý tôi vừa dễ làm, vừa mỹ thuật hơn hai bản vẽ kia. Tôi đưa cho bác Quyến để tính gỗ và tính vải rồi đi mượn. Tôi lại đến các đồng chí trong Hội Truyền bá Quốc ngữ nói rõ yêu cầu của cấp trên và dặn anh em mỗi người mang đi một cái búa để làm việc”.

Để phục vụ việc làm lễ đài, đồng chí Trần Duy Hưng cho mượn một xe ca-mi-ông để đi chở gỗ. Còn ông Phạm Văn Khoa với chiếc xe con của báo Cờ giải phóng dùn vào việc đi mượn vải và liên lạc với công trường dựng lễ đài ở khu Ba Đình. Công việc tiến hành rất thuận lợi, ông Phạm Văn Khoa kể, vì đi đến đâu cũng sẵn sàng ủng hộ cách mạng. Xưởng gỗ muốn lấy thứ gì cũng có.

“Tôi dặn anh em thợ mộc nên hết sức đắn đo, cái gì cần phải cưa cắt cùng lắm mới phải cưa cắt, đừng phá vụn gỗ của người ta”.

Không khí thật là mới

Đến khoảng ba giờ sáng, khi ông Phạm Văn Khoa ra kiểm tra thì hình thù lễ đài đã gần xong.

Làm xong đến đâu các loại gỗ, vải lại được mọi người xếp lên xe rất gọn gàng. Đến sáng mồng 2 tháng 9 mọi việc đều xong xuôi. Phần phóng thanh và micro do ông Nguyễn Dực phụ trách cũng hoàn thành chu đáo.

Từ sáng 2/9/1945, trong hồi ký ông Phạm Văn Khoa cho biết, các đoàn thể quần chúng đã kéo tới Ba Đình, hàng ngũ chỉnh tề để chờ đón Chính phủ Lâm thời ra mắt. “Tất cả nóng lòng chờ đợi, bỗng nhiên mọi người hướng cả về lễ đài - Hồ Chủ tịch và các vị trong Chính phủ đã đến - nhiều người mới nhìn thấy Hồ Chủ tịch từ xa đã cảm động khóc”.

Các tầng lớp nhân dân rất lạ khi nghe thấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều người trước cũng mang máng nghe tin Chủ tịch là Nguyễn Ái Quốc, chưa nghe thấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ, nhưng khi nghe Hồ Chủ tịch hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe có rõ không?” Thì tự nhiên vang lên tiếng đáp lại: “Thưa rõ ạ”. Câu hỏi đơn giản của Hồ Chủ tịch đã chiếm được lòng dân, tất cả đều cảm thấy thân mật và gần gũi, cái không khí thật là mới - Đạo diễn Phạm Văn Khoa kể lại.

Tổ chức xong lễ đài ngày 2 tháng 9 năm 1945, Phạm Văn Khoa lại trở về tòa soạn báo Cờ giải phóng mà ông phụ trách.

Đạo diễn Phạm Văn Khoa và nhà văn Nguyễn Tuân (ngoài cùng, bên phải). Tư liệu KMS

Sinh ra trong một gia đình nông dân thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, Phạm Văn Khoa có chí hướng nghệ thuật từ sớm. Ông tham gia phong trào Mặt trận Bình dân, phong trào Truyền bá Quốc ngữ, giám đốc đầu tiên Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh… Khi Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập, Phạm Văn Khoa trở thành vị giám đốc đầu tiên.

Từ tuổi 40 bắt đầu tham gia Điện ảnh và gắn bó với Điện ảnh cho đến khi qua đời, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên (1984), Huân chương Độc lập hạng Ba (1985).

Năm 2007, Đạo diễn Phạm Văn Khoa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho 3 tác phẩm: "Lửa trung tuyến", "Chị Dậu" và "Làng Vũ Đại ngày ấy".

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…