Tôi đã rong ruổi đi chợ biển đêm và chụp ảnh các ngư dân mặc áo cờ Tổ quốc và những chiếc tàu rợp bóng cờ trên biển Đông vào ngày quốc khánh 2/9.
365 ngày Quốc khánh
“Một tàu trúng 90 tấn cá, kêu cả đoàn ghe rỗi ra chở”, thông tin được loan báo rộng rãi trên máy Icom vào một ngày đầu tháng 3 năm 2019 và sau đó tọa độ tàu trúng cá trở thành một chợ nổi trên biển. Vì 9 chiếc tàu thu mua cá tập trung đến và xếp thành một hàng dài rồi đong cá, mỗi tàu 10 tấn chở gấp vào đất liền.
Một chiếc tàu rỗi treo 2 cột cờ tổ quốc. |
Ghe rỗi, tàu rỗi là cách gọi của của ngư dân địa phương để chỉ những chiếc tàu, thuyền chuyên làm nghề thu mua cá trên biển. Thuyền thường được thiết kế mũi nhọn, thân hẹp, lắp máy có công suất trên 150 mã lực, nóc ca bin cắm 2 cột cờ thật cao để các tàu đánh cá có thể nhận dạng được từ xa.
Tôi quyết định rong ruổi cùng những chiếc tàu rỗi để hiểu được cuộc sống về đêm ở trên biển, zoom cận vào những chấm sáng nhấp nháy phía đường chân trời đêm để mô tả đầy đủ những người dân chài đang ngày đêm mưu sinh và chợ đêm diễn ra như thế nào.
Ông Thành, một ngư dân thử “nắn gân” sự chịu đựng của tôi bằng một ví dụ về một chiếc tàu rỗi chở hàng chục tấn cá bị chìm nghỉm ở vùng biển Quảng Ngãi do chạy tốc độ quá cao từ phía ngoài đảo Lý Sơn vào bờ. “Phần lớn ghe rỗi chạy tốc độ rất kinh khủng, vì có như vậy mới kịp chở cá không qua ướp đá vào đất liền để cung cấp cho các chợ đầu mối bán cá tươi cho người tiêu dùng” – ông Thành cho biết.
Đúng chiều ngày 2-9, một chiếc ghe rỗi cập vào Trạm kiểm soát biên phòng Tam Quan, huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định để chở nhà báo ra khơi tác nghiệp, thăm thú cảnh chợ đêm trên biển, ngắm cảnh cờ tổ quốc thấp thoáng trong màn đêm. Chiếc tàu có nhịp máy nổ kêu phùng phùng khi mới bắt đầu khởi động, nhưng khi nghe tin có tàu cá thì thuyền trưởng sẽ tăng tốc cho tàu lao như bay giống ca nô trên biển đêm. Kiểm soát tốc độ phương tiện hàng hải trên biển khác với đất liền, vì không có biển báo, đèn đỏ, tín hiệu cảnh báo, tàu thuyền có thể lao thục mạng tùy hứng của ông thuyền trưởng.
Khung cảnh biển đêm hiện ra những chiếc tàu đánh cá đang thả neo, quây lưới. Mỗi chiếc tàu đều thấp thoáng lá cờ tổ quốc. Tàu rỗi thường gặp nguy hiểm với những cặp tàu cá làm nghề giã cào. Những con tàu này đi thành cặp, toàn bộ tàu tắt điện và vận động máy cao độ để kéo giàn lưới quét như cánh võng phía sau. Một ngư dân ra đứng phía sau tàu rỗi cố căng mắt nhìn về một chấm sáng đang di chuyển đến gần tàu và thốt lên “né mấy ông đó, rất dễ đâm vô sườn”.
Cờ tổ quốc phấp phới trong màn đêm trên biển. |
Ông thuyền trưởng Trần Văn Quang bị cụt 1 tay, ngồi ôm bánh lái, căng mắt nhìn qua khung cửa kính, quay lái cho tàu hướng từ vùng biển Bình Định về phía Quảng Ngãi. Tôi mặc chiếc áo đỏ có in cờ Tổ quốc để lưu lại tấm ảnh kỷ niệm ngày 2-9 trên biển Đông. Nhưng trên tàu cũng có 2 ngư dân khác cũng mặc áo cờ tổ quốc. Ngư dân Trần Quang Tư cho biết, quanh năm đi biển đánh cá nên thật ra cũng không để ý đến các ngày lễ quan trọng đang tổ chức trong đất liền, nhưng mà đi biển thì cơ bản là ngày nào cũng là ngày Quốc khánh, tàu luôn treo cờ, anh em thích mặc áo có in hình cờ đỏ sao vàng.
Bí mật chợ đêm
“Tàu 13, đi về bên trái có 2 chiếc”, ông thuyền trưởng nhận được điện đàm, vội vã quay bánh lái cho tàu rẽ ngoặt ra hướng đông và tăng tốc. Nhưng chạy được một đoạn, ông thuyền trưởng lại rút điện thoại trao đổi với chủ tàu cá và hẹn “qua băng 12 nói chuyện”. Sau này tôi mới hiểu, băng tần 66 trên máy Icom được xem như nơi chia sẻ thông tin tự do của chợ cá trên biển. Mọi người có thể lên băng 66 tán tụng đủ thứ, hỏi chuyện giá cả, tuy nhiên khi giao kèo việc bán cá và cung cấp tọa độ của tàu thì 2 bên sẽ gọi nhau gặp riêng trên những tần số khác để thống nhất việc mua bán cá.
Chiếc máy tàu phát ra âm thanh phùng phùng, khi thuyền trưởng tăng tốc. Chỉ 15 phút sau, trước mũi tàu hiện ra một con tàu đang nhộn nhịp cảnh kéo lưới. Chờ cá được kéo lên tàu, thuyền trưởng cho tàu cập đến. Tàu đánh cá khiêng qua 30 giỏ cả, tiền được thanh toán ngay trên biển. Thuyền trưởng tàu bán cá là ngư dân Bình Định cho biết, cá cơm đánh xong thì phải bán luôn, vì nếu cá cơm đã qua muối đá rồi thì khi làm mắm sẽ không đạt, nước mắm màu đen chứ không được vàng sánh, hương vị mắm cũng nhạt đi rất nhiều. Vì vậy tàu rỗi thu mua cá là việc rất cần thiết đối với ngư dân ở các làng chài.
Cảnh mua bán cá tấp nập diễn ra trên biển trong đêm quốc khánh 2-9 và nhiều ngư dân mặc áo in hình cờ tổ quốc. |
Nước mắm Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận vì sao từng nổi tiếng từ thập niên 50. Theo các ngư dân, đó là vùng biển Phan Thiết là biển cạn, có rất nhiều cá cơm quần tụ vào gần bờ. Vì vậy tàu cá của ngư dân từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…đều đổ vào Phan Thiết để quây cá cơm. Cá đánh ban đêm và mờ sáng được chở ngay vào bờ để đưa đến các trại mắm. Nhờ cá không qua ướp đá và đánh gần bờ nên mắm Phan Thiết mới thơm ngon là vậy.
Chợ đêm trên biển ở các tỉnh miền Trung trải qua những giai đoạn thịnh, suy. Năm 2005, giới tàu rỗi làm ăn được nhờ chạy tàu trên biển thu mua tôm sú giống. Các ngư dân đánh lưới cả đêm mới kiếm được vài con tôm sú đang ôm bụng trứng. Những ngư dân trên tàu săm soi bụng tôm mẹ, ước lượng giá trị của con tôm sú xanh, sau đó điện thoại chia sẻ thông tin cho các chủ tàu đi thu mua tôm. Thời điểm đó, chợ đêm trên biển vô cùng sôi động. Ngư dân muốn bán tôm được giá nên có khi điện cùng lúc cho 2 chủ tàu rỗi. Hai con tàu chạy ròng rã vài chục km đến tọa độ tàu có tôm. Một cuộc mặc cả trên biển theo kiểu đấu giá, cao ăn, thấp thua. Do cạnh tranh khốc liệt nên cũng có lúc 2 bên dọa thúc mũi tàu này vào hông tàu khác, sau khi lời qua, tiếng lại ầm ĩ theo đúng nghĩa của chợ.
Hiện nay, lượng tàu rỗi trên biển đã co lại, mỗi cửa biển còn khoảng 15 – 20 chiếc tàu rỗi. Chuyện cạnh tranh đến mức cãi cọ như chợ trời trên biển không còn. Do các chủ tàu rỗi tự định hình nhóm tàu thu mua bằng cách đầu tư một ít vốn, cho một số tàu mượn tiền mua sắm ngư lưới cụ, các chủ tàu cá có bổn phận bán lại hải sản và trừ dần số tiền vay mượn. Bên cạnh đó, chủ tàu rỗi có thể thực hiện các bước ngoại giao ở xóm làng, tạo mối quan hệ thân mật để khi ra biển sẽ nhận được thông tin mua bán cá.
Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi và Đồn biên phòng Bình Đông tặng cờ cho ngư dân ra bãi Tư Chính, Trường Sa. |
Xuôi ngược cùng các ngư dân đi chợ đêm trên biển vào đúng ngày Quốc khánh 2-9, được nhìn thấy những con tàu thấp thoáng lá cờ tổ quốc trong đêm, những ngư dân mặc áo cờ đỏ sao vàng, cảm xúc trong lòng dâng lên khó tả. “Có nhiều tàu rỗi đã vươn ra tới biên 110” - một ngư dân chia sẻ. Biên 110, đó là cách ngư dân chỉ tọa độ bắt đầu chạm vào khu vực quần đảo Hoàng Sa. Nghị định 67 cũng hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu hậu cần để thu mua cá kết hợp với tiếp lương thực, nhiên liệu. Chợ trên biển trong tương lai không còn là chợ làng (gần bờ), mà còn diễn ra ồn ào ở vùng biển khơi của tổ quốc.