Giơ thật cao, đánh thật khẽ
Mới đây, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải điều tra: “Thị trường phân bón ăn theo: Trong vòng vây của bầy nhện độc”, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc lấy mẫu một số loại phân bón được nhắc đến trong bài để gửi đi phân tích.
Cụ thể, tại cửa hàng Hưng Hiển ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ và tại Công ty CP XNK Thương mại và Du lịch Sơn Luyến ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ - Tổng đại lý của Công ty CP Bảo vệ Thực vật Miền Bắc (địa chỉ tại Cầu Giấy, TP Hà Nội) lấy mẫu NPK-S+TE 5.10.3-8 và NPK-S 12.5.10-14. Kết quả cả hai đều không đạt theo tiêu chuẩn công bố.
|
Kết quả phân tích chỉ rõ sự thiếu hụt hai thành phần chính. |
Sản phẩm NPK-S+TE 5.10.3-8 chỉ đạt 3,7.10.2,4 tức hai chỉ tiêu chính bị thiếu, sản phẩm NPK-S 12.5.10-14 chỉ đạt 10,2.6,3.9,1 cũng thiếu ở hai chỉ tiêu chính. Đội quản lý thị trường số 1 đã ra quyết định số 79267 áp theo khoản 2 điều 3, khoản 5 điều 20, Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 01/11/2017 xử phạt hành chính cửa hàng Hưng Hiển vì đã bán sản phẩm vi phạm về chất lượng hàng hóa.
Điều đáng nói là mặc dù sản xuất ra sản phẩm có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố nhưng Công ty CP Bảo vệ thực vật Miền Bắc lại không hề bị phạt mà chỉ buộc phải thu hồi để tái chế 30 bao NPK-S+TE 5.10.3-8.
Trong kho của bà Hưng có 40 bao, đã bán 10 bao còn lại 30 bao. Theo phân tích của đoàn, với giá bán 95.000 đồng/bao, trị giá hàng đã tiêu thụ là 95.000 x 10 = 950.000 x 1,5 :2 = 712.500 đồng, mức phạt bằng tiền áp dụng vẻn vẹn chỉ là 712.500 đồng dành cho chủ cửa hàng Hưng Hiển.
Còn Công ty CP XNK Thương mại và Du lịch Sơn Luyến là tổng đại lý có lượng tiêu thụ hàng năm rất lớn thì không bị xử phạt vì đoàn kết luận chưa tiêu thụ hàng ra thị trường tại thời điểm kiểm tra mà chỉ buộc thu hồi 40 bao loại 25 kg đang có trong kho gửi trả về nơi sản xuất là Công ty CP Bảo vệ thực vật Miền Bắc để tái chế.
Mức phạt nhẹ tựa lông hồng trên liệu có thực sự có sức răn đe cho các đơn vị sản xuất phân bón kém chất lượng và các đại lý, chủ cửa hàng tiếp tay khác?
Quyết định xử phạt nhẹ tựa lông hồng. |
Mẫu mã dễ gây nhầm lẫn với những thương hiệu lớn
Bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy sản phẩm NPK-S+TE 5.10.3-8 của Công ty CP Bảo vệ thực vật Miền Bắc giống tới 80-90% sản phẩm NPK-S*M1 Lâm Thao 5.10.3+8 của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - thương hiệu nổi tiếng trên thị trường về kiểu dáng, cách sắp xếp các thông tin, hình ảnh trên bao bì. Khác biệt nhất có chăng chỉ là logo của 2 đơn vị nhưng nếu xếp lẫn vào nhau nông dân sẽ khó lòng phân biệt được.
Những sản phẩm phân bón của công ty CP Bảo vệ Thực vật Miền Bắc. |
Đại lý nếu bán hàng của Công ty CP Bảo vệ thực vật Miền Bắc có những lúc thu lợi nhuận cao gấp 8-10 lần so với bán hàng của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; thêm vào đó công ty này có lúc còn ra một chính sách khuyến mãi vô tiền khoáng hậu cứ bán 10 tấn được tặng 1 chỉ vàng nên nhiều đại lý đã cố tình lái bà con nông dân sang mua các sản phẩm của mình.
Và chẳng may, nếu bị tố giác, bị cơ quan chức năng đem mẫu đi kiểm tra, xử phạt thì mức phạt cũng chỉ tương đương thậm chí nhỏ hơn nhiều so với lợi nhuận thu được. Rốt cục chỉ có người nông dân là lãnh đủ hậu quả.
Con số thống kê của Bộ Công thương cho thấy trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả, kém chất lượng. Thực trạng này đang gây thiệt hại hàng ngàn tỉ mỗi năm cho cả Nhà nước, doanh nghiệp làm ăn chân chính lẫn nông dân. Riêng đối với nông dân nếu sử dụng phân bón không đảm bảo chất lượng bón cho các cây ngắn ngày thì chỉ không cho năng suất 1 vụ nhưng nếu bón cho các loại cây trồng dài ngày thì sẽ làm cây suy kiệt và mất đi cả 1 chu kỳ sinh trưởng.
Kiểm tra một mẫu phân bón. |
“Phân bón Miền Bắc có thời điểm ra chính sách hễ đại lý lấy 10 tấn khuyến mãi luôn 1 chỉ vàng, càng lũy tiến lại càng được vàng nhiều hơn. Với giá họ giao cho đại lý chỉ 3.600đ/kg lại còn khuyến mãi vàng như thế thử hỏi thứ còn lại trong bao khác gì là đất?” (Lời một người trong cuộc). |
Không chỉ có vậy, còn có những thiệt hại chưa thể đo đếm được như: Làm suy kiệt sức sống của cây trồng dẫn đến cây yếu ớt sẽ bị sâu bệnh tấn công nhiều hơn, làm gia tăng thêm chi phí cho việc phòng và trị, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và chất lượng nông sản. Đất đai bị thoái hóa, suy giảm dinh dưỡng, dễ bị rửa trôi do phải chứa đựng, hấp thụ những chất độc hại mà cây trồng không thể tiêu được.
Những tồn dư trên có thể ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng tại địa bàn sản xuất và vùng phụ cận. Ngoài ra nạn phân bón kém chất lượng còn gây rối loạn thị trường, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ông Phạm Đức Thành - Phó Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho hay: Phân bón Lâm Thao là thương hiệu nổi tiếng đã có mặt trên thị trường gần 60 năm và được bà con hết sức đón nhận nên từ nhiều năm nay sản phẩm của công ty luôn là mục tiêu để các đối tượng làm phân bón nhái, phân bón kém chất lượng ăn theo, đưa ra thị trường trà trộn để trục lợi.
Mặc dù hàng năm công ty đã thực hiện rất nhiều giải pháp trong đó có việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý các trường hợp giả, nhái nhãn mác song do mức phạt còn hạn chế, các Nghị định về quản lý phân bón còn nhiều kẽ hở nên không thể giải quyết được triệt để tình trạng trên.
Ngoài thị trường Thái Nguyên trong năm 2019 công ty còn phát hiện rất nhiều trường hợp hàng nhái nhãn mác các sản phẩm phân bón của mình ở Sơn La, Hải Dương, Bắc Giang, Phú Thọ…
Dù đã tổ chức hàng ngàn cuộc tập huấn cho nông dân nhưng những công ty lớn như Lâm Thao vẫn trở thành mục tiêu của hàng nhái, hàng kém chất lượng. |
Đồng quan điểm với ông Thành nhiều chuyên gia về lĩnh vực thị trường phân bón cũng cho rằng dù hậu quả của hành vi sản xuất phân bón giả, nhái, kém chất lượng là hết sức nặng nề nhưng hầu như các trường hợp bị phát hiện chỉ có thể áp dụng khung phạt vi phạm hành chính chứ không phải là hình sự. Mức phạt thường không cao nên không đủ sức răn đe. Thêm vào đó đối tượng bị phạt lại là các hộ buôn bán phân bón nghĩa là xử ở ngọn chứ không phải tận gốc là các nhà máy sản xuất.
Để giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân cùng đấu tranh, phòng chống. Song song với việc tăng chế tài xử phạt là tăng cường công tác tuyên truyền tới các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp để không vì lợi nhuận mà tiếp tay cho các hành vi hành vi buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.