Năng suất vượt trội
Vẫn là cánh đồng của xóm Chàm, xã Tân Pheo. Vẫn là những người trồng lúa dân tộc Dao nghèo khó. Thế nhưng, vụ mùa năm nay, bản làng đón niềm vui mới.
Trong khuôn khổ dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, vụ mùa năm 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hòa Bình thực hiện mô hình canh tác giống lúa chất lượng trên nền phân bón hữu cơ Sông Gianh nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất, tính thích ứng của các giống lúa mới và hiệu quả của phân bón Sông Gianh tại địa phương.
Đến nay, những cây lúa đang ở giai đoạn chắc xanh. Cả cánh đồng rộng 5ha gieo cấy hai giống lúa VNR20 và Sumo gần như không thấy bóng dáng sâu bệnh. Những bông trĩu hạt và rất mẩy, hứa hẹn cho năng suất cao.
Đáng chú ý, cả hai giống lúa sử dụng phân bón lót và bón thúc của Công ty Sông Gianh đều giữ được bộ lá màu xanh, cứng cây, chống đổ và đẻ nhánh khỏe. Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hòa Bình cho biết: Qua đánh giá các chỉ tiêu, có thể khẳng định năng suất lúa của mô hình trong vụ mùa năm nay đạt trên 60 tạ/ha (cao hơn ít nhất 50% so với các giống lúa gieo cấy vụ mùa năm trước).
Để đạt được kết quả trên, ngoài giống lúa chịu thâm canh cao thì việc đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng rất quan trọng. Chúng tôi được biết hiện nay Tổng công ty Sông Gianh đã có đủ bộ phân bón cho lúa cũng như nhiều cây trồng khác từ bón lót đến bón thúc.
“Có thể khẳng định mô hình này đã đạt hiệu quả tốt, bởi vậy rất mong chính quyền địa phương và bà con nhân rộng ra mô hình. Đó mới là mục tiêu cao nhất của công tác khuyến nông”, ông Nguyễn Hồng Yến chia sẻ.
Ông Xa Văn Minh (xóm Chàm, xã Tân Pheo) hiếm khi thấy những thửa ruộng lúa của gia đình đạt năng suất cao trong vụ mùa như vậy. “Bón các loại phân khác thì chỉ được 1 tháng là lá lúa ngả màu vàng, nhưng từ khi bón phân Sông Gianh, cây lúa lúc nào cũng xanh. Chắc chắn phân phải đủ dinh dưỡng thì cây lúa mới phát triển như thế”, ông Minh nói.
Hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ
Nhổ một khóm lúa lên, ông Trần Kim Khoán - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Sông Gianh khu vực miền Bắc, tỉ mẩn kiểm tra. Thấy rễ lúa vẫn giữ được màu màu trắng và màu sữa non, ông Khoán bảo:
“Nếu đất không tơi xốp và cân bằng các yếu tố dinh dưỡng đa, trung và vi lượng thì cây lúa không thể có bộ rễ khỏe như vậy được. Khi bộ rễ khỏe, thì cây sẽ hút được nhiều dưỡng chất để tăng số chồi hữu hiệu (chồi cho bông), cho đòng to, giúp lúa trổ thoát nhanh, trổ đều và rộ".
Khi cây khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh cũng tốt hơn. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy lúa trong mô hình rất sạch bệnh mặc dù phun thuốc bảo vệ thực vật tương đương với các ruộng ngoài mô hình.
Ông Khoán chia sẻ, nhiều năm qua Tổng công ty Sông Gianh luôn đổi mới công nghệ, tìm tòi, cho ra đời nhiều sản phẩm phân bón cao cấp, đạt chất lượng cao hướng tới sản xuất nông sản sạch, nông sản an toàn và nông nghiệp hữu cơ, nhất là cây lúa – lương thực chính của nhân loại.
Hiện nay, Công ty có một số dòng phân bón chuyên dụng. Thứ nhất là dòng phân bón hữu cơ vi sinh Sông Gianh, có thể nói đây là sức sống của nền nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, công ty còn có dòng phân bón NPK.
Điểm khác biệt của dòng phân bón NPK của Sông Gianh là được sản xuất trên dây chuyền Urê hóa lỏng. Đây là dây chuyền hiện đại để tạo ra sản phẩm cao cấp, tạo được dinh dưỡng cao nhất cho lúa, tùy từng thời kỳ bón lót, bón thúc đến quá trình ra hạt.
Dòng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh Sông Gianh có nhiều chủng vi sinh vật rất hiện đại như Azotobacter; bacillus, aspergillus... Đây là những vi sinh vật nhỏ bé nhưng rất có lợi, giúp cải tạo đất và tạo ra môi trường cân bằng.
Ông Khoán lấy ví dụ, chủng vi sinh vật azotobacter có khả năng hút ni tơ từ không trung để chuyển hóa thành đạm protein (không phải đạm hóa học); một chủng vi sinh khác là bacillus có khả năng phân giải xenlulo (như rơm rạ), nên mỗi vụ thu hoạch bà con không cần phải đốt mà sử dụng chính phế phụ phẩm này thành chất hữu cơ cho cây lúa.
Ông Khoán cũng bật mí bí quyết để cây lúa tăng khả năng kháng bệnh, đó là Tổng công ty Sông Gianh đã đưa vào phân bón chủng vi sinh aspergillus. Đây là loại vi sinh cực kỳ hiếm. Nó có khả năng tiết ra kháng sinh để diệt các loại nấm bệnh (như bệnh thối đen rễ). Do đó, nếu bón phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh trên diện rộng thì cũng giống như một kiểu “tiêm chủng mở rộng”.
Trong tương lai, phân bón hữu cơ vi sinh chắc chắn sẽ chiếm ưu thế, và Tổng công ty Sông Gianh đang nỗ lực nghiên cứu sản xuất và quảng bá để sản phẩm đến tay được nhiều nông dân với chi phí thấp, từ đó tạo ra một nền nông nghiệp bền vững.
Cũng theo ông Khoán, tại Việt Nam, đa số nông dân chưa hiểu được bón phân như thế nào là đúng cách. Nông dân lúc nào cũng thích cây lúa phải xanh tốt um lên ngay sau khi bón phân 3-4 ngày mà không biết cây lúa cần hấp thụ dinh dưỡng từ từ, chuyển màu xanh từ từ.
Khi thấy lá lúa hơi ngả màu vàng là bà con cảm thấy sốt ruột, lập tức mua phân về bón vì sợ đất thiếu dinh dưỡng. Hậu quả là cây lúa phát triển không cân đối, sâu bệnh hại dễ tấn công, chất lượng hạt gạo cũng kém ngon hơn. Trong khi đó, cả thế giới đang hướng tới không bón phân lân, phân đạm mà chỉ bón vi sinh là đủ.
Do nhận thức của người nông dân chưa về nông nghiệp dinh dưỡng chưa cao nên Tổng công ty Sông Gianh vẫn phải đưa một phần NPK vào phân bón để chiều lòng khách hàng. Và doanh nghiệp này đang khởi động một chiến lược mới, đó là đẩy mạnh “thức tỉnh” người nông dân thông qua việc phối hợp với các địa phương và Bộ NN-PTNT triển khai các mô hình nông nghiệp dinh dưỡng, nông nghiệp hữu cơ.