| Hotline: 0983.970.780

Độ mặn tăng cao, Sóc Trăng khuyến cáo nông dân không sạ lúa đông xuân muộn

Thứ Tư 01/01/2025 , 08:08 (GMT+7)

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo nông dân các vùng ảnh hưởng khi mặn xâm nhập không xuống giống vụ lúa đông xuân muộn.

Trong những ngày qua, nước mặn đã bắt đầu xuất hiện và xâm nhập vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Độ mặn lên nhanh tại các cửa sông chính và được dự báo sẽ còn xâm nhập sâu vào nội đồng, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Trước diễn biến này, mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh) đã ra thông báo chủ động phòng chống hạn, mặn mùa khô năm 2025.

Mùa khô năm 2023 – 2024, ở Sóc Trăng có khoảng 1.189ha lúa giảm năng suất và 43ha lúa ngoài kế hoạch sản xuất đã bị mất trắng. Ảnh: Kim Anh.

Mùa khô năm 2023 – 2024, ở Sóc Trăng có khoảng 1.189ha lúa giảm năng suất và 43ha lúa ngoài kế hoạch sản xuất đã bị mất trắng. Ảnh: Kim Anh.

Cụ thể, theo kết quả quan trắc từ ngày 25/12/2024 đến nay, mặn đã xuất hiện và xâm nhập trên tuyến sông Hậu, với ranh mặn 3‰ dịch chuyển khu vực từ vàm Nhơn Mỹ đến An Lạc Tây (huyện Kế Sách), gây khó khăn trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất trên địa bàn vùng Long Phú - Tiếp Nhật.

Để chủ động giảm nhẹ thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, trong thời gian tới Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đề nghị các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác theo dõi tình hình xâm nhập mặn. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra độ mặn của nguồn nước, thông tin kịp thời đến địa phương và người dân biết để chủ động trong việc lấy nước tưới tiêu.

Ngành chuyên môn cũng khuyến cáo bà con nông dân không xuống giống vụ lúa đông xuân muộn đối với các vùng ảnh hưởng khi mặn xâm nhập như Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên và TP Sóc Trăng.

Riêng đối với huyện Kế Sách và một phần huyện Châu Thành, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị khi nguồn nước ngọt trên các kênh, rạch nội đồng đủ khả năng phục vụ sản xuất, bà con nông dân mới quyết định xuống giống. Đồng thời, ưu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng cạn ngắn ngày cần ít nước.

Đối với vùng trồng cây ăn trái, cần xây dựng kế hoạch nạo vét hệ thống kênh, mương để nâng cao lưu lượng tích trữ nước ngọt; kiểm tra, gia cố bờ bao, cống, bọng, tránh bị nước mặn rò rỉ vào mương. Bên cạnh đó, bà con cần đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước, tuyệt đối không tưới nước có độ mặn cho cây ăn trái. Không tiến hành rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn hán, nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây.

Trong đợt mùa khô năm 2023 – 2024, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 1.189ha lúa giảm năng suất và 43ha lúa ngoài kế hoạch sản xuất đã bị mất trắng.

Xem thêm
Chàng trai người Thái làm giàu nhờ nuôi gà Mông đen

Điện Biên Với đàn gà Mông đen 1.000 con nuôi thả mỗi lứa, chàng trai người Thái ở bản Co Luống (xã Mường Phăng, huyện Mường Phăng, tỉnh Điện Biên) lãi 200 triệu đồng.

Thanh Hóa: Thanh toán bệnh dại là 'mệnh lệnh' chính trị

Bệnh dại xảy ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và đang có chiều hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất