| Hotline: 0983.970.780

Phanh khẩn cấp, một toa tàu văng khỏi đường ray

Thứ Hai 15/03/2010 , 16:37 (GMT+7)

Bị ngừng đột ngột, đoàn tàu theo quán tính vẫn lao về phía trước thêm 100 m nữa rồi khựng lại. Phanh gấp, toa thứ 5 bị gãy trục nối dưới tàu, văng ra khỏi đường ray khoảng một mét, lật ngang.

Sáng nay (15/3), tàu hỏa HSD kéo 19 toa hàng từ Sài Gòn đi Đà Nẵng, qua huyện Vân Canh (Bình Định), trưởng tàu ở đầu máy phía sau phát hiện đằng trước bụi đá bay mù mịt bèn giật van khẩn cấp làm toa thứ 5 văng khỏi đường ray.

Trao đổi với PV, trưởng tàu Nguyễn Thế Cảnh cho biết, đang ở phía đầu máy sau (đoàn tàu có hai đầu máy để kéo), ông phát hiện phía trước có bụi đá bốc lên mù mịt. "Nghi có sự cố bất thường, tôi quyết định giật van khẩn cấp để dừng đoàn tàu lại", ông Cảnh giải thích.

Bị ngừng đột ngột, đoàn tàu theo quán tính vẫn lao về phía trước thêm 100 m nữa rồi khựng lại. Phanh gấp, toa thứ 5 (tính từ đầu máy trước) bị gãy trục nối dưới tàu, văng ra khỏi đường ray khoảng một mét, lật ngang. Hai toa lân cận (số 4, 6) bị ảnh hưởng dây chuyền, chệch một phần ra khỏi đường sắt. Chuyến tàu chở 8.560 tấn hàng, trong đó toa bị nạn chở bia.

Nguyên nhân lật toa tàu được cơ quan an toàn đường sắt nhận định là do cháy ổ đĩa gắn toa với trục bánh tàu. Tại hiện trường, toa tàu đã văng ra nằm vuông góc với đường ray, còn trục và bánh xe văng xa 5 m.

Vụ lật toa tàu đã gây ra những tiếng động mạnh, đánh thức người dân địa phương choàng tỉnh giấc vào lúc rạng sáng. Ông Đinh Miết ở thôn 4, xã Canh Hiệp kể, khi nghe thấy âm thanh ầm ầm từ phía ngoài đường vọng tới, bước ra khỏi nhà, ông hoảng hồn nhìn đoàn tàu chạy qua bỗng có một toa đứt văng khỏi đường ray, đổ vật bên đường.

Bà Hà, hàng xóm nhà ông Miết cũng chứng kiến nhiều bộ phận của toa tàu rơi vãi khắp đường ray, nhiều mảng bê tông (đường ngang qua đường tàu) bị bong tróc. Một đoạn đường ray hàng chục mét bị một sức mạnh ghê gớm bẻ cong.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, trực ban ga Vân Canh cho biết, tàu hàng HSD4 dừng lại tại ga lúc 5h30 trong 4 phút rồi khởi hành. Chỉ vài phút sau thì ga nhận được tin báo về vụ tai nạn.

Không có người thương vong, song vụ việc đã gây ra kẹt tàu suốt từ 6h sáng đến trưa nay trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tại ga Vân Canh, tàu SE2 từ Sài Gòn đi Hà Nội đã bị kẹt lại. Còn tàu SE7 thì tắc ở ga Tân Vinh (cách ga Vân Canh khoảng 8 km).

Do ga Vân Canh trên địa bàn vùng núi, gặp sự cố bất ngờ nên không chuẩn bị điều kiện để đón một lượng khách lớn dừng chân lâu, nhiều hành khách tỏ ra bức xúc. Anh Nhân, một hành khách trên tàu SE2, đang ngồi ăn mì tôm tại một quán bên đường cạnh ga mệt mỏi: "Không thấy nhà ga giải thích gì cũng như động viên, hướng dẫn cho hành khách, nên cứ mạnh ai nấy tự tìm chỗ ăn uống, nghỉ ngơi tạm".

Ông Nguyễn Đức Tùng, Trưởng ga Vân Canh cho biết, hiện các bên liên quan đang khắc phục sự cố, gắn nối phần trục, bánh và kết nối 2 toa tàu còn trên đường ray để kéo về ga.

Đối với toa tàu bị văng ra khỏi đường ray, phải chờ tàu cẩu từ Nha Trang ra cẩu đến khoảng cách an toàn, khi đó đoạn đường này mới thông tuyến trở lại.

Sự cố lập tức đã được báo cho Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn. Trưa nay ngành đường sắt quyết định điều đầu máy khác đến hiện trường tai nạn để đưa các toa hàng còn lại về ga Diêu Trì.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đến 3h chiều cùng ngày, sự cố lật tàu tại ga Vân Canh đã được ngành đường sắt khắc phục, thông tuyến trở lại. Hiện toa tàu bị lật đã được kéo về ga Vân Canh an toàn.

Ông Bình cho biết, sự cố lật toa tàu sáng nay đã khiến 3 đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn và Sài Gòn - Hà Nội bị kẹt lại. Hiện chưa thống kê có bao nhiêu hành khách bị ảnh hưởng.

Trước thông tin PV phản ánh hành khách bị kẹt lại giữa rừng mà không được thông báo về sự cố, Trưởng ban An toàn giao thông ngành đường sắt, nói: "Theo quy định khi tàu về ga hoặc dừng đột ngột nhà ga đều phải thông báo để hành khách biết và chủ động trong đi lại. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin, nếu đúng như phản ánh của hành khách thì sẽ làm rõ để rút kinh nghiệm".

(Theo VnExpress)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm