| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm 75 năm ngày Phòng chống thiên tai Việt Nam

‘Pháo đài’ đê biển Gò Công ở Tiền Giang

Thứ Hai 10/05/2021 , 09:38 (GMT+7)

Đê biển Gò Công có chiều dài 21km được đầu tư xây dựng vững chắc để bảo vệ hàng nghìn hộ dân vùng Gò Công trước thiên tai và biến đổi khí hậu.

Những năm qua, được sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư nâng cấp, mở rộng đê biển Gò Công. Đến nay, công trình này cơ bản hoàn thành. Đê biển Gò Công có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống lụt bão và là tuyến giao thông trọng yếu ven biển. Đê biển Gò Công trở thành công trình làm thay đổi diện mạo vùng quê ven biển.

Công nhân thi công đê biển Gò Công hồi đầu năm. Ảnh: Minh Đảm.

Công nhân thi công đê biển Gò Công hồi đầu năm. Ảnh: Minh Đảm.

Đê biển Gò Công hình thành cách nay hơn 70 năm, dài 21km, từ xã Tân Thành đến thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang). Đê biển Gò Công trước đây là tuyến đê đất, nhỏ hẹp có nhiệm vụ ngăn không cho nước biển tràn vào nội đồng. Qua thời gian, mặt đê bị xâm thực, bào mòn, triều cường tràn qua mặt đê gây thiệt hại cho sản xuất của người dân.

Từ năm 1998 đến nay, được sự hỗ trợ kinh phí gần 500 tỷ đồng của Trung ương, tỉnh Tiền Giang đã và đang đầu tư nâng cấp, cải tạo mặt đê, làm kè chân đê chóng xói lở… Ở thời điểm này, toàn bộ mặt đê biển Gò Công đã bê tông hóa, nhựa hóa với chiều ngang từ 6 - 7m, cao +4,2m, có khả năng chống chịu bão cấp 9.

Từ khi thực hiện dự án nâng cấp đê biển Gò Công, nhất là cứng hóa mặt đê, không còn xảy ra tình trạng nước biển tràn vào ruộng đồng. Cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân vùng ngọt hóa Gò Công đã được an toàn.

Đê biển Gò Công bảo vệ người dân trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Đảm.

Đê biển Gò Công bảo vệ người dân trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Đảm.

Trước đây vài năm, mỗi khi bão vào, Tiền Giang phải tổ chức lực lượng ứng trực để “cứu đê”, phòng ngừa vỡ đê. Đê biển Gò Công hôm nay, không chỉ là pháo đài khá vững chắc ngăn nước biển dâng tràn mà còn là tuyến đường giao thông ven biển, có khả năng phục vụ phương tiện có tải trọng dưới 10 tấn.

Ông Nguyễn Văn Độ, người dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông phấn khởi: “Con đê này ngày xưa nhỏ xíu hà. Qua thời gian bị sóng đánh lở, Nhà nước đầu tư làm lại con đê, tráng nhựa rất chắc chắn. Có con đê này, dân an tâm, ruộng nương cũng bảo đảm. Hơn nữa, giao thông thuận tiện lắm. Từ đầu trên chạy xuống Vàm Láng ngon lành”.

Gần đây, khi đê biển Gò Công được xây dựng khang trang, người dân huyện Gò Công Đông rất an tâm, mạnh dạn xây dựng nhà ở, mở cơ sở sản xuất kinh doanh ven đê. Một số doanh nghiệp còn đang lập các dự án du lịch sinh thái cặp theo con đê biển.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Tân Điền, địa phương có 6km đê biển Gò Công đi qua, chia sẻ: Chúng tôi nhận thấy con đê này cơ bản đảm bảo công tác phòng chống thiên tai cũng như xâm nhập mặn, xâm thực của biển. Nói chung đê này phù hợp với địa phương. Nếu có những đường tỉnh đấu nối để phát triển kinh tế địa phương, nhất là khi khu vực này chuyển đổi được cơ cấu cây trồng từ nông nghiệp qua công nghiệp - dịch vụ thì địa phương sẽ phát triển hơn. Còn về lâu dài cần có giải pháp kè chắn sóng khu vực bên ngoài để bảo vệ đê tốt hơn hoặc thời gian tới phải nâng cấp đê cao hơn nữa.

Để bảo vệ an toàn đê biển Gò Công, hiện nay tỉnh Tiền Giang đã và đang khẩn trương thi công mái kè toàn bộ chân đê bằng bê tông, các cống ngăn mặn, trữ ngọt, tiêu úng… Đồng thời, tỉnh cũng triển khai các dự án gây bồi để trồng tái tạo rừng phòng hộ ven tuyến đê.

Giao thông thuận lợi nhờ đầu tư đê biển Gò Công. Ảnh: Minh Đảm.

Giao thông thuận lợi nhờ đầu tư đê biển Gò Công. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Ưng Hồng Nghi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, Sở đã giao các đơn vị trực thuộc quản lý, khai thác đê biển và các công trình ven đê vừa đảm bảo phòng chống thiên tai vừa phục vụ sản xuất, đi lại của người dân. Để đảm bảo hiệu quả, đối với những công trình kè trên đê giao cho Chi cục Thủy lợi quản lý. Cống thuộc phạm vi khai thác của Công ty Khai thác các công trình thủy lợi, tỉnh sẽ bàn giao cho doanh nghiệp này quản lý để phát huy hiệu quả công trình. Riêng đối với diện tích rừng sau kè, năm tới, sở sẽ giao Chi cục Thủy lợi xây dựng dự toán để trồng rừng phục hồi nhằm phục hồi cho đê biển Gò Công.

Đê biển Gò Công ngày nay là “pháo đài” phòng chống lũ lụt, giúp hàng chục nghìn hộ dân vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang ổn định cuộc sống, thích ứng với biển đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Có được tuyến đê biển Gò Công khá khang trang, vững chắc như hiện nay là một quá trình nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành ở tỉnh Tiền Giang trong việc bảo vệ an toàn con đê qua các thời kỳ. Bên cạnh đó là sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư kinh phi của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.