Cụ thể, theo UBND tỉnh Hưng Yên, Công ty TNHH Dệt may Đại Hoa tại Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối B, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã xả thải vào hệ thống thoát nước mưa của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung. Nguồn thải này hòa vào các con kênh chảy ra sông Bắc Hưng Hải, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Theo đúng quy trình, nước xả thải từ các công ty tại khu công nghiệp phải chảy theo đường ống về nhà máy xử lý nước thải, song công ty trên xả nước thải trái phép vào kênh thoát nước mưa.
Ngoài mức phạt 350 triệu đồng, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Công ty TNHH Dệt may Đại Hoa khắc phục hậu quả theo biên bản của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cơ quan liên quan.
Thời gian nộp tiền phạt trong 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên, nếu công ty không chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định. Đơn vị bị xử phạt vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính.
Ngoài ra, UBND tỉnh giao Ngân hàng Thương mại CP Công Thương Việt Nam chi nhánh Hưng Yên, Kho bạc Nhà nước tỉnh Hưng Yên, Cục Thuế tỉnh Hưng Yên, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên phối hợp thực hiện.
Trước đó, Báo Nông nghiêp Việt Nam đã phản ánh thực trạng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ô nhiễm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân tại tỉnh Hưng Yên.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Đăng Anh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, khẳng định tỉnh ủng hộ doanh nghiệp phát triển, song không đánh đổi môi trường. Mọi hành vi gây ô nhiễm, thiệt hại cho môi trường đều sẽ bị xử lý nghiêm.
Hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đảm bảo tưới cho 110.000ha canh tác, tạo nguồn cấp nước cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản 2.000ha và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người.
Đặc biệt là tiêu nước, chống ngập úng cho toàn bộ diện tích 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương.
Nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật được xả vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải diễn ra phổ biến, dẫn đến ô nhiễm nước ngày càng trầm trọng, đặc biệt vào mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.