| Hotline: 0983.970.780

Tìm nước sạch cho dòng sông ô nhiễm: [Bài 3] Hơn 400 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Thứ Tư 03/04/2024 , 10:51 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đang triển khai cả giải pháp 'cứng' và giải pháp 'mềm' để giải quyết bài toán ô nhiễm sông Bắc Hưng Hải theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Đưa nước sông Hồng vào sông Bắc Hưng Hải

Theo Cục Thủy lợi, để giải bài toán ô nhiễm cho các dòng sông lấy nước từ sông Hồng, Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023), trong đó có định hướng giải pháp công trình dâng mực nước sông Hồng, nhằm phục vụ lấy nước của các công trình thủy lợi, lấy nước vào làm sống lại các dòng sông (Đáy, Nhuệ, Tô Lịch…), tăng khả năng lấy nước vào đầu mối các hệ thống thủy lợi lớn góp phần cải thiện môi trường, chất lượng nước trong hệ thống, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Cống Xuân Quan - công trình đầu mối hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải lấy nước từ sông Hồng. Ảnh: Hùng Khang.

Cống Xuân Quan - công trình đầu mối hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải lấy nước từ sông Hồng. Ảnh: Hùng Khang.

Về cơ chế, chính sách, hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tổ chức rà soát Luật Thủy lợi và các cơ chế chính sách có liên quan để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi hoàn thiện. Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã đưa vào danh mục Dự án Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong đó triển khai đầu tư hệ thống trạm bơm dã chiến theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, hàng năm tổ chức nạo vét hệ thống theo nguồn hỗ trợ bảo trì được cấp.

Cũng theo Cục Thủy lợi, theo quy định tại khoản 3  Điều 166 Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải, chất lượng môi trường; cải tạo và phục hồi môi trường; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ; hướng dẫn đánh giá chất lượng môi trường nước mặt.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Luật sư Dương Lê Ước An - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, tại khoản 2 Điều 169 Luật Bảo vệ môi trường quy định bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 44 và Điều 58 của Luật Thủy lợi. Do đó, Bộ NN-PTNT không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 16/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều đã bãi bỏ các điều quy định đối với hành vi xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Thực tế, từ năm 2022 đến nay, Bộ NN-PTNT không thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường tại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Hàng năm, Cục Thủy lợi phối hợp với các cơ quan truyền hình, báo chí triển khai thông tin, truyền thông về ô nhiễm môi trường và tác hại đối với sản xuất, chất lượng nông nghiệp, sức khỏe của người dân trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng.

Hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo khả năng phục vụ tốt hơn

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã và đang tổ chức thực hiện việc đánh giá hiện trạng, hiệu quả sử dụng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và các hệ thống thủy lợi lớn khác. Dựa trên kết quả đánh giá về năng lực của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cho thấy, về cơ bản hiện trạng các công trình đầu mối cấp, tiêu thoát nước của hệ thống đáp ứng khả năng phục vụ tưới, tiêu theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải có nguồn lấy nước trực tiếp từ sông Hồng, bị ảnh hưởng bởi thủy triều của các vùng Cầu Xe, An Thổ và quá trình vận hành hệ thống các hồ thủy điện ở thượng nguồn, kết hợp với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc tưới, tiêu thoát nước còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống để đảm bảo khả năng phục vụ tốt hơn.

Bộ NN-PTNT cũng đã phê duyệt đề cương, khái toán nhiệm vụ khảo sát, xác định phạm vi bảo vệ các tuyến kênh trục chính của hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Quyết định số 3296/QĐ-BNN-TL ngày 10/8/2023). Nhiệm vụ dự kiến thực hiện và hoàn thành trong năm 2024.

Kết quả nhiệm vụ sẽ xác định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, cung cấp bản đồ, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và một số phương án nắn chỉnh tuyến kênh trục chính hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đảm bảo phục vụ đa mục tiêu.

Trạm bơm dã chiến gồm 8 tổ máy bơm chìm với tổng công suất 16 m3/s được lắp đặt hoàn thành tại cống Xuân Quan, giúp bơm nước sông Hồng vào hệ thống Bắc Hưng Hải, giảm ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Hùng Khang.

Trạm bơm dã chiến gồm 8 tổ máy bơm chìm với tổng công suất 16 m3/s được lắp đặt hoàn thành tại cống Xuân Quan, giúp bơm nước sông Hồng vào hệ thống Bắc Hưng Hải, giảm ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Hùng Khang.

Được biết, Bộ NN-PTNT cũng đã bố trí nguồn vốn dự án đầu tư công giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có dự án thành phần số 01 “Sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải giai đoạn 2, tỉnh Hưng Yên” với tổng  mức đầu tư hơn 409 tỷ đồng, gồm: Xây dựng Trạm bơm dã chiến Xuân Quan với chi phí khoảng 65,4 tỷ đồng; kè bờ kênh (Xuân Quan - Kênh Cầu), nạo vét kênh Đình Dù, Kim Sơn và xây dựng mới cống Đồng Than với chi phí khoảng 283 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023, công ty đã triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh: Cửa khẩu Xuân Quan, Kim Sơn, Điện Biên, Tràng Kỹ, Đĩnh Đào với tổng khối lượng 126.562m3, thanh thải khoảng 10 triệu m2 bèo rác, vật cản.

Kiểm soát, giám sát nguồn thải

Đối với nội dung nghiên cứu, đề xuất xây dựng QCVN về nước thải sau xử lý dùng cho mục đích sản xuất nông nghiệp để bổ cập nguồn nước, duy trì dòng chảy, cải thiện chất lượng nước cho các sông, kênh, mương… thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ NN-PTNT đã ban hành QCVN 01-195: 2022/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Quy chuẩn được ban hành đã giải quyết căn bản vấn đề nước thải chăn nuôi sau xử lý sử dụng cho cây trồng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chăn nuôi. Đồng thời, Bộ đã và đang nghiên cứu hướng dẫn quy định chất lượng nước thải sau xử lý sử dụng cho tưới lúa và rau màu.

Đối với hệ thống trạm bơm dã chiến, sau khi có ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt bổ sung hạng mục trạm bơm dã chiến Xuân Quan với kinh phí 65 tỷ đồng. Đây là trạm bơm chìm đặt cố định, bơm nước đổ vào bể xả chảy vào khoang thông thuyền cống Xuân Quan. Lưu lượng thiết kế trạm bơm: 16 m3/s gồm 08 tổ máy bơm. Hiện nay, công trình đã hoàn thiện và đưa vào vận hành thử, bơm nước sông Hồng vào hệ thống để giảm ô nhiễm trong hệ thống Bắc Hưng Hải.

Nước sông Bắc Hưng Hải đã hết màu đen và đảm bảo yêu cầu phục vụ tưới cho cây trồng sau khi vận hành trạm bơm dã chiến Xuân Quan bơm nước từ sông Hồng vào hệ thống. Ảnh: Hùng Khang.

Nước sông Bắc Hưng Hải đã hết màu đen và đảm bảo yêu cầu phục vụ tưới cho cây trồng sau khi vận hành trạm bơm dã chiến Xuân Quan bơm nước từ sông Hồng vào hệ thống. Ảnh: Hùng Khang.

Về công tác quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải kiểm tra, đánh giá bằng trực quan các đoạn kênh bị ô nhiễm để nắm bắt diễn biến tình hình ô nhiễm nước trong hệ thống 2 lần/ngày; định kỳ hàng tháng, tổ chức kiểm tra kênh trục chính 8 lần, thống kê và phát hiện các hành vi xả thải.

Cùng với đó, Công ty Bắc Hưng Hải tăng cường kiểm tra vào các đợt lấy nước cao, mưa lớn, rút nước để phát hiện tình trạng xả trộm nước thải vào kênh Bắc Hưng Hải; phối hợp và trao đổi thông tin về ô nhiễm theo kết quả giám sát chất lượng nước trên cơ sở báo cáo giám sát chất lượng nước của Viện Nước, tưới tiêu và Môi trường với các địa phương có liên quan.

Trong thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNT đã phối hợp và cung cấp các thông tin, số liệu liên quan đến hệ thống và tình hình ô nhiễm trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tại các văn bản số 1449/TCTL-QLCT ngày 14/9/2022 và số 1601/TCTL-QLCT ngày 7/10/2022 gửi Tổng cục Môi trường. Đồng thời, đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an trong việc cung cấp thông tin, tài liệu; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân xả thải vào hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải.

Riêng Công ty Bắc Hưng Hải đã triển khai ký cam kết với các hộ dân sinh sống dọc theo các tuyến kênh không đổ rác thải, chất thải, xả nước thải (trong năm 2022 và 2023, đã ký cam kết với 14.128 hộ dân nằm trên địa bàn với 127 xã; lắp đặt 52 biển hiệu tuyên truyền bảo vệ công trình thủy lợi); kết hợp với cơ quan truyền thông (báo, truyền hình,...) đưa tin về ô nhiễm, tuyên truyền pháp luật về thủy lợi, bảo vệ môi trường nước,... nhằm nâng cao nhận thức của người dân, để người dân chung tay quản lý công trình và chất lượng nguồn nước.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, việc quản lý, kiểm soát nguồn thải, thu gom và xử lý nước thải từ các nguồn thải khác nhau (nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường) thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh. Đồng thời, ngành tài nguyên và môi trường chưa có đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt (là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự phục hồi) và đánh giá chất lượng môi trường nước mặt. Vì vậy, để giảm thiêu ô nhiễm môi trường, cần sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh trong việc tổ chức triển khai đầu tư, thu gom và xử lý nước thải của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải từ các làng nghề, cơ sở chăn nuôi …

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà, chúc Tết công nhân, gia đình chính sách

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt, chúc Tết công nhân lao động tỉnh Bắc Ninh, gửi lời chúc mừng doanh nghiệp, người lao động năm mới đạt nhiều kết quả, thắng lợi mới.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vợ chồng thương binh nghèo vẫn nhận nuôi một người mù lòa suốt 28 năm

'Chả hôm nay ngon lắm mẹ ạ'. Bà lão mù hơn 80 tuổi nói với người mẹ nuôi hơn 60 tuổi của mình như vậy nhưng thực ra chả ấy lại là trứng rán.