| Hotline: 0983.970.780

Phát điện tổ máy số 1 thủy điện Lai Châu

Thứ Tư 23/12/2015 , 19:05 (GMT+7)

Khi cả 3 tổ máy với công suất 1.200 MW hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ đem lại doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách.

Sáng 23/12, tại xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên dự Lễ mừng phát điện tổ máy số 1 công trình thủy điện Lai Châu.

Thủy điện Lai Châu là công trình nằm trên nấc thang trên cùng của của dòng chính Sông Đà với đập chính được xây dựng cao 137 m, dài hơn 493 m sử dụng vật liệu chính là bê tông đầm lăn.

Hồ chứa của công trình có dung tích trên 1,2 tỷ m3, phục vụ 3 tổ máy với công suất 1.200 MW.

Khi cả 3 tổ máy được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ KWh điện mỗi năm.

Tổ máy số 1 thủy điện Lai Châu đưa vào phát điện chính thức trước thời hạn 3 tháng là minh chứng sinh động về tinh thần đoàn kết, nhất trí, đồng lòng cùng phát huy nội lực, làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động trong ngành điện Việt Nam.

Để có được kết quả này, hơn 8.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân và các chuyên gia ngày đêm làm việc trên công trường trong suốt gần 5 năm qua. Hơn 2.000 người thợ lắp máy Việt Nam với đôi bàn tay lành nghề và trí tuệ được tiếp nối sau nhiều công trình thủy điện lớn của đất nước đã đóng góp không nhỏ vào kết quả xây dựng công trình.

Ông Nguyễn Đình Tình, Phó giám đốc Ban điều hành Lilama tại Dự án Thủy điện Lai Châu chia sẻ: "Sau thành công ở thủy điện Sơn La, tập thể cán bộ Lilama đã có bước trưởng thành vượt bậc với  đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, với những người thợ tay nghề bậc cao và có khả năng đảm nhiệm các hạng mục công việc cũng như các dự án lớn trong lĩnh vực lắp máy. Đặc biệt trong đó công trình thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia thứ 3 của Nhà nước mà Lilama hiện hiện. Vì vậy, mặc dù công trình có những khó khăn, nhưng chúng tôi cũng đã tiến hành thi công lắp đặt làm chủ được công nghệ và đã trực tiếp thi công cho đến lúc hoàn thành, hoàn thiện, nghiệm thu cho chủ đầu tư….”.

Công trình thủy điện Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tham dự lễ gắn biển “Công trình Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII”. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với ngành điện nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng, nhất là đối với tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp trên công trường.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực của chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cùng hơn 8.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động thời gian qua ngày đêm làm việc trên công trường; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, nhất là hơn 2.000 hộ dân trong vùng dự án cũng như Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án thuỷ điện Sơn La - Lai Châu, các bộ, ban, ngành trung ương đã ủng hộ, tạo điều kiện cùng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành khối lượng lớn công việc để hôm nay đưa tổ máy số 1 thủy điện Lai Châu chính thức hòa lưới điện quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị năm 2016, Tập Đoàn điện lực Việt Nam tập trung chỉ đạo hoàn thiện các công việc cần thiết để tổ máy số 1 vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả, cung cấp điện cho lưới điện quốc. Đồng thời, tiếp tục khẩn trương chỉ đạo tiến hành các công việc đồng bộ; tổ hợp các nhà thầu thi công để phấn đầu hoàn thành đúng như cam kết ngay trong năm 2016, đưa cả hai tổ máy còn lại vận hành phát điện, để vượt trước tiến độ một năm, đảm bảo an toàn, chất lượng.

Khi cả 3 tổ máy với công suất 1.200 MW hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ đem lại doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách. Như vậy, chỉ sau 5 năm công trình phát điện sẽ làm ra doanh số, giá trị sản xuất tương đương với giá trị đầu tư.

Thủy điện Lai Châu cùng các công trình thủy điện Sơn La, Hòa Bình trên dòng chính của sông Đà có tổng công suất lên tới 6.500 MW với 25 tỷ KWh điện/năm, chiếm 1/3 tổng sản lượng thuỷ điện của cả nước.

Các công trình góp phần phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc.

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.