Theo đó, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố nghiên cứu trên tạp chí khoa học Mỹ Proceedings of the National Academy of Science khẳng định, G4 có nguồn gốc từ chủng virus cúm H1N1 từng gây ra đại dịch cúm hồi năm 2009.
Nhóm tác giả là các nhà khoa học tại các trường đại học và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Trung Quốc cho rằng, G4 sở hữu tất cả các đặc điểm cần thiết để lây nhiễm sang người.
Qua quá trình nghiên cứu, theo dõi từ năm 2011 đến 2018, các nhà khoa học đã thu thập 30.000 mẫu dịch mũi từ lợn tại nhiều lò mổ thuộc 10 địa phương ở Trung Quốc và một viện thú y và phân lập ra 179 chủng virus cúm lợn. Kết quả là hầu hết đều thuộc một loại mới từng chiếm ưu thế ở đàn lợn kể từ năm 2016.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều thí nghiệm khác nhau, bao gồm cả trên chồn sương, động vật thường được thí nghiệm phổ biến trong các nghiên cứu về cúm do loài này thường có các triệu chứng giống như ở người, chủ yếu là sốt, ho và hắt hơi.
Qua theo dõi, G4 được cho là có khả năng lây nhiễm cao ở người và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở chồn sương so với các loại virus khác. Điều nguy hiểm hơn là các thử nghiệm cũng cho thấy, bất kỳ người nào miễn dịch với các chủng cúm mùa đều không hề được bảo vệ khỏi G4.
Theo các xét nghiệm máu cho thấy, các kháng thể đã được tạo ra khi tiếp xúc với virus, và có đến 10,4% người tiếp xúc với lợn bệnh bị nhiễm cúm G4. Ngoài ra, có tới 4,4% dân số nói chung đã bị phơi nhiễm chủng cúm này.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về việc virus G4 có thể truyền từ người sang người. Đây cũng là mối lo ngại chính của các nhà khoa học. Bởi nếu điều đó xảy ra, nguy cơ xảy ra đại dịch ở người là rất cao.