Khai thác hiệu quả các công trình sẵn có
Gia Lai là tỉnh có tổng diện tích tự nhiên đứng thứ hai cả nước, sau Nghệ An. Thêm và đó, đây còn là tỉnh nằm trong khu vực Tây Nguyên, với sự “biệt đãi” của thiên nhiên, rất phù hợp cho nhiều loại cây trồng mang tính hàng hóa cao. Theo đó, vấn đề thủy lợi phục vụ nước tưới cho cây trồng luôn được tỉnh này đặc biệt chú trọng.
Tỉnh Gia Lai hiện có 352 công trình thủy lợi kiên cố (8 công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng mới trong giai đoạn 2015 - 2020), với tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411ha. Trong đó, tưới cho 36.844ha lúa và 30.567ha rau màu, cây công nghiệp. Ngoài ra, còn có hàng ngàn héc- ta cây trồng các loại được nhận nước từ các công trình tạm, công trình bán kiên cố như ao, hồ đập...
Trong những năm qua, hầu hết các công trình thủy lợi đã phát huy tương đối tốt năng lực, đảm bảo hiệu quả khai thác công trình trên 70% năng lực thiết kế; các công trình được vận hành an toàn, không để xảy ra sự cố, đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân tròng vùng hưởng lợi.
Huyện Chư Păh đang quản lý 12 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, với năng lực tưới cho hơn 870 ha cây trồng các loại. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có công trình thủy lợi Biển Hồ và thủy lợi Tân Sơn đang phục vụ cho sản xuất của người dân các xã Chư Đăng Ya, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa... Bên cạnh đó, người dân ở đây còn tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, ao, hồ tự nhiên, giếng đào nên cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho cây trồng trên địa bàn.
“Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây lượng mưa ít, kèm biến đổi khí hậu nên nguồn nước ở các sông, suối tự nhiên ngày càng khô kiệt. Do đó, cần có các chương trình, chính sách để hỗ trợ người dân đầu tư ứng dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm, ứng dụng công nghệ cao nhằm tiết kiệm nước, thích ứng với biến đổi khí hậu”- ông Trần Đắc Thắng, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Pah, cho biết.
Ia Grai là một trong những huyện có nhiều công trình cấp nước sản xuất của tỉnh. Hiện tại, toàn huyện có 57 công trình thủy lợi, 8 công trình thủy điện vừa và nhỏ phục vụ tưới cho hàng ngàn hecta cây trồng các loại. Trong đó, 35 công trình thủy lợi, hồ chứa nước do các công ty cà phê quản lý, 22 công trình hồ đập do huyện quản lý.
Chưa kể các loại cây trồng khác, chỉ riêng cây cà phê thì huyện Ia Grai có diện tích lớn nhất nhì Gia Lai. Tuy nhiên trong những năm đại hạn ở Tây Nguyên thì huyện này vẫn tương đối ổn định về nguồn nước tưới. Đó là nhờ vào số lượng công trình cấp nước nhiều, đặc biệt là nhờ vào sự khai thác hợp lý nguồn thủy năng sẵn có trên địa bàn.
Ông Trần Văn Đến- thôn Tân Sao (xã Ia Yok)- cho biết: “Nhờ có hệ thống kênh mương dẫn mước từ công trình thủy lợi Biển hồ về đã giúp người dân chúng tôi đảm bảo nguồn nước tưới cho cây cà phê và một số cây ngắn ngày khác”. Còn ông Trương Quốc Canh- thôn Tân An (xã Ia Sao) thì: “Gia đình có hơn 2 ha cà phê kinh doanh, hàng năm đều tưới nước từ hồ thủy lợi của Công ty cà phê. Ngoài tưới nước cho diện tích cà phê của gia đình, tôi còn tưới thuê cho một số hộ lân cận”.
“Chảo lửa” Krông Pa có 9 công tình thủy lợi gồm: 4 hồ chứa, 4 đập dâng, 1 trạm bơm điện, với tổng năng lực thiết kế tưới cho 5.615ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, nhờ nguồn nước từ các công trình thủy lợi và sự chủ động xây dựng phương án điều tiết nước hợp lý, triển khai thường xuyên nạo vét, tu sửa hệ thống kênh mương đã đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, giúp người dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Rơ Ô Blênh- buôn Prong (xã Ia Mlah) - cho biết: “Trước đây khi chưa có chưa có nước từ công trình thủy lợi Ia Mlah, người dân chúng tôi chỉ sản xuất được lúa 1 vụ, phụ thuộc vào nước trời nên nhiều năm nắng hạn, không đủ lúa để ăn. Nay được nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương dẫn nước từ thủy lợi Ia Mlah về tới tận ruộng, đã giúp bà con làm được lúa nước 2 vụ, vừa không lo thiếu lúa ăn, còn có lúa để bán, tăng thu nhập cho gia đình”.
Tiếp tục chú trọng đầu tư thủy lợi
Để đảm bảo an ninh nguồn nguồn nước nhằm cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất tỉnh Gia Lai không chỉ khai thác tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có mà còn được phê duyệt đầu tư nhiều công trình mới. Ngoài ra, tỉnh còn chủ động thực hiện tu bổ, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy… nhằm tận dụng tối đa nguồn nước hiện có.
Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai - ông Lưu Trung Nghĩa, cho biết: Thời gian qua, tỉnh Gia Lai được quan tâm triển khai nhiều công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, làm đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Hiện trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai một số công trình thủy lợi lớn. Cụ thể, hồ Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh) có diện tích tưới 1.620ha (620ha lúa, 1.000ha rau màu và cây công nghiệp), cấp nước sinh hoạt cho 48.300 người dân, tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng, hiện công trình đã thực hiện chặn dòng và dự án hoàn thành khoảng 87%.
Hồ Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) có năng lực thiết kế tưới cho 600ha (120ha lúa, 480ha rau màu và cây công nghiệp), tổng kinh phí 200 tỷ đồng. Hồ Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ) có diện tích tưới 555ha (150ha lúa, 405ha rau màu và cây công nghiệp) và cấp nước sinh hoạt cho 7.500 người dân, tống mức đầu tư 197 tỷ đồng; hiện công trình đã hoàn thành trên 84%. Dự án hệ thống kênh chính Đông và chính Tây thủy lợi Ia Mơr với diện tích tưới 8.500ha…
Với công trinh thủy lợi Tầu Dầu 2 (huyện Đăk Pơ), ông Nguyễn Hiệp - Trưởng phòng NN-PTNT huyện, cho biết: Đến nay, công trình thủy lợi Tầu Dầu 2 đã hoàn thành được hơn 80% kế hoạch.
Khi đưa vào sử dụng sẽ giúp địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu, điều tiết nước giảm lũ cho hạ du, kết hợp nuôi trồng thủy sản, cải tạo môi trường sinh thái; điều tiết nước cung cấp nước tưới chủ động cho khu tưới khoảng 555ha đất canh tác của vùng dự án và tạo nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân; cải thiện kinh kế và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Được biết thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục quan tâm đến việc đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt quan tâm đến hệ thống hồ chứa nước để tưới cho các loại cây trồng chủ lực, cây trồng có giá trị kinh tế cao; lồng ghép các nguồn lực để thực hiện kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp công trình thủy lợi…
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, ông Lưu Trung Nghĩa: Phấn đấu tăng tỷ lệ công trình cấp nước tập trung bền vững và tương đối bền vững bình quân mỗi năm đạt 5% trở lên. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi lớn như: hồ Ia Tul (huyện Ia Pa) với năng lực tưới 7.700ha; suối Lơ (huyện Kbang) tưới 1.500ha; hồ Đak Pờ Tó (huyện Mang Yang) tưới 2.150ha. Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu thông qua việc nâng cấp sửa chữa các hồ chứa Ia Mlah (Krông Pa), thực hiện giai đoạn 3 thủy lợi Ia Mơr (Chư Prông), hiện đại hóa thủy lợi Ayun Hạ (huyện Phú Thiện)...