| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi cho vùng lúa tôm vẫn còn nhiều bất cập

Thứ Ba 29/06/2021 , 09:58 (GMT+7)

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho rằng, hiện nay các công trình Thủy lợi cho vùng lúa tôm của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập...

Cà Mau là một trong những tỉnh chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Những năm gần đây, tỉnh đã quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi từng bước hiện đại. Để hiểu rõ thêm kế hoạch và định hướng sắp tới, PV Báo NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau

Thưa ông, những năm qua tỉnh Cà Mau đã quan tâm và được đầu tư hệ thống thủy lợi cho cây lúa, con tôm như thế nào theo Nghị quyết 120?

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã nhận diện và định hướng chiến lược quan trọng là chủ động thích nghi. Nói cách khác đi là thích nghi có kiểm soát, làm chủ tình huống khi bất lợi xảy ra, lấy tài nguyên nước làm cốt lõi để bố trí sản xuất, định hướng phát triển.

Cụ thể, đối với vùng ven biển tỉnh Cà Mau, đây là vùng khó khăn về nước và dễ bị tổn thương nhất. Nhiệm vụ trọng yếu là chủ động nguồn nước, được thực hiện theo chiến lược: Nâng cấp các hệ thống thủy lợi ven biển, xây dựng các công trình kiểm soát mặn, lấy nước ngọt, xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi các tiểu vùng.

Đồng thời, nâng cấp tuyến đê biển Tây từ Tiểu Dừa đến Sông Đốc với hơn 50km đã được bê tông hóa. Xây dựng hơn 50km kè bảo vệ bờ biển, sửa chữa hệ thống cống Sông Đốc – Tắc Thủ. Nâng cấp hệ thống bờ bao ngăn mặn chống triều cường, nước dâng phục vụ sản xuất nông nghiệp kể cả cây lúa và con tôm. Đã xây dựng và đưa vào vận hành 14 hệ thống trạm bơm, cũng như đang tiếp tục đầu tư 6 hệ thống trạm bơm lớn nhằm điều tiết nước hợp lý.

Qua đó, chủ động chuyển nước ngọt cho các vùng khan hiếm nước nhưng có tiềm năng kinh tế cao. Cùng với các hệ thống thủy lợi tăng cường nguồn cấp nước, ngành nông nghiệp đã khuyến khích nhân dân tự tích nước bằng nhiều hình thức, giải pháp phù hợp là tích nước quy mô hộ gia đình.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác kiểm tra các công trình thủy lợi tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác kiểm tra các công trình thủy lợi tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Nghị quyết 120 của Chính phủ đã gỡ vòng kim cô cho nông dân. Hiện nay mô hình tôm - lúa đã khẳng định tính hiệu quả và phù hợp, nhưng hạ tầng phục vụ sản xuất tôm - lúa vẫn còn nhiều bất cập. Xin ông cho biết những khó khăn đó là gì?

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH được ban hành năm 2017 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách. Thực tiễn hơn 3 năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho tỉnh Cà Mau. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp. An sinh xã hội được quan tâm, việc làm được cải thiện, sinh kế của người dân từng bước được chuyển đổi theo hướng bền vững.

Hiện nay, hệ thống thủy lợi vùng tôm - lúa là khu vực chịu tác động lớn của triều biển Tây. Từ trước đến nay nhà nước đã đầu tư các dự án với mục tiêu ngăn triều cường – nước dâng, tiêu úng, tạo nguồn nước mặt như: dự án xây dựng đê biển Tây và các cống dưới đê. Đến nay đã xây dựng hoàn thành các cống: Biện Nhị, Hương Mai, Lung Ranh, Rạch Dinh, T29, T25, Đá Bạc, Kênh Mới...

Tuy nhiên, do đầu tư không đồng bộ đặc biệt là chưa có hệ thống trạm bơm điều tiết nội vùng dẫn đến tình trạng phải tháo bỏ nước khi mùa mưa, gặp mưa có lưu lượng lớn và mưa nhiều ngày. Nhưng lại thiếu nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vào cuối vụ, đặc biệt là hai huyện Trần Văn Thời và U Minh.

Đặc biệt, những năm thời tiết bất thường lượng mưa đầu vụ thấp, mùa mưa kết thúc sớm độ mặn tăng cao, thiếu nguồn nước ngọt bổ sung nên lúa phát triển kém, bị giảm năng suất. Thậm chí thiệt hại hoàn toàn, về tôm nuôi trong điều kiện độ mặn quá cao làm giảm sức đề kháng tôm nuôi. Nhiều dịch bệnh trên tôm phát sinh làm cho tôm chậm lớn, năng suất tôm nuôi đạt thấp.

Ngoài ra, về tổ chức sản xuất lúa - tôm một số địa phương vẫn còn bất cập chưa đồng bộ. Còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trong vùng còn đan xen diện tích trồng lúa, nuôi tôm gây khó khăn cho những hộ trồng lúa phải ngăn mặn giữ ngọt, thậm chí xảy ra mâu thuẫn tranh chấp mặn ngọt.

Để khắc phục khó khăn nêu trên, trước mắt cần tiếp tục củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển Tây. Các cống dưới đê nhằm đảm bảo ngăn mặn, ngăn triều cường, tiêu úng xổ phèn. Tiếp tục củng cố, nâng cấp phù hợp hệ thống đê bao, cống điều tiết nước và các trạm bơm. Việc đầu tư sẽ giải quyết được các nhiệm vụ cơ bản như: tạo nguồn nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, tiêu úng xổ phèn phục vụ sản xuất.

Đầu tư các công trình thủy nhân rộng mô hình tôm - lúa là hướng đi bền vững trước BĐKH như hiện nay. Ảnh: Trọng Linh.

Đầu tư các công trình thủy nhân rộng mô hình tôm - lúa là hướng đi bền vững trước BĐKH như hiện nay. Ảnh: Trọng Linh.

Thưa ông, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm và trồng lúa có sự chệnh lệch và khác biệt gì lớn không và làm thế nào để tạo sự đồng bộ với hệ thống sinh thái của tỉnh và vùng?

Do nguồn lực có hạn nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm và trồng lúa chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân đối với vùng ngọt hóa việc đầu tư hệ thống thủy lợi cần được đầu tư khép kín nên nguồn lực thực hiện lớn. Đối với vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản, trước mắt tiến hành đầu tư các công trình đầu mối như các cống tiếp giáp với vùng sông lớn nhằm ngăn triều cường, chống nước biển dâng và nạo vét hệ thống kênh rạch cũng như đầu tư hệ thống đê bao chống tràn.

Hiện nay, vùng này chỉ mới có tiểu vùng 10 - Nam Cà Mau được đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, tiểu vùng 2, 3, 5 - Nam Cà Mau đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện. Về lâu dài ngành nông nghiệp cũng đã đề xuất các công trình dự án vào chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và địa phương để hoàn thiện hạ tầng thủy lợi cho cả vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản và vùng theo hệ sinh thái ngọt một cách hài hòa. 

Với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm nói chung và mô hình tôm lúa nói riêng, Cà Mau sẽ có những giải pháp gì, với những chương trình, kế hoạch và đề án trong thời gian tới như thế nào thưa ông?

Hầu hết các giải pháp cho công trình thuỷ lợi phục vụ cho phát triển sản xuất phải rất linh hoạt, phù hợp với các vùng sinh thái và hạn chế tới mức thấp nhất các ảnh hưởng xấu từ tự nhiên. Nhìn chung, Cà Mau là tỉnh ven biển, nội địa có ba tiểu vùng sinh thái nước mặn ven biển, nước lợ và nước ngọt. 

Về giải pháp chung, là rà soát lại quy hoạch, đính hướng phát triển cơ bản cho hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất trong gai đoạn tới 2021-2030: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi kiểm soát nguồn nước để cấp nước sinh hoạt, chủ động cấp ngọt, mặn phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục đầu tư các tuyến đê biển kết hợp trồng rừng bảo vệ bờ biển, sử dụng hợp lý nước dưới đất phục vụ sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản. Tập trung nghiên cứu giải pháp cấp nước ngọt từ sông chính về vùng ven biển.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.