| Hotline: 0983.970.780

Phát huy lợi thế cây trồng đặc thù để xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 22/09/2022 , 09:09 (GMT+7)

Sau nhiều năm nỗ lực, xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) đạt chuẩn. Hiện địa phương đang phấn đấu, xây dựng để đạt xã NTM kiểu mẫu.

Xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước) là một trong những xã thuộc vùng đồng bằng của tỉnh Ninh Thuận. Trong quá khứ, xã này gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế khi việc sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.

Hơn chục năm qua, chính quyền, người dân xã Phước Thuận đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới và đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự phát triển vượt bậc ở một xã thuần nông. Theo UBND xã Phước Thuận, để nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, chính quyền xã đã vận động, khuyến khích người dân thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng.

nho ninh thuan

Nhờ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả qua sản xuất nho, táo công nghệ cao nên người dân xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Hậu.

Sau nhiều năm, những diện tích cây trồng kém hiệu quả đã được chuyển qua sản xuất nho, táo, đặc biệt là các mô hình nho, táo công nghệ cao. Ông Huỳnh Ngọc Du, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận chia sẻ: "Từ vùng đất nông nghiệp nghèo nàn, hiện nay người dân xã Phước Thuận đã có những vườn cây ăn trái cho thu lãi hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng/ha mỗi năm. Nhờ vậy, cuộc sống người dân ngày càng được đảm bảo". 

Cùng với việc tổ chức sản xuất hiệu quả, chính quyền xã Phước Thuận cũng tập trung vận động người dân tham gia các chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều phong trào thi đua được chính quyền địa phương xây dựng, phát động và người dân đồng thuận tham gia. Đặc biệt, phong trào hiến đất làm đường được đông đảo người dân quan tâm, hưởng ứng. Do vậy, nhiều tuyến đường đã được mở rộng, xây dựng bài bản giúp giao thông trở nên thuận lợi, cảnh quan ở các thôn, xóm cũng được khang trang hơn.

Tại xã Phước Thuận, gia đình ông Lê Thanh Lộc (ngụ thôn Vạn Phước) là một trong những hộ dân đầu tiên trong việc hiến đất làm đường. Theo ông Lộc, phía sau căn nhà của gia đình là cánh đồng lúa rộng lớn nhưng con đường ra đồng chỉ là bờ mương nhỏ hẹp. Việc vận chuyển vật tư ra đồng phục vụ sản xuất hoặc vận chuyển nông sản sau thu hoạch về thôn vì vậy gặp rất nhiều khó khăn.

"Để bà con có đường ra đồng, thuận lợi cho việc sản xuất, gia đình đã quyết định cắt một phần mảnh vườn với chiều rộng 3m, dài 65m để làm đường, tổng diện tích đất tôi hiến gần 2.000m2. Khi gia đình hiến đất thì các hộ dân trong xóm cũng đồng thuận tham gia nên hiện nay thôn có tuyến đường rộng 4m, dài 0,6km để ra đồng", ông Lê Thanh Lộc thổ lộ.

Cũng theo ông Lộc, khi hiến đất làm đường, gia đình đã phải chặt bỏ hàng dừa hàng chục năm tuổi đang cho thu hoạch. Ông Lộc chia sẻ: "Nếu mình không hy sinh thì bà con trong thôn, xã sẽ không có cơ hội để phát triển".

Theo UBND xã Phước Thuận, đến nay, sau nhiều năm nỗ lực triển khai, tỉ lệ đường trục thôn ở xã đã được cứng hóa 100%, toàn bộ đường ngõ xóm xanh sạch, không lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống điện, trường, trạm được nâng cấp, đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tỉ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% đến 90%; Thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng cao, năm 2021 đạt 49 triệu đồng/người/năm và năm 2022 này phấn đấu đạt 52 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm sâu.

tao ninh thuan 3

Với mô hình nho, táo công nghệ cao, mỗi năm người dân thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha. Ảnh: Minh Hậu.

“Tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân trong xã cũng gặp nhiều thuận lợi, đó là xã có hàng trăm ha nho và táo xanh, đây là những loại sản phẩm đặc thù có thu nhập cao, đồng thời đẩy mạnh phát triển chăn nuôi dê cừu, đây cũng là những sản phẩm lợi thế của vùng khô nóng. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích nho, táo và các sản phẩm đặc thù của địa phương theo hướng công nghệ cao để nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Huỳnh Ngọc Du, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận chia sẻ.

Từ những kết quả đạt được, vào năm 2015, UBND xã Phước Thuận đạt chuẩn nông thôn mới và đến tháng 6 năm 2021, địa phương này tiếp tục được UBND tỉnh Ninh Thuận trao quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Ông Huỳnh Ngọc Du cho biết, trải qua chặng đường hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Phước Thuận đã gặt hái nhiều quả ngọt. An ninh trật tự được đảm bảo, kinh tế ngày càng phát triển và các tiêu chí xây dựng cơ bản được hoàn thiện.

"Đối với các dự án, người dân được tiếp cận các mô hình. Đặc biệt thời gian qua việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân được cải thiện rõ rệt khi tiếp cận các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Điều này góp phần đem lại giá trị kinh tế, giúp người dân vươn làm giàu, kinh tế xã hội địa phương được đảm bảo", ông Huỳnh Ngọc Du nói và cho biết thêm hiện này địa phương có 13 sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Theo ông Huỳnh Ngọc Du, với những thành tích đạt được, chính quyền xã Phước Thuận tiếp tục duy trì các tiêu chí “Xã nông thôn mới nâng cao” và phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt được điều đó, chính quyền xã Phước Thuận tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, tiến tới nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Cùng với việc tổ chức sản xuất, địa phương này cũng tổ chức gắn kết phát triển nông nghiệp với dịch vụ du lịch để phát triển kinh tế xã hội.

Chính quyền xã Phước Thuận cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của dân.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh độc đáo

Sóc Trăng Khai thác giá trị từ lá bồ đề, thanh niên trẻ sáng tạo ra sản phẩm tranh trang trí độc đáo, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm