| Hotline: 0983.970.780

Sức sống mới trên cù lao Dài

Thứ Tư 14/09/2022 , 06:59 (GMT+7)

Cù lao có hình dáng như một chiếc giày, giọng miền Tây đọc trại từ 'giày' thành 'dài' nên thành tên. Tại đây, cuộc sống vẫn giữ được nét thanh bình, yên ả, mộc mạc.

Có dịp về thăm cù lao Dài, vùng đất thuộc hai xã Thanh Bình - Quới Thiện của huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) mới thấy hết được vẻ đẹp của vùng đất, con người nơi đây. Đất cù lao màu mỡ, cây trái sum suê, ngọt mát. Con người xứ cù lao hiền hòa, chất phác, bình dị, hiếu khách.

Theo sử sách địa phương, cù lao Dài được ông Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, một công thần dưới triều vua Gia Long (nhà Nguyễn) khai phá, di dân, lập ấp. Buổi đầu, ông lập ra 5 ấp gồm Phú Thái, Phước Khánh, Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh. Trải qua những lần điều chỉnh địa giới hành chính đến những năm cuối thế kỷ 20, cù lao Dài được chia tách thành 2 xã là Thanh Bình, Quới Thiện và ổn định cho đến ngày nay.

Cù lao Dài được bồi đắp bởi phù sa sông Cổ Chiên, cây lành trái ngọt. Ảnh: Minh Đảm.

Cù lao Dài được bồi đắp bởi phù sa sông Cổ Chiên, cho cây lành trái ngọt. Ảnh: Minh Đảm.

Cũng như nhiều vùng đất cù lao ở ĐBSCL, cù lao Dài được bồi đắp bởi phù sa mát ngọt của dòng Cổ Chiên, một trong chín nhánh sông Cửu Long. Đất phù sa màu mỡ tạo điều kiện thuận lợi cho nghề làm vườn phát triển mạnh từ những năm 2000, nổi tiếng là nơi cây lành trái ngọt.

Cán bộ Văn phòng UBND xã Thanh Bình dẫn tôi đến nhà nông Nguyễn Văn Thới (ông Ba Thới, 72 tuổi) ở ấp Thái Bình. Khi chúng tôi đến, ông Ba Thới đang cặm cụi phun dinh dưỡng cho mấy gốc sầu riêng bên hông nhà. Thấy chúng tôi, ông tắt máy nghỉ tay, sẵn tiện gọi em rể là ông Uông Diều Thiên (61 tuổi) gần đó qua uống chung trà. Gặp các ông, chúng tôi được nghe kể về nghề làm nông cũng như sự đổi thay của cù lao Dài.

Trên chuyến phà Quới An - Quới Thiện qua cù lao Dài, chuyện trò với những người dân nơi đây được biết, hiện nay người dân cù lao chủ yếu chuyên canh 3 loại trái cây chính là sầu riêng, bưởi da xanh và xoài. Nhờ đó mà đời sống ngày một đi lên, các xã cù lao cũng vì thế mà đổi mới từng ngày. Hiện cả dải cù lao có khoảng 1.000ha vườn chuyên canh cây sầu riêng.

1

Ông Ba Thới đang phun dinh dưỡng cho cây sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Nhấp ngụm trà, ông Ba chậm rãi kể về cơ ngơi của gia đình cũng như nhiều bà con từ hồi cây sầu riêng có mặt ở đất cù lao này. Trước đây, khi chưa có đê bao khép kín nên thường xuyên bị ngập nước mùa lũ, thiếu nước mùa khô. Do đó, kinh tế nông nghiệp chỉ có cây lúa nên chẳng có gì dư dả. Sau này đê bao khép kín, giữ nước tốt nên khi nghe được nông dân ở cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đổi đời nhờ cây sầu riêng, mấy anh em quyết chí qua đó học tập, mua cây giống về trồng, chuyển nghề làm vườn.

Ông Ba nhớ lại: “Chắc cũng khoảng hơn 30 năm rồi. Cả đời tôi gắn bó với cây sầu riêng và quyết không bỏ cây sầu riêng. Sầu riêng có giống gì thì chúng tôi trồng giống đó. Ngày trước trồng sầu riêng hạt, năng suất không cao. Qua đến sầu riêng Khổ Qua Xanh, hạt to, cơm nhão ăn không ngon… Rồi nhờ ông Sáu Ri đem về giống sầu riêng cơm dày, ăn ngon mà giờ giống Ri6 phát triển mạnh ở vùng đất này”.

Ngôi nhà của ông Ba Thới cất cách đây khoảng 10 năm nhờ trúng mùa sầu riêng.

Ngôi nhà của ông Ba Thới xây cách đây khoảng 10 năm nhờ trúng mùa sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Nhờ trồng sầu riêng mà ông Ba lo cho 3 người con học hành thành tài, sự nghiệp ổn định. Ông còn mua thêm được mấy công đất, đến giờ được cả thảy 12 công. Cách đây cả chục năm, ông cất được ngôi nhà khang trang, cũng gần tỷ đồng.

“Ông Ba khiêm tốn chứ 12 công sầu riêng thu hơn 1 tỷ là chuyện bình thường. Ông Ba là nông dân sản xuất giỏi ở đây”, vị cán bộ UBND xã nói.

Ông Uông Diều Thiên ngồi cạnh bên cũng hào hứng cho hay, ông lập gia đình năm 25 tuổi, được cha mẹ cho hơn ba công đất. Thuở đầu trồng lúa, rồi sau trồng lát. Dù làm việc chăm chỉ không quản ngày đêm mà kinh tế gia đình không khá nổi. Sau đó, nhờ chuyển sang làm vườn trồng sầu riêng mà kinh tế gia đình ông bắt đầu khá lên. Năm 2017, ông cũng cất được ngôi nhà khang trang gần 800 triệu đồng.

“Nhờ sầu riêng mà tôi mới cất được ngôi nhà này. Ngôi nhà cả đời tôi mơ ước. Dòng họ, anh em tôi đều khá lên nhờ sầu riêng hết”, ông Thiên thổ lộ.

Ông Uông Diều Thiên cũng cho biết, nhờ có sầu riêng mà ông cũng cất được nhà khang trang. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Uông Diều Thiên cho biết, nhờ có sầu riêng mà ông cũng cất được nhà khang trang. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Thiên, ông Ba Thới và nhiều nông dân trồng sầu riêng ở cù lao Dài có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây sầu riêng. Không những thế, nhiều bà con nông dân chuyên canh bưởi da xanh, xoài đều có thu nhập cao, vài trăm triệu đồng/ha mỗi năm.

Nói về sự đổi thay của xứ cù lao này, hai ông cho biết, ngày trước ở xã chưa có chợ, đường đi khó khăn. Người dân muốn mua đồ gì phải đi đò qua huyện. Đò ngày chạy có một chuyến. Qua đất liền rồi mà trễ giờ là phải kiếm nhà người quen ngủ nhờ. Bây giờ, có 2 chiếc phà ngang qua huyện, còn có thêm 1 chiếc chạy qua sông Bang Tra sang Bến Tre, đi lại rất thuận tiện, giao thương phát triển. Tại trung tâm xã có đủ các dịch vụ như bưu điện, ngân hàng, bách hóa tổng hợp, vựa mua bán trái cây…

“Mấy năm trước, nông dân ở đây thiếu nợ ngân hàng chứ bây giờ ngân hàng thiếu nợ lại chúng tui rồi. Vô mùa thu hoạch sầu riêng, mấy chú ngân hàng cứ chọc người dân chỉ gửi, không vay sao tụi con làm ăn được. Cái này mấy chú ngân hàng tự nói chứ tụi tui sao biết được”, ông Ba thật thà nói.

Còn nói về đời sống hiện nay ở đây, ông Thiên cũng bảo: “Ngày xưa làm gì có tivi, internet, xe hơi… Bây giờ ở đây đâu có thua thành phố. Chú ra bến phà là thấy hồi đó xe Trung Quốc không đó, bây giờ xe Nhật, xịn không hà!”.

Mấy ông lão còn kể, cách đây mấy năm, trúng mùa sầu riêng, người dân đi đám tiệc, đám giỗ mua bia làm quà biếu, không còn rượu đế nữa. Cúng quảy xong, bà con hàng xóm nhập tiệc vui vẻ ca hát đến gần nửa đêm. Xóm trên, xóm dưới, xóm giữa xóm nào cũng ca hát náo nhiệt, vui vẻ lắm.

Thật vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cù lao Dài nay đã đổi khác. Theo ông Hồ Văn Trọn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, xã có diện tích đất nông nghiệp gần 1.249ha, bình quân mỗi hộ có khoảng 5 - 6 công đất (1 công = 1.000m2). Nông dân chuyên cây bưởi da xanh trên 660ha, cây sầu riêng là 420ha.

Những năm qua, bằng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân xử lý cây sầu riêng cho trái nghịch vụ bán được giá. Bình quân, vụ nghịch năng suất khoảng 1,2 - 1,3 tấn/công, giá bán từ 70 - 100 nghìn đồng/kg; vụ thuận khoảng 2 tấn/công, giá bán từ 40 - 50 nghìn đồng/kg; trừ chi phí thu nhập bình quân 600 - 700 triệu đồng/ha. Cá biệt, nhiều lão nông sản xuất giỏi có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha.

Còn riêng bà con chuyên canh bưởi da xanh, mỗi ha bình quân thu được 20 tấn/năm, giá bán cũng dao động khoảng 20.000 đồng/kg, hàng năm, cũng có thu nhập hai, ba trăm triệu đồng.

Đến nay, các xã cù lao đã về đích nông thôn mới. Ảnh: Minh Đảm.

Đến nay, các xã cù lao đã về đích nông thôn mới. Ảnh: Minh Đảm.

Nhờ chuyển đổi kinh tế hiệu quả mà đời sống người dân ở cù lao Dài đã khá lên. Đến nay, xã Quới Thiện và Thanh Bình đều đã về đích nông thôn mới. Riêng xã Thanh Bình vừa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao hồi tháng 4/2022, thu nhập bình quân năm 2021 đạt trên 50 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 2%.

Điểm du lịch hấp dẫn

Cù lao có chiều dài khoảng 20km, giáp với tỉnh Bến Tre ở hướng đông và bắc, hướng nam giáp với tỉnh Trà Vinh. Sở dĩ có cái tên cù lao Dài là vì khi nhìn từ trên cao xuống, cù lao có hình dáng giống như một chiếc giày. Giọng miền Tây đọc trại từ nên “giày” biến thành “dài”.

Hiện nay, cù lao Dài là một trong những điểm đến không nỡ bỏ qua khi đến tỉnh Vĩnh Long. Cuộc sống của người dân vẫn giữ được nét thanh bình, yên ả, mộc mạc chốn làng quê. Du khách phương xa đến đây sẽ có dịp được thưởng thức trái cây tại vườn, các món ăn dân dã, đi xuồng ngắm cảnh trên sông. Tối đến, ngủ tại các homestay để cùng hòa mình vào đời sống thôn quê, bỏ lại những bộn bề, hối hả, lo toan của cuộc sống nơi thị thành.

Không những thế, tại cù lao còn có khu lăng mộ dòng họ ông Nguyễn Văn Thoại được dự kiến xây dựng thành quần thể di tích lịch sử - văn hóa, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với cù lao Dài.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.