Phát triển quy mô công nghiệp gắn an toàn dịch bệnh
Để tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển ngành theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh. Qua đó, tạo ra những sản phẩm có lợi thế về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó của ngành nông nghiệp tỉnh khi chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, lên tới 96% và nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án chăn nuôi quy mô lớn.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, thiếu quy hoạch phát triển. Cụ thể, có đến gần 29.000 hộ quy mô dưới 10 con lợn và toàn tỉnh có 350 hộ chăn nuôi quy mô từ 50 đến dưới 1.000 con.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng chăn nuôi đầu tư chưa đích đáng, chưa có chiều sâu, sản phẩm chủ lực khan hiếm, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và chưa hình thành chuỗi sản xuất ra sản phẩm sạch và an toàn.
Để từng bước khắc phục những nút thắt đó, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành rà soát vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung đã được quy hoạch. Xây dựng quy định cụ thể về khu vực được chăn nuôi và vùng cấm nuôi. Chú trọng thực hiện kiểm soát dịch bệnh để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững. Khuyến khích các mô hình chăn nuôi quy mô trang trại, áp dụng biện pháp đảm bảo môi trường.
Bên cạnh đó, xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Cụ thể là các chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp triển khai dự án chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, bền vững với môi trường.
Từ những chính sách hỗ trợ cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đến nay toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 6 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, 29 hợp tác xã và 240 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận kinh tế trang trại, 28 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAHP, 15 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Phát triển chăn nuôi tập trung bền vững
Đến hết năm 2021, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi toàn tỉnh Quảng Ninh tăng 7,6% so với năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt mức 56%. Cụ thể, đàn trâu đạt 29.010 con (bằng 88% so với năm 2020, đạt 89% so với kịch bản năm 2021); đàn bò trên 35.660 con (đạt 113% so với năm 2020, đạt 105% so với kịch bản năm 2021); đàn lợn là 276.200 con (đạt 102,5% so với năm 2020, đạt 92% so với kịch bản năm 2021); đàn gia cầm trên 4,2 triệu con (đạt 109% so với năm 2020, đạt 106% so với kịch bản năm 2021).
Mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2021 được cho là đã có sự chuyển biến rõ nét trong ngành chăn nuôi địa phương, nhất là về tổ chức sản xuất, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng bộ trong sản xuất.
Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đều đạt và vượt so với mục tiêu tăng trưởng của ngành đặt ra từ đầu năm. Qua đó, đóng góp lớn vào đà tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có một số cơ sở chăn nuôi tập trung lớn. Đơn cử như Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái). Năm 2021, với tổng đàn bò duy trì thường xuyên từ 10.000 - 12.000 con (chiếm 35% tổng đàn bò của cả tỉnh).
Công ty TNHH Phú Lâm đã tạo động lực tăng trưởng rất lớn cho ngành khi giúp chăn nuôi bò tăng 13% so với năm trước. Đây là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu, chăn nuôi, cung cấp thịt bò sạch, an toàn và có giá trị dinh dưỡng cao thông qua chuỗi giá trị 3F (Feed - Farm - Food) với quy mô trang trại lên tới 1035ha.
Cùng với hệ thống trang trại, hệ thống nhà máy chế biến thịt được Phú Lâm chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với quy trình giết mổ, pha lóc, chế biến và phân phối được chuẩn hóa bởi các chuyên gia đến từ Úc đã trở thành một ưu thế vượt trội của Phú Lâm.
Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, đối với ngành chăn nuôi của tỉnh, nông hộ còn chiếm tỷ trọng lớn nên sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế. Chưa kể, việc nuôi nhỏ lẻ sẽ luôn tiềm ẩn sự bấp bênh trong công tác tiêu thụ và kiểm soát an toàn dịch bệnh. Do đó, phải hoạch định các khu, vùng chăn nuôi tập trung và phải có các doanh nghiệp làm trụ đỡ để xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, tạo đà phát triển cho cả vùng.
Vì vậy, muốn đưa ngành chăn nuôi có bước phát triển cả về lượng và chất, dần trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh cần sớm giải quyết được những vấn đề nói trên.
Thời gian tới, Quảng Ninh hướng đến mục tiêu mỗi địa phương có ít nhất một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 70%. Đến năm 2030, có ít nhất 2 trung tâm sản xuất giống lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, đáp ứng 100% nhu cầu giống trong tỉnh và cung cấp cho các địa phương lân cận.