| Hotline: 0983.970.780

Phát triển khuyến nông đáp ứng nhu cầu đô thị hóa

Thứ Năm 23/06/2022 , 07:05 (GMT+7)

Nông nghiệp đô thị không chỉ đóng vai trò cung cấp thực phẩm tại chỗ cho đô thị, mà còn kiến tạo cảnh quan, không gian môi trường sinh thái cho đô thị...

Hơn 20 năm ra đời khuyến nông đô thị

Vừa qua tại tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) phối hợp với Sở NN-PTNT Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động khuyến nông đô thị (2001 - 2021). Đại diện lãnh đạo 29 tỉnh, thành phố tham gia Câu lạc bộ (CLB) Khuyến nông đô thị đã về dự chương trình.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Khuyến nông đô thị cho biết, CLB Khuyến nông đô thị do Trung tâm KNQG thành lập từ năm 2001 với mục đích xây dựng hạt nhân và đóng góp những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình phát triển nông nghiệp đô thị.

Ông Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm KNQG (thứ 4 từ trái sang) trao giấy khen cho các địa phương có nhiều thành công trong phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm KNQG (thứ 4 từ trái sang) trao giấy khen cho các địa phương có nhiều thành công trong phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cùng với xu thế phát triển của đô thị ở nước ta, nhiều chính sách, cơ chế mới phù hợp của các địa phương trong cả nước đã tạo điều kiện cho hoạt động khuyến nông đô thị ngày càng hiệu quả. Cụ thể như các chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Theo đó, CLB đã duy trì các hoạt động như tổ chức giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm từ các hội nghị của CLB và Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn ở các lĩnh vực nông nghiệp…

Nhiều mô hình điểm đã xuất hiện như: Mô hình hoa, cây cảnh tại Lập Thạch và Vĩnh Tường, mô hình sản xuất chuỗi liên kết thịt lợn sạch tại Thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc); mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao tại Công ty Thiên Thuận Tường (Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh); mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao tại huyện Củ Chi (TP.HCM); mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch tại Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam); mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm tại huyện Hòa Vang (Thành phố Đà Nẵng); mô hình sản xuất rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên, Hợp tác xã Rau hữu cơ Cuối Quý (Hà Nội); mô hình nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với du lịch tại Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam)…

Nông nghiệp đô thị vẫn chưa thực sự có bước phát triển ấn tượng. Ảnh: NNVN.

Nông nghiệp đô thị vẫn chưa thực sự có bước phát triển ấn tượng. Ảnh: NNVN.

Một số hạn chế của chương trình được các địa phương phản ánh là hệ thống khuyến nông tại một số tỉnh, thành phố còn thiếu về nhân lực, nhất là cán bộ khuyến nông cấp cơ sở. Số cán bộ am hiểu sâu về lĩnh vực nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Ngoài ra, có thể nhận thấy hầu hết các mô hình khuyến nông đô thị bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng thực tế đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nông dân thiếu vốn tích lũy để tái đầu tư hay mở rộng quy mô nên sẽ chuyển hướng kinh doanh, do đó các mô hình này cũng khó mang tính bền vững.

Hoạt động khuyến nông đô thị nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng khác nhau, chủ yếu chỉ tập trung vào xây dựng mô hình để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Việc liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, hầu như các sản phẩm của nông dân sản xuất ra phải tự tiêu thụ, nên thường bị thương lái ép giá.

Gắn khuyến nông đô thị với nông nghiệp công nghệ cao

Là một trong 3 đơn vị đầu tiên tham gia CLB Khuyến nông đô thị từ năm 2001, ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, trong giai đoạn 2021 - 2025, hoạt động khuyến nông, nhất là khuyến nông đô thị phải thích ứng hướng tới sự phát triển và định hướng tái cơ cấu của ngành. Trong đó, chú trọng tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao để có khả năng cạnh tranh cao.

Ứng dụng công nghệ cao là đòi hỏi tất yếu trong phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ứng dụng công nghệ cao là đòi hỏi tất yếu trong phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Quan điểm được nhiều địa phương đề nghị là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tăng cường hỗ trợ cho Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố xây dựng mô hình khuyến nông đô thị công nghệ cao, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chương trình, dự án khuyến nông có quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi, các mô hình mới gắn với nông nghiệp đô thị, mô hình ứng dụng công nghệ 4.0. Đồng thời, tổ chức các khóa huấn luyện, tham quan về nông nghiệp đô thị tại các nước trong khu vực có nền nông nghiệp đô thị phát triển. Tổ chức các hoạt động hội thảo chuyên đề phù hợp để phát huy hiệu quả, thế mạnh của từng địa phương…

Tại tỉnh Thái Nguyên, với lợi thế địa hình trung du miền núi, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông nghiệp lợi thế của tỉnh để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như chè, cây quế, cây ăn quả, thịt gà, gỗ…

Thái Nguyên cũng là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh với 3 thành phố trực thuộc tỉnh và nhiều khu công nghiệp, nhiều trường đại học trên địa bàn, do vậy xu hướng phát triển tạo ra những sản phẩm phục vụ khu vực đô thị cũng được tỉnh Thái Nguyên dành nhiều chính sách quan tâm.

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững trong tổng thể các ngành kinh tế đô thị, tại chương trình tọa đàm, hầu hết đại biểu cho rằng, các cấp ngành, địa phương cần xác định rõ vai trò của nông nghiệp đô thị phải được gắn với chiến lược phát triển bền vững của các đô thị trong tiến trình đô thị hóa.

Nông nghiệp đô thị cần định hình là ngành kinh tế sinh thái giá trị cao. Ảnh: TL.

Nông nghiệp đô thị cần định hình là ngành kinh tế sinh thái giá trị cao. Ảnh: TL.

Ngoài ra, nông nghiệp đô thị phải được định hình là một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm an toàn tại chỗ, mà còn kết nối các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị còn phải hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp thông minh tích hợp các công nghệ tiên tiến cho năng suất cây trồng vật nuôi vượt trội, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, an toàn cho sức khỏe con người, thân thiện môi trường.

Gắn nông nghiệp đô thị với kiến tạo cảnh quan, môi trường

Phát triển nông nghiệp đô thị phải có mục tiêu xuyên suốt là tạo ra sự phát triển cân bằng và bền vững, kết nối không gian đô thị và nông thôn, giá trị truyền thống và hiện đại, đồng thời thúc đẩy lối sống hòa đồng của con người với thiên nhiên. Đặc biệt, nông nghiệp đô thị là một quá trình thay đổi từ nhận thức đến hành động về phương thức, điều kiện và phạm vi không gian tổ chức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Khuyến nông đô thị cho rằng, hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong cả nước, điều này đặt ra vấn đề cần thiết phải có chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị trong tổng thể chiến lược quốc gia về phát triển bền vững để đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm an toàn, đồng thời phải gắn với nhiệm vụ cải thiện môi trường sống trong lành, kiến tạo cảnh quan kiến trúc không gian đô thị thông minh, đáng sống cho hiện tại và tương lai.

Nông nghiệp đô thị không chỉ có vai trò cung cấp thực phẩm, mà còn gắn với vai trò kiến tạo cảnh quan, môi trường sinh thái. Ảnh: NNVN.

Nông nghiệp đô thị không chỉ có vai trò cung cấp thực phẩm, mà còn gắn với vai trò kiến tạo cảnh quan, môi trường sinh thái. Ảnh: NNVN.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm KNQG khẳng định, nông nghiệp đô thị là một xu hướng mới, là ngành kinh tế tổng hợp của đô thị và vùng ven đô thị, những sản phẩm của nông nghiệp đô thị không chỉ cung cấp lương thực thực phẩm mà còn tạo ra không gian xanh, đô thị trong lành, giảm tiếng ồn và hiệu ứng nhà kính, đồng thời tạo cảnh quan, kiến trúc môi trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Ở nước ta, tuy đã có những mô hình nông nghiệp thông minh, nhưng quy mô nhỏ và dường như chưa có mô hình nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh.

Những năm qua, hệ thống khuyến nông Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp đô thị nói riêng. Nông nghiệp đô thị đã phát triển từ chỗ đơn thuần đến công nghệ cao, nông nghiệp tiên tiến.

Hiện nay, việc phát triển đô thị trong cả nước đang có tốc độ rất nhanh, diện tích nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại. Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị trong tương lai, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra hướng phát triển đô thị gắn với những sản phẩm lợi thế, đồng thời xây dựng nguồn nhân lực trong hệ thống nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đô thị, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong nông nghiệp đô thị để các địa phương học tập…

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.