Doanh thu, lợi nhuận HTX, tổ hợp tác không ngừng tăng
Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ 8 là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam”, hướng tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2023) và chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Với chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp", tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau tập trung phân tích, đánh giá tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; cần làm gì để phát triển nhanh, mạnh, bền vững KTTT. Vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong tham gia xây dựng và thúc đẩy phát triển KTTT, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập hợp tác xã (HTX) và xây dựng, phát triển các mô hình, chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông sản.
Bên cạnh đó, các đại biểu trao đổi kinh nghiệm xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức KTTT, nông dân với tổ chức KTTT; giữa các tổ chức KTTT trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, chia sẻ việc ứng dụng cuộc cách mạng KHCN 4.0 và chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh đối với KTTT.
Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định tham gia phát triển KTTT, HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
Các cấp Hội đã tập trung xây dựng, phát triển hệ thống chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, qua đó giúp hội viên nông dân tham gia liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo tiền đề thành lập các tổ hợp tác, HTX.
Thông qua hoạt động của các cấp Hội đã thu hút gần 570.000 lượt hộ nông dân gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, góp phần xây dựng, thành lập trên 23.000 mô hình KTTT hoạt động có hiệu quả. Trong đó, có trên 3.800 HTX và trên 19.000 tổ hợp tác với doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 4,7 tỷ đồng (lợi nhuận 350 triệu đồng/năm). Doanh thu bình quân mỗi tổ hợp tác khoảng 240 triệu/năm, lợi nhuận đạt gần 40 triệu/năm. Số HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên ngày càng tăng với trên 700 HTX (chiếm gần 20%).
8 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế tập thể
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển KTTT là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Hiện nay, khu vực KTTT, HTX đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đặc biệt là những lao động yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, quy mô các HTX còn nhỏ, liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm. Do đó, để giúp khu vực KTTT phát triển, các Bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới các HTX, tổ hợp tác trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp. Lưu ý, HTX, tổ hợp tác được thành lập mới phải hoạt động hiệu quả, thiết thực, có sự liên kết theo chuỗi. Đồng thời, phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước sẽ có 140.000 tổ hợp tác, 45.000 HTX, với 2 triệu thành viên tham gia.
Thứ ba, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp".
Thứ tư, đối với các Bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các HTX đang gặp phải. Không đùn đẩy trách nhiệm với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách về HTX. Đối với những vấn đề khó khăn, phức tạp chủ động tham mưu, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp kịp thời tháo gỡ.
Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KTTT. Ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới KTTT, HTX ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương. Xây dựng và quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với HTX, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều hơn nữa vào nông nghiệp, nông thôn. Coi việc phát triển KTTT là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt. Từ đó, dành nguồn lực tương xứng cho sự phát triển của các HTX, tổ hợp tác.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ tri thức trẻ về làm việc tại các HTX, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong xây dựng chuỗi giá trị, hội nhập quốc tế.
Tăng cường các chương trình ký kết, hợp tác với các học viện, trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển HTX. Song song đó là chính sách đào tạo tại chỗ theo hướng cầm tay, chỉ việc, học phải đi đôi với hành.
Thứ bảy, các HTX phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị. Các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hiện đại hóa các khâu sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Thứ tám, Hội Nông dân Việt Nam cần duy trì hoạt động tổ chức diễn đàn, tạo sân chơi bổ ích cho người nông dân trong việc chia sẻ, đề xuất các kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nêu những đề xuất, kiến nghị để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương kịp thời có giải pháp, chính sách tháo gỡ.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã giải đáp những băn khoăn của các HTX, nông dân trong việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng, tư duy sản xuất nông nghiệp đang có những tồn tại như người sản xuất chỉ tập trung tạo ra những sản phẩm mình sẵn có mà chưa quan tâm sản xuất được những sản phẩm mà thị trường đang cần. Từ đó, dẫn tới hiện tượng mất cân đối cung cầu, được mùa mất giá, được giá mất mùa. Bên cạnh đó, để gia tăng được năng suất, nhiều hộ vẫn lạm dụng các loại phân bón, thuốc BVTV mà chưa coi trọng đến chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Khi thu hoạch, người sản xuất thường bán sản phẩm thô nên lợi nhuận không cao, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Ngoài ra, người sản xuất chưa chú trọng đến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Trong khi đó, tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây là quá trình chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp “nâu” sang sản xuất nông nghiệp “xanh”, có trách nhiệm theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đây cũng là quá trình tích lũy các giá trị văn hóa, xã hội, môi trường vào từng sản phẩm… Do đó, sự chuyển dịch này là tất yếu để nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, giá trị gia tăng cao.