| Hotline: 0983.970.780

Phát triển ngành thủy sản xanh, bền vững là yêu cầu bắt buộc

Thứ Năm 21/12/2023 , 15:21 (GMT+7)

Sáng 21/12, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả mà ngành thủy sản, Cục Thủy sản đã đạt được trong năm 2023. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả mà ngành thủy sản, Cục Thủy sản đã đạt được trong năm 2023. Ảnh: Trung Quân.

Theo Cục Thủy sản, ước tính hết tháng 12, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9,2 triệu tấn (tăng 2% so với năm 2022). Trong đó, sản lượng khai thác đạt hơn 3,8 triệu tấn; sản lượng nuôi, trồng đạt hơn 5,4 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,2 tỷ USD. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng tôm (3,45 tỷ USD), cá tra (1,9 tỷ USD), nhuyễn thể (0,8 tỷ USD), cá ngừ (0,9 tỷ USD).

Về sản xuất, cung ứng giống thủy sản, cả nước có hơn 8.000 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản với tổng sản lượng năm 2023 đạt 322 tỷ con.

Về quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, công bố mở 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động (3 cảng cá loại I, 60 cảng cá loại II và 17 cảng cá loại III). Công bố 52 cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; 65 cảng cá cho tàu cá vùng khơi cập cảng. Công bố 76 khu neo đậu tránh trú bão năm 2023 với tổng sức chứa khoảng 50.000 tàu.

Về chống khai thác IUU, Cục Thủy sản đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương làm việc với đoàn thanh tra của EC khi sang Việt Nam trong tháng 10 để thanh tra thực tế lần thứ 4 về IUU. Tham gia kiểm tra việc chống khai thác IUU tại các tỉnh, thành phố ven biển. Tổng hợp thông tin danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định IUU, đăng tải lên website của Cục (hơn 9.800 tàu cá)...

Trên cơ sở đó, năm 2024, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha. Tổng sản lượng thủy sản hơn 9,2 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác hơn 3,5 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng hơn 5,6 triệu tấn (tăng 5% so với ước năm 2023). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,5 tỷ USD.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, đánh giá, trong giai đoạn tới sẽ có nhiều thách thức đặt ra đối với ngành thủy sản cần được tập trung tháo gỡ như: yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các nước nhập khẩu ngày càng cao. Yêu cầu khắt khe đối với sản phẩm tôm hùm bông (không được đánh bắt trực tiếp từ biển; phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên, con giống phải là thế hệ F2).

Việc giao mặt nước cho nuôi trồng thủy sản cả hồ chứa và trên biển triển khai chậm, đánh mất nhiều cơ hội của ngành thủy sản. Bên cạnh đó, chúng ta đang mong muốn phát triển thủy sản tích hợp đa giá trị (gắn nuôi trồng thủy sản với du lịch hoặc các hoạt động kinh tế khác ở địa phương). Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn đang tách biệt, phát triển nuôi trồng thủy sản một cách đơn thuần.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, phát triển ngành thủy sản xanh, bền vững là yêu cầu bắt buộc, không thể đảo ngược. Ảnh: Trung Quân.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, phát triển ngành thủy sản xanh, bền vững là yêu cầu bắt buộc, không thể đảo ngược. Ảnh: Trung Quân.

Ngoài ra, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi dọc và ngang đang lỏng lẻo. Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, phúc lợi động vật, giảm phát thải, tăng trưởng xanh cũng là những vấn đề cấp thiết đặt ra phải giải quyết.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả mà ngành thủy sản, Cục Thủy sản đã đạt được trong năm 2023.

Thứ trưởng yêu cầu trong thời gian tới, Cục Thủy sản nhanh chóng hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật; triển khai có hiệu quả chiến lược, đề án, chương trình phát triển thủy sản. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy hoạch quốc gia về thủy sản để có căn cứ pháp lý và huy động nguồn lực thực hiện. Đồng thời, phải xem xét, đánh giá chiến lược phát triển thủy sản, cơ chế chính sách đã có tác động, tương tác cụ thể như thế nào với chuyển biến của ngành, với thực tế hoạt động tại các địa phương để kịp thời điều chỉnh.

Trong việc xây dựng đề án “Xây dựng trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản ven biển” phải cụ thể hóa từng vấn đề bằng những số liệu chi tiết, làm cơ sở để nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đưa ra quyết định đúng đắn.

Về chống khai thác IUU, Cục Thủy sản phải nhận thức rõ, đây là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của ngành mình quản lý, tập trung giải quyết 3 vấn đề cơ bản là quản lý, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xử phạt (nếu có).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, phát triển ngành thủy sản xanh, bền vững là yêu cầu bắt buộc, không thể đảo ngược. Bởi lẽ, đây là xu thế chung của thế giới, chúng ta muốn hội nhập sâu rộng phải làm bằng được, thực chất, không chạy theo phong trào.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.