Nhiều nguồn rác thải ảnh hưởng môi trường nuôi
Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận phát triển khá mạnh ngành nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm và cá biển như cá bớp, cá chim, cá mú…
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 222 bè nổi với 3.562 lồng nuôi tôm hùm và khoảng 800 lồng với 50 hộ nuôi cá biển, tập trung chủ yếu tại các khu vực C1, C2, Mỹ Tân, Cà Ná… sản lượng thương phẩm đạt hơn 11.000 tấn, tăng hơn 12% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, mặc dù vùng biển của tỉnh chủ yếu là biển hở, lượng bè nuôi còn thưa nhưng thời gian qua, môi trường tại các vùng nuôi bị suy giảm, dẫn đến việc nuôi trồng bị ảnh hưởng theo. Nguyên nhân chủ yếu do nước thải từ các ao nuôi tôm, ốc hương xả thải trực tiếp làm môi trường ngày càng ô nhiễm hữu cơ, giảm chất lượng nước ngầm và nước biển ven bờ.
“Lượng rác thải từ các tàu đánh cá và các lồng bè nuôi thủy sản không thu gom đúng nơi quy định. Đặc biệt, vào mùa gió Nam, lượng rác thải theo các dòng hải lưu dồn về rất nhiều và rác tại các cửa sông đổ ra khiến một lượng lớn rác thải bị tồn đọng tại các vùng nuôi, làm cho môi trường nước bị suy giảm”, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết.
Trước tình hình đó, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận đã kết hợp với chính quyền các địa phương vùng biển triển khai kế hoạch tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về công tác bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ vùng nuôi, hướng dẫn một số hộ nuôi có điều kiện áp dụng tiêu chuẩn GAP vào hoạt động nuôi tôm thương phẩm, hướng dẫn ghi chép nhật ký ao nuôi phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng thời, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cũng chú trọng công tác quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh tại các vùng nuôi tập trung của tỉnh, kịp thời đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo về tình hình dịch bệnh cũng như ô nhiễm môi trường.
“Chúng tôi triển khai công tác quan trắc cảnh báo môi trường định kỳ 1 lần/tháng, đột xuất hoặc tăng cường tại các vùng nuôi sản xuất tập trung và các khu vực nước thải”, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận nói.
Người nuôi là hạt nhân bảo vệ môi trường
Nhóm nuôi biển Đông Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận có 50 hộ với khoảng 600 ô lồng nuôi chủ yếu tôm hùm và cá biển. Thời gian qua, do người nuôi vứt rác bừa bãi trên biển, cùng với lượng rác thải từ nơi khác dồn về đã làm môi trường nước vùng nuôi ảnh hưởng.
Ông Phan Văn Hoa, Trưởng nhóm nuôi biển Đông Hải cho biết, trước đây bà con tại các bè nuôi xả rác từ túi đựng thức ăn và rác thải sinh hoạt trực tiếp xuống biển. Cùng với đó, lượng thức ăn cho tôm, cá ăn hàng ngày còn dư thừa nhưng không thu gom mà xả thẳng xuống đáy biển, điều này diễn ra trong thời gian dài khiến cho nguồn nước tại các bè nuôi bị suy giảm.
“Nguồn nước ô nhiễm làm cho việc thả giống của các hộ bị hao hụt nhiều, các cá thể nuôi thường xuyên mắc các loại bệnh như bệnh sữa, lở loét, mù mắt… dẫn đến năng suất thu hoạch không cao”, ông Hoa nói.
Để bảo vệ môi trường vùng nuôi, ông Hoa đã tuyên truyền, vận động bà con tại các bè nuôi thu gom rác thải, thức ăn dư thừa vào các thùng xốp và túi lưới mang vào bờ xử lý, tránh trường hợp xả thẳng xuống biển. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất với chính quyền địa phương tổ chức các ghe thu gom rác tại các bè nuôi.
Đến nay, bà con nhóm nuôi biển Đông Hải đã ý thức hơn trong việc thu gom rác đúng nơi quy định, giúp cho vùng nước nuôi được sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số người chưa có ý thức nên còn xảy ra tình trạng xả rác trực tiếp xuống biển, gây bức xúc cho các hộ nuôi khác.
Theo ông Hoa, việc bảo vệ môi trường vùng nuôi phải xuất phát từ ý thức của mỗi người nuôi. Việc người nuôi cùng nhau đồng hành sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng hơn đến với các hộ nuôi khác, vậy mới thành công được. Cùng với đó, cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền để nâng cao ý thức của người nuôi trong việc bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, nhờ việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường biển, đồng thời đưa ra những lợi ích mà việc bảo vệ môi trường mang lại, đến nay, ý thức của người dân đã được nâng cao, môi trường nước tại các vùng nuôi đã được cải thiện rõ rệt, năng suất thu hoạch cao hơn trước.