| Hotline: 0983.970.780

Kiểm ngư địa phương đang 'quá tải'

Thứ Ba 19/12/2023 , 20:11 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Tại thành phố Hải Phòng, phòng Kiểm ngư trực thuộc Chi cục Thủy sản được thành lập từ ngày 1/12/2022, đội ngũ biên chế có 8 người, 2 tàu kiểm ngư với 26 thuyền viên.

Lực lượng kiểm ngư Hải Phòng phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra 1 tàu cá ở Đồ Sơn. Ảnh: Đinh Mười.

Lực lượng kiểm ngư Hải Phòng phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra 1 tàu cá ở Đồ Sơn. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng có bờ biển dài khoảng 125km, là thành phố cảng, cửa chính ra biển, đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc và cả nước, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Đồng thời là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, có thị trường tiêu thụ và chế biến sản phẩm thủy sản lớn, nhiều cơ hội, tiềm năng mở rộng.

Hiện nay, thành phố Hải Phòng có 843 tàu cá đang còn hoạt động và đã được đăng ký trên hệ thống VnFishbase, trong đó tàu có chiều dài từ 6-12m có 309 chiếc, tàu từ 12-15m có 211 chiếc và tàu trên 15m có 325 chiếc.

Thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển về việc khẩn trương thành lập kiểm ngư địa phương để thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tại thành phố Hải Phòng, phòng Kiểm ngư trực thuộc Chi cục Thủy sản được thành lập từ ngày 1/12/2022, đội ngũ biên chế có 8 người, 2 tàu kiểm ngư với 26 thuyền viên.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng, sau khi thành lập, phòng Kiểm ngư đã tham mưu cho Chi cục Thủy sản thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC.

Bên cạnh đó, đã tham mưu cho Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi Cục Thủy sản, Cục Kiểm Ngư, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố ven biển hằng tuần.

Kiểm ngư ra hiệu kiểm tra 1 tàu cá ở Lập Lễ trước khi ra khơi. Ảnh: Đinh Mười.

Kiểm ngư ra hiệu kiểm tra 1 tàu cá ở Lập Lễ trước khi ra khơi. Ảnh: Đinh Mười.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng kiểm ngư đã kiên quyết phối hợp với cơ quan chức năng không cho tàu cá không đủ điều kiện rời cảng và thực hiện các biện pháp xử lý tàu không đủ điều kiện cập cảng theo quy định;

Bám sát các nhiệm vụ được giao lực lượng kiểm ngư thường xuyên cập nhật lên phần mềm cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính của Cục Thủy sản và rà soát tàu cá, thống nhất số liệu tàu cá trên phần mềm quản lý tàu cá VnFisbase về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản cũng như phần mềm giám sát;

Thường xuyên truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để xác định tàu cá khai thác bất hợp pháp, tàu cá có nguy cơ cao khai thác bất hợp pháp, đồng thời tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát để xử lý vi phạm trong thực hiện Luật Thủy sản và quy định về IUU.

Đồng thời rà soát, lập danh sách khoanh vùng đối tượng tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU như: chưa được cấp phép khai thác thủy sản, hết hạn đăng kiểm tàu cá, ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình, tàu cá vượt ranh giới trên biển theo quy định.

Ông Lê Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết, phòng Kiểm ngư có chức năng tham mưu giúp Chi cục trưởng thực hiện chức năng thực thi pháp luật trên biển và điều ước quốc tế khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó sẽ thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy, lực lượng kiểm ngư sẽ được phép truy đuổi, bắt, giữ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

Hải Phòng là một trong những địa phương có đội tàu khai thác xa bờ lớn ở phía Bắc. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng là một trong những địa phương có đội tàu khai thác xa bờ lớn ở phía Bắc. Ảnh: Đinh Mười.

Lực lượng kiểm ngư có nhiệm vụ hướng dẫn ngư dân và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thủy sản. Đồng thời, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

“Lực lượng kiểm ngư đã có từ lâu, những công chức phòng Kiểm ngư là những người đã làm trong lĩnh vực nhiều năm nên hiệu quả trong tham mưu, kiểm tra, xử lý vi phạm rất hiệu quả. Chỉ là thay đổi tên thôi chứ bản chất không thay đổi”, ông Kiên cho biết.

Cũng theo ông Kiên, bên cạnh những điểm nổi bật, hoạt động của lực lượng kiểm ngư địa phương cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập. Thứ nhất là quá ít người, lực lượng mới bổ sung thì mới tiếp cận về chuyên môn, chưa thể làm việc độc lập.

Bên cạnh đó, trong xử lý vi phạm, nếu như trước đây Chi cục Thủy sản được phép xử phạt thì từ tháng 7/2023, chức năng này không còn. Thay vào đó, phòng kiểm ngư sau khi tuần tra, kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản, hồ sơ xử phạt rồi chuyển sang Thanh tra Sở NN-PTNT để ra quyết định xử phạt. Điều này đôi khi gặp vướng mắc, chậm trễ do quy trình thủ tục, ảnh hưởng đến việc xử lý vi phạm.

“Chỉ có 8 anh em nhưng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, vừa trực giám sát hành trình, vừa đi tàu đi biển xử lí vi phạm rồi phải xử lý mất kết nối ở bờ. Trong xử lý vi phạm, trước đây rất chủ động nhưng nay hoàn toàn bị động”, ông Kiên chia sẻ thêm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hải Phòng đã xử lý 146 vụ vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm tàu cá với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, Thanh tra Sở NN-PTNT xử lý 46 vụ với số tiền xử phạt là 541,5 triệu đồng đồng, Chi cục Thủy sản xử lý 20 vụ với số tiền 327 triệu đồng, lực lượng Biên phòng và các địa phương xử lý 80 vụ với số tiền 927,8 triệu đồng. Trong số 146 vụ vi phạm hành chính đã xử lý, có 19 trường hợp liên quan đến xử phạt tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình với tổng số tiền 465 triệu đồng.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.