5 năm, xử lý gần 100 vụ vi phạm Luật Thủy sản
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT về việc triển khai các giải pháp thực thi pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh.
Theo đó, lực lượng kiểm ngư tỉnh Hà Tĩnh (phòng Kiểm ngư, Thanh tra và Pháp chế) là một bộ phận thuộc Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), thực hiện các nhiệm vụ chính như: Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định của Luật Thủy sản; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển Hà Tĩnh; thanh tra, kiểm soát phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên sông và cảng cá, bến cá; phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan, các địa phương kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh; giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đặc biệt, tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống khai thác IUU...
Đến tháng 12/2023, 90/90 tàu cá Hà Tĩnh đang khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị VMS; còn 3 tàu hư hỏng, nằm bờ, các chủ tàu cá đã có cam kết bằng văn bản sẽ lắp đặt thiết bị VMS trước khi hoạt động trở lại.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, hậu kiện toàn, lực lượng kiểm ngư đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tuần tra, kiểm tra, xử lý hàng trăm vụ việc vi phạm các quy định về hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, 11 tháng năm 2023, phát hiện và xử lý 47 vụ/50 tàu cá vi phạm IUU, xử phạt hành chính số tiền 675 triệu đồng.
Riêng lực lượng kiểm ngư, trong thời gian hơn 5 năm (2018 – 2023), mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh thiếu người, thiếu công cụ hỗ trợ, chưa có chế độ chính sách; tàu kiểm ngư cũ kỹ, xuống cấp, hư hỏng nặng, hoạt động hạn chế nhưng sự chủ động, nhạy bén khắc phục khó khăn đã giúp lực lượng này hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trực tiếp phát hiện, xử lý gần 100 vụ việc tàu cá vi phạm.
“Phải nói rằng, sự hiện diện của lực lượng kiểm ngư nói riêng, cơ quan chức năng nói chung trên biển những năm gần đây đã góp phần tạo sự yên tâm cho ngư dân vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồng thời, cảnh báo, răn đe đối với những tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU”, ông Hoàng nói.
Ghi nhận đến thời điểm này, không có tàu cá, ngư dân nào của tỉnh Hà Tĩnh vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài; chưa phát hiện các đường dây, tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, trong tổng 2.723 tàu cá toàn tỉnh đã đăng ký thì có đến 2.227 chiếc có chiều dài nhỏ hơn 12m (chiếm hơn 81% tổng số tàu), làm nghề lưới rê và nghề câu hoạt động vùng biển ven bờ trong tỉnh. Đây là đội tàu có tỷ lệ đăng kiểm thấp.
Nguyên nhân do trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đăng kiểm được thành lập theo quy định; một số tàu cá đã thực hiện công tác đăng kiểm tại tỉnh bạn hoặc các Trung tâm đăng kiểm tư nhân nhưng lại chưa được cập nhật dữ liệu lên hệ thống VnFishbase. Ngoài ra, nhiều tàu cá tại các vùng biển bãi ngang không đi qua cửa lạch do Bộ đội Biên phòng kiểm soát nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn.
Xử lý dứt điểm nhóm tàu cá “3 không”
Song hành với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên biển, để chung tay cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” EC, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các tàu cá trên địa bàn để nắm chắc thực trạng: Từ số lượng tàu; tàu cá đã hoặc chưa đăng ký, hết hạn đăng kiểm, giấy phép; tàu cá đã chuyển nhượng, mua bán, xóa đăng ký; tàu cá hoạt động ngoại tỉnh; tàu chưa lắp thiết bị VMS...
Trên cơ sở đó, phối hợp các lực lượng chức năng xây dựng giải pháp mạnh để quản lý chặt và xử lý dứt điểm nhóm tàu cá “3 không” (không đăng ký tàu cá, không giấy phép khai thác thủy sản, không đăng kiểm tàu cá) và tàu cá vi phạm mất kết nối VMS.
Đối với công tác truy xuất nguồn gốc hải sản, trách nhiệm chính giao cho Ban quản lý các cảng cá thực hiện. Theo đó, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước.
“Không chỉ sở ngành và các lực lượng Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển quyết liệt, chính quyền các huyện, thị xã ven biển gồm: Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh cũng phải vào cuộc mạnh mẽ.
Trước mắt, khẩn trương rà soát các vướng mắc, lập danh sách, giám sát chặt chẽ tàu cá không tham gia khai thác thủy sản, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; đồng thời, chỉ đạo cấp xã nắm rõ hiện trạng các tàu này, nguyên nhân vì sao và đang neo đậu ở đâu để phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, giám sát cũng như quản lý”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhấn mạnh trong một cuộc họp triển khai các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU mới đây.