| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nông nghiệp hàng hóa để xây dựng nông thôn mới

Thứ Bảy 24/12/2022 , 18:44 (GMT+7)

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật… từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Người dân Bát Xát (Lào Cai) sản xuất miến nhờ vùng nguyên liệu dồi dào tại địa phương. Ảnh: Lưu Liên

Người dân Bát Xát (Lào Cai) sản xuất miến nhờ vùng nguyên liệu dồi dào tại địa phương. Ảnh: Lưu Liên

Làm giàu trên mảnh đất quê hương 

Tại các xã Cốc Mỳ, A Lù, Dền Thàng, Y Tý là những nơi có diện tích lớn trồng dong riềng đỏ, khoai sâm Hoàng Sin Cô… của huyện Bát Xát (Lào Cai). Trước nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, bà Cồ Thị Hiền ở thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo (huyện Bát Xát) khôi phục nghề truyền thống làm miến dong, miến đao… để phát triển kinh tế gia đình thay vì trồng ngô, lúa quanh năm cũng chỉ đủ ăn.

Từ số vốn ít ỏi, năm 2017, cơ sở sản xuất miến dong, miến sâm của gia đình bà đi vào hoạt động. Trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất được 4- 5 tấn miến khô, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập từ 80-90 triệu đồng/năm. 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do kinh nghiệm sản xuất chưa có, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, sản phẩm chưa có thương hiệu vì vậy mặc dù đã gặt hái những thành quả bước đầu nhưng hiệu quả chưa cao. Tuy nhiên, bà và cùng chồng đã đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm kết hợp với sản xuất thực tế nên dần dần sản phẩm đã ổn định chất lượng, và trở thành đặc sản của địa phương.

Tới năm 2021, gia đình bà đã nâng cấp từ cơ sở sản xuất  thành Hợp tác xã miến dong Hưng Hiền. Gia đình bà đã mở rộng quy mô sản xuất, sản lượng hằng năm đạt 12 tấn, trừ chi phí bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 240 - 250 triệu đồng/năm.

Sản phẩm miến dong, miến sâm của gia bà đã tới được nhiều các tỉnh phía Bắc, thậm chí thâm nhập vào cả thị trường phía Nam. Qua đó, tạo công ăn việc làm ổn định cuộc sống cho 5 lao động thường xuyên, 10 lao động thời vụ với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. 

Cuộc sống của gia đình bà từ ngày mạnh dạn phát triển cơ sở sản xuất ngày càng được nâng cao, không còn lo lắng cảnh chạy ăn từng bữa như trước đây. Tuy nhiên, không chỉ lo cho việcphát triển kinh tế gia đình, bà Cồ Thị Hiền còn còn giúp những phụ nữ nghèo trong xã có hoàn cảnh khó khăn, vay vốn không lấy lãi để có cơ hội gia tăng thu nhập, cải thiện kinh tế của gia đình họ…

Chú trọng nông nghiệp hàng hóa 

Từ việc hình thành các vùng nguyên liệu, sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao… đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Trong khi đó, việc nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn huyện Bát Xát bình quân đạt 14,56%, vượt 161,78% kế hoạch. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,2 triệu đồng/người/năm, đạt 107,24% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người của huyện vùng cao này ước đạt 32,6 triệu đồng. 

Giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ước đạt 76 triệu đồng/ha, đạt 100% kế hoạch. Lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo trong năm đạt 8,29%, đạt 150,73% kế hoạch tỉnh Lào Cai giao. Tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định, đường biên, mốc giới được giữ vững…

Theo ông Nguyễn Quang Bình, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát (Lào Cai) từ những mô hình hay, cách làm hiệu quả cần nhân rộng triển khai; đánh giá sâu hơn, bổ sung cụ thể hơn vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2023 để có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế tạo điểm nghẽn cho sự phát triển của huyện, nhằm phát huy lợi thế, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Còn ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy Bát Xát (Lào Cai) cho rằng, 5 nhóm nhiệm vụ cần tập trung thực hiện năm 2023 trong đó tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, một phần công nghệ cao; duy trì và xây dựng mới các sản phẩm OCOP. 

Tập trung các giải pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, phát huy hiệu quả, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình: Xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân.

Giải quyết vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, tăng thu ngân sách, tạo nguồn lực tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; phấn đấu thực hiện vượt các chỉ kế hoạch tỉnh giao…

Ngoài ra, cần đẩy mạnh các giải pháp khôi phục và thúc đẩy phát triển du lịch; khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu riêng của Bát Xát…phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.