| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở ảnh hưởng hàng chục ha đất sản xuất ở Bát Xát

Thứ Hai 26/09/2022 , 12:38 (GMT+7)

Mưa lũ gây sạt lở đất đá không chỉ làm ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con vùng cao mà nhiều diện tích canh tác, công trình thủy lợi bị hư hại.

Nguy cơ hàng chục ha lúa thiếu nước

Mới đây, ngày 21/9/2022, tuyến giao thông huyết mạch tỉnh lộ 156B đoạn qua xã Bản Vược (huyện Bát Xát, Lào Cai) bất ngờ xuất hiện vết nứt lớn và sạt trượt, đổ hàng trăm mét khối đất đá ra đường. Rất may, khi sự việc xảy ra không có thiệt hại về người, một phần do đoạn đường này đang thi công, sửa chữa…

Theo UBND xã Bản Vược, những ngày qua trên địa bàn xã có mưa lớn và đó là một trong những tác nhân gây sạt lở tuyến đường tỉnh lộ 156B đoạn Km0+500. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là vụ sạt trượt đã ảnh hướng đến tuyến mương thủy lợi cấp nước trên địa bàn xã.

Cụ thể, vị trí sạt ta luy dương đoạn km0+500 của tỉnh lộ 156B đã khiến khoảng 600m3 đất đá tràn ra đường. Hiện nay xuất hiện vết nứt phía trên đỉnh đồi có chiều dài khoảng 100m; từ mái ta luy đường vào vết nứt chỗ cao nhất khoảng 70m; lún sâu so với hiện trạng khoảng 2 m; với diện tích vết nứt trên 4.000m2; ước khoảng khoảng gần 30.000m3 đất đá…

Đoạn sạt trượt làm đứt gãy mương thủy lợi dài khoảng 100m ảnh hưởng đến mương dẫn nước tưới tiêu cho khoảng 65ha ruộng lúa hiện đang trong thời kỳ đứng cái làm đòng. Do đó, việc cấp nước cho diện tích lúa trên cần được khắc phục ngay.

Sạt lở cũng làm ảnh hưởng 2,4ha ao nuôi trồng thủy sản của các hộ dân ở thôn 1, thôn 2 và thôn 3 của xã Bản Vược.

Theo ông Ngô Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND xã Bản Vược cho biết, phần sạt trượt nằm trên diện tích đất rừng sản xuất của 2 hộ dân. Sau khi xảy ra sạt trượt, UBND xã phối hợp cùng đơn vị thi công rào khu vực nguy hiểm, đạt biển cảnh báo nơi nguy cơ sạt lở cao và mở đường tránh cho các phương tiện giao thông đi qua.

Đối với tuyến mương thủy lợi để đảm bảo nước tưới tiêu cho diện tích lúa 65ha và 2,4ha ao nuôi trồng thủy sản của người dân, xã đã đề nghị UBND huyện chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện sớm khắc phục đoạn mương hư hỏng bằng đường ống, tạm thời dẫn nước về cho nhân dân canh tác, nuôi cá.

satlo-175021_78

Sạt lở cuối tháng 6/2022 làm hơn 100 hộ ở 2 thôn Sim San và Hồng Ngài của xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) bị cô lập gần 1 tuần. Ảnh: T.L

Giảm thiểu thiệt hại, khắc phục hậu quả thiên tai

Theo Phòng NN-PTNT huyện Bát Xát (Lào Cai), từ đầu năm tới nay, thời tiết diễn biến thất thường, thiên tại ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và công trình thủy lợi, giao thông trên địa bàn. Đặc biệt là đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa từ ngày 19-24/2/2022, nhiệt độ một số khu vực phổ biến từ 7-9 độ C, vùng núi cao như xã Ý Tý nhiệt độ giảm sâu dưới 0 độ C, xảy ra mưa tuyết… và 6 đợt mưa dông gây thiệt hại không nhỏ. Ước thiệt hại 8 tháng đầu năm do thiên tai trên địa bàn huyện khoảng trên 10 tỷ đồng.

Theo ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng NN-PTNT, Phó Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bát Xát, để giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng khắc phục hậu qua mưa lũ, thiên tai... Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bát Xát phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban; xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phương án phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro...

Khi có thông tin về các cơn bão và tình huống rủi ro thiên tai, UBND huyện Bát Xát đã ban hành các công điện và văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống mưa lũ và sạt lở đất trên địa bàn huyện; tổ chức phân công các thành viên trực 24/24 giờ từ huyện tới xã phường.

Chủ động thông báo và tổ chức lực lượng buộc di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn trước trước khi có thiên tai xảy ra. Có biện pháp cương quyết đối với các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao thực hiện di chuyển đến nơi an toàn.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bát Xát chuyển các bản tin cảnh báo mưa, dông của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy tỉnh đến các xã để kịp thời cảnh báo; Thực hiện gửi tin nhắn (SMS) đến tất cả cán bộ trong Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, đến tất cả các trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn…

Chỉ đạo, tuyên truyên nhân dân chủ động phương án phòng, chống và các biện pháp như: Neo chống nhà cửa, nạo vét hệ thống thuỷ lợi, rãnh đường giao thông tránh tình trạng bị ngập úng, ách tắc đường giao thông, bảo vệ các công trình công cộng (trụ sở UBND xã, trường học, trạm Y tế...), vật tư thiết bị của Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ".

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.