Phát triển nông nghiệp bền vững
Ông Hưng cho rằng, phát triển nông nghiệp không nằm ngoài mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống cho nông dân.
Theo báo cáo tại Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 vừa diễn ra ngày 18/6, địa phương này tiếp tục thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia lớn gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM thời gian qua.
Ông Hưng cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM như nông nghiệp phát triển chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ; dự báo cung cầu, thị trường còn hạn chế... Chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao; sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, manh mún, nhỏ lẻ chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị…
Theo ông Hưng, trong thời gian tới, Thanh Hóa tập trung hỗ trợ những nội dung, hạng mục quan trọng, thực sự cần thiết, có tình chất “đòn bẩy” để tạo động lực phát triển sản xuất, thu hút đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, XDNTM, thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm…
Thanh Hóa cũng sẽ tăng cường thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khu vực miền núi để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm tính bền vững trong XDNTM và giảm nghèo.
Ông Hưng khẳng định: “Đối với Thanh Hóa cần thống nhất nhận thức là, nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn giữ vai trò quan trọng, là trụ đỡ, là nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, hoạt động phát triển nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống cho nông dân. Người nông dân phải là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp phải là động lực cho sự phát triển của tỉnh”.
Thực hiện và duy trì mục tiêu kép trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp
Theo báo cáo, mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm, các địa phương đã tăng cường, đẩy mạnh việc thực hiện phát triển sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Toàn tỉnh có khoảng 890 doanh nghiệp, 645 HTX đầu tư, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất lúa giống, chế biến nông, lâm sản, cơ giới hóa đồng bộ, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ước 6 tháng đầu năm 2021, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 43,8 triệu đồng, khu vực nông thôn đạt trên 40 triệu đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm được duy trì ở mức cao và đạt 93,6%. Các địa phương trong tỉnh đã đầu tư XDNTM, nâng cấp cải tạo 426,997 km đường giao thông nông thôn, 481 công trình thủy lợi, 214,736 km kênh mương, 544 phòng học các cấp.
Các địa phương cũng đã rà soát và đăng ký 120 sản phẩm có lợi thế để nuôi dưỡng, phát triển và đánh giá theo chu trình OCOP năm 2021…
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Thanh Hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã tổ chức rất thành công Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; triển khai thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.