| Hotline: 0983.970.780

Phát triển rừng, đụng đâu vướng đó

Thứ Ba 07/02/2023 , 18:22 (GMT+7)

Rất nhiều những khó khăn, vướng mắc trong phát triển rừng ở Kon Tum đã được Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác tháo gỡ, đồng thời gợi mở hướng đi mới.

Trụ sở UBND huyện cũng nằm trong quy hoạch đất rừng

Ngày 7/2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã làm việc về tình hình phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản và nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đã báo cáo kết quả về phát triển nông lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển rừng, những vấn đề thuê rừng và thuê môi trường rừng.

Theo đó, đất lâm nghiệp có rừng của Kon Tum hơn 610 nghìn ha, chưa có rừng gần 170 nghìn ha, đất lâm nghiệp khác hơn 364 ha, độ che phủ rừng 63,12%. Đặc biệt, Kon Tum có điều kiện đặc trưng riêng để phát triển cây dược liệu quý và đặc hữu như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, lan kim tuyến…

IMG_9901

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở những ý tưởng phát triển kinh tế dưới tán rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, trong quá trình phát triển rừng cũng gặp những khó khăn, vướng mắc rất cần được tháo gỡ.

Từ đó, UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm có ý kiến thẩm định về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum có lợi thế tài nguyên rừng lớn, là nơi rất phù hợp để phát triển dược liệu dưới tán rừng, trong đó có sâm Ngọc Linh. Diện tích rừng phù hợp với phát triển sâm Ngọc Linh nằm chủ yếu ở vùng núi Ngọc Linh được quy định là rừng đặc dụng, phòng hộ. Do đó, khi triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc về quy định của Luật Lâm nghiệp.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, xem xét bổ sung đối tượng rừng được cho thuê là rừng phòng hộ và đặc dụng để phát triển triển các nhóm ngành nghề có lợi thế dưới tán rừng.

Về chính sách, chưa có quy định hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ đang giao cho các công ty lâm nghiệp. Do đó, các công ty lâm nghiệp không có nguồn kinh phí để quản lý, bảo vệ đối với diện tích rừng phòng hộ.

IMG_9892

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, chia sẻ những khó khăn trong phát triển rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong khi đó, nhìn thực tế từ góc độ địa phương, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, nhiều diện tích đất người dân được cấp quyền sử dụng đất từ năm 2002 trở về trước là đất nông nghiệp, tuy nhiên trong rà soát quy hoạch thì đó thuộc đất rừng. Thậm chí ngay cả trụ sở UBND huyện cũng nằm trong quy hoạch đất rừng, chỉ 1 phần nhỏ là quy hoạch đất khác. Chính vì vậy, những thế hệ sau này khi đầu tư vào huyện, kể cả các công trình cũng bị dính quy hoạch đất rừng.

Về vấn đề thuê môi trường rừng, ông Mạnh cho biết, việc quản lý bảo vệ rừng, nhiều cơ chế, chính sách bất cập cần sớm thay đổi đối với đội ngũ quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể, rừng thì rộng mênh mông, trong khi đội ngũ quản lý bảo vệ rừng thì rất ít, lương thì lại thấp mà quản lý diện tích rừng rộng lớn, địa bàn nhiều khó khăn. Trong khi để mất rừng thì trách nhiệm thuộc về đội ngũ quản lý bảo vệ rừng.

Ngoài ra, chế độ an sinh cho người dân bảo vệ rừng còn hạn chế. Trung bình 1 người dân nhận khoán 1ha rừng được từ 600-800 nghìn đồng trong 1 năm, như vậy là quá thấp. Trong khi chính sách được hưởng từ lâm sản trong rừng cũng chưa rõ ràng.

Cũng theo ông Mạnh, trong những năm vừa qua, huyện thực hiện chủ trương trồng gần 800ha rừng nhưng bị chết rất nhiều. Bởi, hỗ trợ cho người trồng rừng chỉ 10 triệu đồng/ha và 3 năm phải thành rừng. Như vậy liệu người dân có đánh đổi để bỏ cây khoai mì chuyển qua trồng rừng và 15 năm sau mới được hưởng từ cây rừng?

z4091199583175_114ee97b8ca2077e18dba801b1bbc460

Vấn đề trồng rừng ở Kon Tum đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô (huyện Đăk Tô) cho biết, vấn đề chuyển đổi lâm nghiệp sang mục đích khác đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, những trạm quản lý bảo vệ rừng xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng đến bây giờ vẫn không thể chuyển đổi mục đích sử dụng để xác định tài sản trên đất được.

“Không riêng tỉnh Kon Tum mà nhiều tỉnh khác cũng đang vướng vấn đề chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất khác, vì vậy cần phải có thời hạn nhất định để tháo gỡ", ông Trung nêu ý kiến.

Suy ngẫm về những cơ hội chưa nhìn thấy

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay chính sách quản lý bảo vệ rừng áp dụng cho người dân là 400 nghìn đồng/ha/năm, như vậy là rất thấp. Vấn đề này, ngành lâm nghiệp cũng đã kiến nghị với Chính phủ để tăng khoản hỗ trợ này cao hơn. Tuy nhiên, việc tăng mức hỗ trợ cần phải có quá trình nên trước mắt cần phải khai thác giá trị từ rừng.

Về vấn đề lớn nhất là liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, ông Bảo cho biết, liên quan đến các dự án đầu tư công, không chỉ riêng tỉnh Kon Tum mà cả Bộ NN-PTNT thực hiện các công trình cũng đang vướng mắc về cơ chế chính sách của thời kỳ trước.

“Hiện Tổng cục Lâm nghiệp đã tiếp thu toàn bộ ý kiến của các Bộ, ngành và đã được tổng hợp báo cáo gửi lại.  Hy vọng, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia sớm được phê duyệt sẽ giải quyết dứt điểm việc xem xét thể nào là phù hợp hay không phù hợp với quy hoạch”, ông Bảo thông tin.

Cũng theo ông Bảo, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đang kiến nghị, đối với những dự án đầu tư công đã được Quốc hội, Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thì không phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chỉ thực hiện trồng rừng thay thế. Bộ NN-PTNT cũng đang kiên trì thuyết phục, giải trình, tuy nhiên cũng mong tiếng nói của các địa phương để nghị định này được thông qua.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, chúng ta đi đến địa phương không phải để giải quyết những cái được hay không được, cho hay không cho bằng các thể chế. Thay vào đó, chúng ta cùng các địa phương suy ngẫm hơn về những cơ hội chưa nhìn thấy.

Chính vì vậy, phải tư duy lại, phát huy hết những gì mình có. Như ở Kon Tum, hiện chưa cho phép trồng dược liệu ở rừng đặc dụng, vậy rừng phòng hộ đã phát huy hết chưa? Chính vì vậy hãy làm trước những gì mình có trong khi chờ đợi chính sách.

IMG_9863

Kon Tum có nhiều lợi thế về phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Ảnh: Tuấn Anh.

“Chúng ta cần nhìn nền nông nghiệp bằng tư duy kinh tế và hãy nhìn nền kinh tế bằng tư duy tích hợp. Từ trước tới nay chúng ta chỉ quan tâm đến sản xuất trong khi những giá trị từ chế biến, dịch dụ thương mại, thị trường mới thực sự quan trọng”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng cũng cho biết, vấn đề phát triển dược liệu dưới tán rừng, trong đó có sâm Ngọc Linh, chúng ta chưa luận chứng được, nếu cho phép phát triển thì có thể tạo ra được bao nhiêu công ăn việc làm cho bà con.

"Để thay đổi thể chế, đủ sức thuyết phục, Kon Tum chứng minh được rằng sâm Ngọc Linh hay dược liệu được trồng dưới tán rừng sẽ đổi đời cho bà con để khi đó Trung ương và các Bộ ngành vào cuộc. Nhưng cần phải hiểu rằng, trồng dược liệu dưới tán rừng cũng có nhiều rủi ro, làm thay đổi chất đất, gây ra sự xói mòn, mất đi những đa dạng sinh học, rồi người dân vào phá rừng… Chính vì vậy chúng ta cần phải có những nghiên cứu khoa học đảm bảo việc trồng dược liệu dưới tán rừng không gây ra những xung đột”, Bộ trưởng khẳng định.

Từ so sánh việc phát triển rừng của Phần Lan, Bộ trưởng cho biết, khi chúng ta nhìn được giá trị rừng càng lớn thì sẽ quyết tâm đeo bám, ngược lại thấy nhỏ quá sẽ bỏ qua. Từ đó, Bộ trưởng đã gợi ý cho Kon Tum xem đã đã bỏ qua những cái nhỏ, biết đâu lại trở thành cơ hội phát triển.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề chi ngân sách cho lực lược bảo vệ rừng khoảng 400 nghìn không đủ sống, dẫn đến bỏ việc. Vậy tăng lên 1 triệu đồng, họ có bỏ việc không? Quan trọng không phải là tiền mà phải tạo ra nhiều công ăn việc làm từ dịch vụ rừng, sinh kế dưới tán rừng để cùng quản lý, cùng sinh lợi thì mới thành công.

Xem thêm
Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất