| Hotline: 0983.970.780

Phát triển trang trại và định hướng đi lên HTX của Hà Nội

Thứ Năm 02/12/2021 , 08:28 (GMT+7)

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT Hà Nội, tính đến hết năm 2020, thành phố có 1.558 trang trại theo tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp - PTNT

Chúng cho tổng doanh thu 6.785 tỷ đồng (bình quân 4,355 tỷ đồng/trang trại/năm), ngoài ra thành phố còn có 10.000 gia trại. Giữa thời dịch Covid 19 hoành hành, nhiều ngành kinh tế bị đình đốn thì nông nghiệp vẫn thể hiện được vai trò là trụ đỡ cho xã hội, trong đó có công đóng góp của các chủ trang trại. Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội phân tích thêm, đối với trang trại chăn nuôi đạt doanh thu trung bình 2,369 tỷ đồng/năm; tổng hợp đạt  2,834 tỷ đồng/năm; trồng trọt đạt 2,064 tỷ đồng/năm...Bước đầu kinh tế trang trại đã phát huy được hiệu quả khi sử dụng đất, nước, tạo nhiều sản phẩm cho xã hội cũng như việc làm cho nông thôn.

Hiệu quả là đã khá rõ tuy nhiên kinh tế trang trại vẫn còn gặp một số khó khăn như vốn, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ, sản lượng chưa đi cùng với chất lượng, chưa chú trọng đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, việc liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ còn hạn chế...

Trang trại nuôi gà đẻ ở xã Liên Châu. Ảnh: NNVN.

Trang trại nuôi gà đẻ ở xã Liên Châu. Ảnh: NNVN.

Anh Lê Văn Trẻo người có trang trại nuôi 4.000 vịt đẻ, 10 ha ao cá ở xã Liên Châu huyện Thanh Oai ví von: “Người chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi hiện nay như những con kiến còn các tập đoàn, công ty thương mại như những con voi, hợp tác với họ rất khó. Dù đã có thương hiệu, nhãn mác nhưng khi đóng gói như thế sẽ đội giá mỗi quả trứng lên 200 đồng, trong khi đó xuất hàng vào siêu thị họ không chốt giá, không chốt số lượng, không làm hợp đồng mà chỉ là ký gửi, không bán được sẽ trả lại, thiệt hại chỉ ở phía người sản xuất.

Quả trứng mình sản xuất ra chất lượng trong khi nhiều người tiêu dùng cứ thấy rẻ là mua không cần quan tâm đến việc chúng có an toàn hay không. Cái mà chúng tôi cần  bây giờ là có doanh nghiệp đến ký hợp đồng bao tiêu ổn định theo thời hạn cỡ 6 tháng, 1 năm để có thể yên tâm sản xuất”. Cũng theo anh Trẻo những chủ trang trại rất cần mặt bằng đất ổn định. Như trước đây, đất sản xuất thuê của xã hợp đồng ký 5 năm/lần nhưng hiện nay chỉ được 1 năm/lần, đã thế giá lại cao tới 1 triệu đồng/sào/năm nên họ không dám đầu tư bài bản về lâu về dài.

Còn ông Hoàng Như Dã, giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Châu Mai của xã Liên Châu thì cho hay đơn vị có 78 thành viên nuôi 30 ha cá, 800.000 vịt đẻ, 200.000 gà đẻ, mỗi năm cần tiêu thụ cả triệu quả trứng các loại, 350-400 tấn cá thịt nhưng vẫn chủ yếu là bán cho tư tương, dù chất lượng cao hơn mà giá chỉ ngang với hàng chợ. Hơn thế, giá cả lên xuống hàng ngày, có nhiều đợt hàng tồn bị ép giá bao nhiêu cũng phải chịu bởi trứng không bán được, để quá ngày phải đổ bỏ.

Một trang trại chăn nuôi lợn ở Ứng Hòa. Ảnh: NNVN.

Một trang trại chăn nuôi lợn ở Ứng Hòa. Ảnh: NNVN.

Trong thời gian tới, huyện Thanh Oai xác định vẫn phải tiếp tục lồng ghép các chương trình hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật để tiếp sức cho các trang trại đồng thời giúp họ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tham gia vào chương trình OCOP để nâng cao giá trị. Ở tầm vĩ mô hơn, Sở Nông nghiệp-  PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ban ngành liên quan cùng các địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 có từ 100 trang trại trở lên ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của trang trại chiếm 70%. Thí điểm thực hiện 15 trang trại chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.

Những giải pháp mà sở đề ra là tư vấn, hướng dẫn, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi, phát triển chuỗi liên kết từ nông trại đến bàn ăn, đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu gắn với mã QR code để tiện truy xuất nguồn gốc. Trong quá trình đó, sở khuyến khích các trang trại làm ăn hiệu quả phát triển thành hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Về vấn đề thời hạn sử dụng đất quá ngắn nên các chủ trang trại không yên tâm đầu tư sản xuất, sở kiến nghị thành phố cho phép các địa phương được gia hạn khi hết thời hạn thuê quyền sử dụng đất với điều kiện làm ăn hiệu quả và tuân thủ đúng quy định sử dụng đất.

Những biện pháp hỗ trợ trên chỉ là nền móng cho phát triển trang trại còn cái chính vẫn là chủ nhân của chúng phải đổi mới tư duy, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đáp ứng các nhu cầu mỗi lúc một khắt khe hơn của thị trường. Có làm được như thế thì trang trại của Hà Nội mới phát triển được vững bền không chỉ theo chiều rộng mà còn cả theo chiều sâu.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.