| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ nông dân chuyển từ chăn nuôi nông hộ sang trang trại

Thứ Năm 11/11/2021 , 11:26 (GMT+7)

Để phục hồi, phát triển chăn nuôi trên địa bàn, ngành nông nghiệp TP. HCM đang thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có chuyển từ chăn nuôi nông hộ sang trang trại.

Chăn nuôi heo quy mô trang trại ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Sơn Trang.

Chăn nuôi heo quy mô trang trại ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong những tháng qua đã làm thay đổi hoàn toàn chuỗi cung - cầu sản phẩm chăn nuôi trên thị trường. 5 tháng đầu năm 2021, mỗi ngày tành phố có nhu cầu khoảng 750 tấn thịt heo (riêng khả năng cung ứng của các đơn vị sản xuất trên địa bàn là khoảng 85 tấn, chiếm 11,3%).

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ tháng 6-9/2021, lượng tiêu thụ giảm từ 40-50% có lúc chỉ khoảng hơn 1.000 con (110 tấn thịt heo). Các doanh nghiệp thu mua, giết mổ heo bị đội chi phí do ảnh hưởng dịch bệnh nên trong thời điểm giá heo hơi xuống thấp giá thịt vẫn ở mức cao. Ngoài ra, dịch bệnh cũng làm thu nhập và sức tiêu thụ của người dân giảm mạnh.

Đến cuối tháng 10, chăn nuôi heo ở TP. HCM vẫn chưa phục hồi, do người chăn nuôi vẫn còn e ngại tái đàn khi giá con giống, thức ăn chăn nuôi ... vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, là các nguyên nhân như sản lượng thịt heo đông lạnh nhập khẩu tăng và tác động dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm thịt các loại vẫn còn thấp.

Tuy nhiên, chăn nuôi heo trên địa bàn TP. HCM trong năm nay vẫn có những điểm sáng, nhất là xu hướng chuyển từ chăn nuôi nông hộ sang trang trại, tăng quy mô đàn.

Cụ thể, về chăn nuôi nông hộ, số hộ giảm gần 5%, trong khi quy mô đàn tăng trên 27%. Về quy mô trang trại tăng trên 14% số trang trại và tăng tới 40% tổng đàn. Ngược lại, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh ở nhiều quận, huyện, chăn nuôi bò có xu hướng giảm trên tất cả các quy mô.

Trước những thực tế đó, để phục hồi chăn nuôi heo nói riêng và chăn nuôi nói chung, trong những tháng cuối năm nay và năm 2022, Ngành nông nghiệp TP.HCM tập trung giữ ổn định đàn heo bố mẹ ở mức 165.000 - 170.000 con. Trong đó, đàn heo ứng dụng công nghệ cao đạt 50% tổng đàn, đàn giống đạt 20.000 con, duy trì đàn bò sữa 63.000 - 65.000 con (đàn bò sữa ứng dụng công nghệ cao đạt 60% tổng đàn); phát triển đàn bò thịt đạt 54.000 con.

TP. HCM cũng triển khai chương trình kích cầu đầu tư trên địa bàn, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp. Khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất giống. Chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ thành chăn nuôi quy mô trang trại nhỏ và vừa. Chuyển đổi chăn nuôi từ chuồng hở sang chuồng kín. Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi tại 7 tỉnh thuộc vùng TP. HCM.

TP. HCM cũng tập trung Bản đồ số hóa quản lý chăn nuôi và dịch bệnh động vật trên địa bàn, xây dựng chuyển đổi số vào nhóm sản phẩm chủ lực bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), nhằm đẩy mạnh thực hiện các chương trình trọng điểm của ngành giai đoạn 2021-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp, góp phần thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, xây dựng đô thị thông minh.

Xây dựng Hợp tác xã trong chăn nuôi, tham gia xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thủy sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu, cung ứng cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm tạo sự phát triển ổn định và bền vững.

Đặc biệt, TP. HCM sẽ tập trung thực hiện các nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và tiêu dùng, ổn định sản xuất. Trong đó, tập trung kiểm soát hạ giá thành, chi phí trung gian để thúc đẩy chăn nuôi; tăng cường quản lý giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống…vận động tái đàn, đảm bảo cân bằng cung cấp, trong đó tập trung sản phẩm trong nước, giảm sản phẩm nhập khẩu.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.