Ngay cả khi đã 82 tuổi, Gene vẫn không ngừng chia sẻ những mong muốn được nhìn thấy nhân loại tiếp tục thám hiểm không gian, tìm ra những hành tinh mới. Ông cũng khuyến khích các nhà lãnh đạo của đất nước tiếp tục gửi những người trẻ tuổi tới Mặt Trăng để làm tiếp công việc của mình.
"Tôi không muốn mình là người cuối cùng từng bước đi trên Mặt Trăng", gia đình Cernan trích lời cuối của ông trong một thông báo.
Gene Cernan từng là một biểu tượng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), dù không phải người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Ông được chấp nhận vào chương trình du hành vũ trụ năm 1963, và trở thành một trong 2 người Mỹ đầu tiên đạt được ước mơ "lơ lửng trong điều kiện không trọng lực" khi thực hiện nhiệm vụ Gemini 9 diễn ra vào năm 1966.
Cernan cũng là một thành viên quan trọng trong nhiệm vụ Apollo 10 với vai trò là bước chuẩn bị cho nhiệm vụ hạ cánh lên Mặt Trăng Apollo 11. Mùa xuân năm 1969, Gene Cernan cùng cộng sự của mình là Tom Stafford đã thử nghiệm khả năng kiểm soát và lực đẩy của các mô-đun tàu vũ trụ trong điều kiện không trọng lực.
Để rồi sau đó vào ngày 20/6/1969, Neil Armstrong và Buzz Ald đã ngồi trên các mô-đun này và hạ cánh an toàn xuống bề mặt Mặt Trăng - đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử loài người.
Mặc dù không phải người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, nhưng Gene Cernan vẫn đang làm nên lịch sử khi là người cuối cùng (tính đến thời điểm hiện nay) từng bước đi trên Mặt Trăng với vai trò là chỉ huy trưởng của tàu Apollo 17 trong nhiệm vụ diễn ra vào tháng 12/1972. Ông cũng là một trong 3 phi hành gia duy nhất từng thực hiện 2 chuyến đi tới Mặt Trăng trong cuộc đời.
Trong nhiệm vụ Apollo 17, Cernan và cộng sự Harrison Schmitt đã dành 3 ngày thám hiểm bề mặt Mặt Trăng, khám phá miệng núi lửa gần đó và ngọn núi được đặt tên là Taurus-Littrow.
Những lời cuối của Cernan khi rời khỏi Mặt Trăng cũng khiến nhiều người không khỏi xúc động, khi xen lẫn những khoảnh khắc vui buồn. "Tôi tin rằng lịch sử sẽ khắc ghi lại thử thách mà những người Mỹ phải trải qua ngày hôm nay giống như một lời khẳng định cho tương lai của loài người."
"Chúng tôi rời đi sau khi đến đây và nếu Chúa muốn, chúng tôi sẽ quay trở lại, với hòa bình và niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại", ông nói.
Hơn 40 năm sau, dù đã ở tuổi 80, Cernan vẫn tự hào khi nhắc đến những thành quả mà chương trình không gian của Mỹ thực hiện được, hay khi nói về tương lai của hành trình thám hiểm không gian. Ông từng chia sẻ rằng trách nhiệm của ông là truyền cảm hứng và niềm đam mê cho giới trẻ, nhằm tiếp tục thực hiện ước mơ chinh phục vũ trụ trong tương lai.