| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 26/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 26/03/2015

Phi lý chuyện người bị tạm giam... tự sát

Tính từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014 (ba năm), số người chết từ nhà tạm giữ, tạm giam trên toàn quốc là 226 người. Nguyên nhân chính là do bệnh lý và người bị tạm giữ, tạm giam… tự sát. 

Báo cáo tại phiên họp đoàn giám sát “Tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về Hình sự, Tố tụng Hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, cho biết, từ năm 2012 đến năm 2014, số bị tạm giữ hình sự là 20.000 người.

Và tính từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014 (ba năm), số người chết từ nhà tạm giữ, tạm giam trên toàn quốc là 226 người. Nguyên nhân chính là do bệnh lý và người bị tạm giữ, tạm giam… tự sát. Báo cáo này mới được nhiều tờ báo trích dẫn vài ngày nay, đã khiến dư luận bị “sốc”. Trong số 226 người đó, theo thông tin trên báo điện tử Đất Việt, thì số ít chết vì bệnh lý. Số nhiều là do các đối tượng tự sát.

Chỉ trong 3 năm, đã xảy ra 226 chết tại các nhà tạm giữ, tạm giam. Thật là một con số khủng khiếp. Đó là chưa nói những cái chết như anh Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, xảy ra ngày 13/5/2012 tại bệnh viện đa khoa Phú Yên, do bị 5 công an dùng nhục hình tại nhà tạm giữ công an thị xã Phú Yên.

Hay cái chết của em Tu Ngọc Thạch (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) xảy ra vào ngày 31/12/2013 tại bệnh viện huyện Vạn Ninh, do ngày 29/12/2013 bị hai công an xã Vạn Long dùng nhục hình tại nhà tạm giữ xã Vạn Long… chắc chắn không nằm trong số 226 người đó, vì họ không tự sát, và cái chết của họ không xảy ra tại nơi tạm giam, tạm giữ. Nếu tính cả những người đó, thì số người chết do bị tạm giam, tạm giữ còn lớn hơn con số 226 nhiều.

Nhà tạm giữ, tạm giam là những ngôi nhà được thiết kế, xây dựng đặc biệt, lại thêm có sự canh giữ, giám sát nghiêm ngặt suốt 24/24 giờ trong ngày của lực lượng công an, rất khó để người bị tạm giữ, tạm giam có điều kiện tự sát.

Vậy tại sao người bị tạm giam, tạm giữ lại hay tự tìm, và dễ tự tìm đến cái chết như vậy? Trong khi bị tạm giữ, tạm giam, họ có bị áp lực nào xô đẩy để phải tự tìm đến cái chết không khi mà nhiều người trong số họ, kể cả sau này có bị tòa án kết là có tội chăng nữa, hình phạt cũng không đến mức tử hình?

Vậy có phải những người đó là tự sát thật không? Hay họ chết vì một nguyên nhân khác, rồi được cho là tự sát? Đây là những điều mà dư luận, nhất là thân nhân của những người tự sát đó, còn nhiều nghi ngờ và bức xúc.

Mạng sống của con người là vô giá. Quyền được sống là quyền cơ bản của con người, đã được quy định trong hiến pháp. Ngay cả với những phạm nhân đã bị tòa án kết án tử hình, và bản án đã có hiệu lực pháp luật, Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá, thì cơ quan giam giữ cũng phải bảo vệ an toàn tính mạng cho họ, cho đến lúc họ phải thi hành án, huống chi là những người mới bị tạm giữ, tạm giam. Họ chưa phải là người có tội. Vì chưa có một bản án có hiệu lực pháp luật tuyên họ phạm tội, theo quy định của hiến pháp.

Kể cả những người tự sát trên đúng là… tự sát, thì việc canh giữ, quản lý tại các nhà tạm giữ, tạm giam lỏng lẻo đến mức nào? Mà để nhiều người dễ dàng tự tìm đến cái chết như vậy?

Ai phải chịu trách nhiệm về những cái chết này?