Giữa nhịp sống xô bồ, ngược lên miền rẻo cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) được chứng kiến phiên chợ sớm với những sản vật của núi rừng còn khá nguyên sơ của đồng bào vùng cao nơi đây chợt thấy lòng nhẹ nhõm…
6 dân tộc cùng họp chợ
Từ tờ mờ sáng, đường Hồ Chí Minh vắt qua thị trấn A Lưới như nàng tiên vươn vai thức dậy sau một đêm dài mộng mị cùng đại ngàn, nhộn nhịp hẳn bởi những bước chân gõ nhịp đều đặn của thôn dân các bản làng xa xôi về đây họp chợ. Khu chợ sớm của đồng bào nằm nép mình bên chợ A Lưới bề thế nhưng nơi đây lại bày bán đủ các loại sản vật còn mang đậm “chất rừng”.
Đến với phiên chợ độc đáo này có sự góp mặt của 6 dân tộc anh em sống dọc dãy Trường Sơn: Cơ Tu, PaKô, Pa Hy, Tà Ôi, Vân Kiều và Kinh trong mỗi bộ trang phục mang đậm bản sắc của từng dân tộc. Theo chân các mẹ, chị từ sáng sớm, từ đầu lối vào chợ, chúng tôi gặp cụ bà Kăn Hua (70 tuổi, thôn 3, xã Hồng Kim) vừa phì phèo tẩu thuốc trên môi, lưng mang a chói (vật dụng đựng đồ dùng của đồng bào vùng cao) đựng đầy những sản vật còn tươi rói của núi rừng.
Trong bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của người Tà Ôi, xúng xính từng chuỗi mã não đeo trên cổ như một sự đánh dấu tuổi đã “lên bà”, cụ Kăn Hua cho hay: “Nhà mẹ (cách xưng hô gần gũi của người miền thượng) xa lắm, cách chợ cả mấy chục cây số lận nên phải đi từ sáng sớm. Ba giờ sáng là có mặt ở chợ rồi, tới sáng bán hết rau, măng rừng thì về; hôm nào bán không hết thì mai lại mang lên chợ bán nốt. Mẹ cũng có con trai nhưng toàn đi rẫy đi nương hết nên mẹ phải phụ kiếm thêm gạo nuôi cả nhà. Cứ hôm nào đi rừng kiếm được thứ gì đều mang xuống chợ đổi lấy gạo ăn”.
Vừa trò chuyện, cụ bà Kăn Hua nghiêng lưng bỏ vội cái a chói nặng trĩu đựng đầy rau và măng rừng. Những búp măng được hái từ chiều hôm trước, luộc tách vỏ vàng ruộm, đóng đầy trong a chói. Cứ mỗi bó măng từ 3-4 búp có giá 2-3 nghìn đồng. Một a chói măng đến với phiên chợ sớm, mẹ Kăn Hua cũng kiếm được vài chục nghìn.
Đến với phiên chợ hầu hết là đồng bào các dân tộc từ những bản làng xa xôi. Hàng ngày họ băng rừng lội suối kiếm “sản vật của Giàng”, đến sáng sớm, sau khi “sơ chế” là có thể mang xuống chợ bán. Sản vật còn ướt đẫm sương đêm nên vẫn mang hương vị tươi nguyên của núi rừng.
Chợ họp bên đường nhựa thênh thang nhưng rất hiếm khi thôn dân nơi đây dùng xe máy hay xe đạp. “Đi bộ nhiều người cũng vui hơn, vả lại đi xe máy thì tiền bán rau không đủ tiền mua xăng”, mẹ Hồ Xuân Hằng (dân tộc Pa Kô, thôn 3, xã Hồng Trung) nói. Ngoài măng, rau, chuối, mật ong rừng và những động vật như chim, rắn… là những mặt hàng dễ tìm thấy ở phiên chợ sớm.
Đến với phiên chợ ngoài những mẹ, chị còn có những đứa trẻ tranh thủ trước thời gian đến lớp mang sản vật lên chợ bán. Ngồi bên rổ rau má, bé Kăn Thị Di (11 tuổi, Trường Tiểu học thị trấn A Lưới) tâm sự: “Nhà em ở xã A Ngo nên phải đi từ sớm. Cả buổi chiều bà hái rau má cho em sáng sớm lên chợ bán. Đến 5 giờ em phải về lại nhà để kịp giờ đến trường". Với những đứa trẻ, trong ký ức mỗi sáng sớm đã theo mẹ xuống chợ. Khi lớn lên, đầu cao quá ngọn măng rừng là chúng có thể thuộc đường đến với chợ sớm…
Còn nguyên sơ
Phiên chợ sớm vùng cao A Lưới không biết hình thành lúc nào, chỉ biết trong ký ức của đồng bào nơi đây, nó là “tín hiệu vui” sau một ngày quăng quật trên nương rẫy hay là thứ ánh sáng duy nhất trong ngày xua đi cái heo hút của núi rừng đại ngàn. Theo một cán bộ hưu trí ở đây thì chợ có từ lúc có tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, bà con thôn bản tập trung buôn bán, trao đổi hàng hóa mà thành.
Còn theo mẹ Kăn Thơ (dân tộc Tà Ôi, thôn 4, xã A Ngo) thì chợ sớm có từ khi Giàng thương người đồng bào mình đói khổ nên cho nhiều sản vật để mang bán đổi lấy hạt gạo, không còn phải du canh du cư qua các mùa rẫy mà năm nào cũng giáp hạt. Đến với phiên chợ, mỗi người mua cần phải trang bị cho mình một cây đèn pin để lựa tìm sản vật và một tâm lý không được mời mọc mua, không được ngả giá. Đồng bào ở đây nói chỉ một giá chắc như đinh đóng cột mặc dù giá bán rất rẻ!
Phiên chợ sớm A Lưới xuất hiện khi nhu cầu buôn bán, trao đổi của các dân tộc tăng cao và nó đã trở thành một nét văn hóa độc đáo, một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào vùng cao. Một đặc điểm dễ nhận thấy ở phiên chợ sớm A Lưới là việc mua bán, trao đổi còn mang nặng tính đổi chác. Giữa phiên chợ rất ít khi phải sử dụng đến tiền. Đồng bào mang sản vật kiếm được tới đây rồi đổi lại mấy cân gạo, cân ngô về dùng. Chỉ trừ những thương lái là người Kinh đón mua ngay lối vào chợ họ mới trả bằng tiền mặt.
Mẹ Kăn Thơ ngồi xì xèo tẩu thuốc để bớt lạnh, chỉ tay lên bó môn rừng cao gần ngang đầu người, tâm sự: “Bà con ở đây rất ít dùng đến tiền, vì họ không rành nhận biết được mặt tiền nên khó mua bán. Đồng bào mình chỉ thích đổi chác thôi, như bó môn này, miềng đổi được 3 cân gạo, cộng số rau má ni nữa nếu bán được vài nghìn thì đủ dùng cho cả nhà một ngày, mai lại lên rừng kiếm tiếp”. Có lẽ từ tính cách thật thà, chân chất của người dân bản địa nên sản vật được bày bán ở đây có giá hết sức mềm...