Theo đó con cá ngừ vây xanh nặng 208 kg do một tàu đánh bắt tại vùng biển Oma, tỉnh Aomori, đông bắc Nhật Bản, đã được bán đấu giá hôm qua (5/1), chỉ đạt 20,84 triệu yên, tương đương 202.000 USD do tác động tiêu cực của đại dịch coronavirus.
Cá ngừ vây xanh là loài cá quý hiếm và số lượng đàn bị suy giảm mạnh trong nhiều năm qua. Cá ngừ vây xanh hiện được xếp vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm, hiện chỉ được tìm thấy chủ yếu ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và một số ít ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Chúng có thể sống đến 40 năm và lặn ở độ sâu hơn 1.200 m.
Theo nhà tổ chức phiên đấu giá là chủ chuỗi nhà hàng sushi có trụ sở tại thủ đô Tokyo, với mức giá này thì giá con cá ngừ vây xanh năm nay thấp hơn rất nhiều so với mức những năm trước.
Tại phiên đấu giá cá ngừ truyền thống nhân dịp đầu năm mới 2019, một con cá ngừ vây xanh nặng 278 kg đã đạt mức giá kỷ lục 333,6 triệu yên, tương đương 3,1 triệu USD trong phiên đấu giá khai trương chợ cá Toyosu, sau khi chợ cá chính của Tokyo bị dời khỏi khu vực Tsukiji gần đó.
Vì lý do đại dịch coronavirus tái bùng phát nên phiên đấu giá năm nay được bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, với rất ít người tham dự phải đeo khẩu trang để tránh dịch bệnh.
Ông Yukitaka Yamaguchi, chủ tịch hãng buôn trung gian "Yamayuki", người đã đấu giá thành công con cá ngừ năm nay, gọi mức giá này là "hợp lý".
Trong khi đó, ngư dân 50 năm theo nghề đánh bắt -ông Minoru Tanaka, chủ sở hữu con cá ngừ cho hay, ông và bạn thuyền đã bắt được nó hôm thứ Hai, cách cảng Oma khoảng 30 km. "Thật là vất vả mới kéo được nó lên thuyền, nhưng rất tuyệt vời và không nghi ngờ gì nữa, nó rất béo".
Tuy nhiên tại phiên kết thúc đấu giá, lão ngư dân 65 tuổi này đã nửa đùa nửa thật với cánh báo chí rằng: “Số tiền mà ông kiếm được từ phiên đấu giá năm nay sẽ bay hơi sau khi ông trả hết công nợ bạn thuyền và uống một bữa thả ga”.
Theo thông lệ các phiên đấu giá cá ngừ trước đây ở Nhật Bản, các khách hàng là chủ các nhà hàng, khách sạn thường sẽ rất bạo chi rút hầu bao và coi đó như là một chiêu tiếp thị, nhưng kể từ khi đại dịch bùng phát hồi năm ngoái thì mọi sự trở nên rón rén vì chuỗi kinh doanh đã bị ảnh hưởng nặng nề.