Chiều 26/12, thông tin từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, bà Bùi Thị Mười, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để cơ quan, tổ chức thuận tiện hơn trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Bà Mười còn gần 2 năm công tác mới đến tuổi nghỉ hưu và đây là cán bộ đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa tiên phong xin nghỉ hưu trước tuổi.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Mười cho biết, bản thân cảm thấy thoải mái khi xin nghỉ hưu trước tuổi, trong bối cảnh cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy đang diễn ra sâu rộng từ Trung ương đến địa phương.
“Việc xin nghỉ sớm hay muộn cũng là điều bình thường, tôi không lăn tăn gì cả. Cũng không phải vì chế độ hỗ trợ của Nhà nước mà tôi mới quyết định xin nghỉ hưu sớm. Mình là cán bộ đảng viên lại công tác trong ngành tuyên giáo thì càng phải làm gương. Tôi ở lại một hay hai năm nữa cũng chỉ là vấn đề thời gian.
Ai đi làm cũng mong muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và về hưu khi còn khỏe để vui vầy cùng con cháu. Việc tôi xin nghỉ sớm cũng để cơ quan, tổ chức thuận lợi hơn việc phân công, bố trí, bổ nhiệm cán bộ trẻ, năng lực, đảm đương tốt trách nhiệm được giao. Nếu tôi được nghỉ hưu sớm trong giai đoạn lịch sử như bây giờ thì càng thấy phấn khởi hơn”, bà Mười chia sẻ.
Bà Mười sinh năm 1969, tại xã Thành An (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa), là người dân tộc Mường, có trình độ học vấn cử nhân sư phạm, cử nhân chính trị. Trước khi được điều động, bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa (bổ nhiệm tháng 11/2021), bà Mười là Bí thư Huyện ủy Thạch Thành.
Liên quan đến việc thực hiện tinh gọn bộ máy, sáng 26/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết số 18 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sau 7 năm (từ 2017 - 2024) thực hiện Nghị quyết 18, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn nhiều nhất cả nước. Đối với cấp xã, đã sáp nhập 143 xã để thành lập 67 xã, qua đó giảm được 9.902 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Hiện tại đang tiến hành sáp nhập huyện Đông Sơn với TP. Thanh Hóa, sáp nhập 23 xã để thành lập 11 xã.
Đối với cấp thôn, đã sáp nhập 3.172 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố mới (giảm 1.620 thôn, tổ dân phố). Từ việc sáp nhập đơn vị cấp thôn đã giảm được 27.279 người hoạt động không chuyên trách.
Đối với chính quyền địa phương, toàn tỉnh đã giảm 5 ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, giảm 4 chi cục, 20 phòng thuộc sở, 22 phòng thuộc chi cục, giảm 27 phòng y tế thuộc UBND cấp huyện; giảm 262 đơn vị sự nghiệp công lập và 81 đầu mối trực thuộc đơn vị sự nghiệp của các đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện.