| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Nga đề nghị khai thác tối đa Hiệp định VN-EAEU

Thứ Năm 06/04/2023 , 19:09 (GMT+7)

Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong khu vực ASEAN có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Phó Thủ tướng hai nước trao đổi biên bản khoá họp vào sáng 6/4. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng hai nước trao đổi biên bản khoá họp vào sáng 6/4. Ảnh: VGP.

Chiều 6/4, hơn 200 doanh nghiệp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp với chủ đề “Việt Nam – Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Khóa họp thứ 24 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật.

Đồng chủ trì diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam và Nga tiếp tục coi nhau là đối tác ưu tiên quan trọng trong chính sách kinh tế - thương mại. Đây là thành quả từ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thiết lập từ năm 2012 và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Kinh tế Á – Âu được ký năm 2015.

"Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện về môi trường đầu tư và hành lang pháp lý để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Liên bang Nga, có môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi tại thị trường Việt Nam", Phó Thủ tướng nói.

Theo lãnh đạo Chính phủ, Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, góp phần tích cực và sự phát triển bền vững và xanh của kinh tế. Ông tin tưởng, rằng diễn đàn ngày 6/4 là không gian phù hợp để cộng đồng doanh nghiệp hai nước thảo luận các giải pháp để mở rộng hợp tác thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cam kết dành mọi ưu tiên cho các doanh nghiệp Nga. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cam kết dành mọi ưu tiên cho các doanh nghiệp Nga. Ảnh: Bảo Thắng.

Vui mừng trước sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko bày tỏ, Việt Nam luôn là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á.

"Hiện nay Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong khu vực có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu. Hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga hưởng lợi đáng kể từ hiệp định", ông chia sẻ.

Lãnh đạo nước Nga cũng cho rằng, hai bên đều bày tỏ thiện chí để thảo luận thêm về các biện pháp mới, nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa hiệp định này.

Là nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới, ưu tiên hàng đầu của Nga là phát triển một nền kinh tế mở, hỗ trợ doanh nghiệp tự do kinh doanh. Ông Chernyshenko nhấn mạnh, doanh nghiệp Nga làm việc với các đối tác trên cơ sở tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ trong hợp đồng, trung thực và cởi mở trong công việc.

Về những đề nghị của người đồng cấp phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Nga khẳng định, xứ bạch dương luôn dành nguồn lực cho các hướng phát triển mới về khoa học, giáo dục, công nghệ số, du lịch. Ngoài ra, Nga sẵn sàng chia sẻ các thành tựu, cũng như công nghệ trong các lĩnh vực này trong các dự án chung với Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Dmitry Chernyshenko cho biết, Nga luôn dành nguồn lực cho các hướng phát triển mới về khoa học, giáo dục, công nghệ số, du lịch. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Thủ tướng Dmitry Chernyshenko cho biết, Nga luôn dành nguồn lực cho các hướng phát triển mới về khoa học, giáo dục, công nghệ số, du lịch. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đề xuất, doanh nghiệp hai nước cần khai thác hiệu quả hơn nữa tính bổ trợ của hai nền kinh tế. Cụ thể, Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; đồng thời có nhu cầu thu hút đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, luyện kim, hóa chất.

Trong khi đó, Nga có nền công nghiệp phát triển, có tiềm lực mạnh về nghiên cứu khoa học - công nghệ, tài nguyên thiên nhiên phong phú.

"Doanh nghiệp hai nước cần chủ động kết nối, trao đổi thông tin, nắm rõ nhu cầu và thị hiếu của thị trường, tham gia tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại của hai nước để kết nối giao thương hiệu quả", Thứ trưởng An đề nghị. 

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) hứa tiếp tục là cầu nối hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong mọi hoạt động kinh doanh, đầu tư.

Bốn phiên bàn tròn kết nối doanh nghiệp được thực hiện sau phiên khai mạc, gồm các chủ đề: Vận tải hàng hóa và logistics; Năng lượng; Công nghiệp và sản xuất xanh; Kinh tế số. 

Sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu có hiệu lực năm 2016, thương mại song phương Việt Nam - Nga tăng gấp đôi trong giai đoạn 2016-2021, tương ứng mức tăng trưởng thường niên khoảng 15% và đạt hơn 5,5 tỷ USD năm 2021.

Tính đến tháng 3/2023, Nga có 171 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt trên 970 triệu USD, đứng thứ 28/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Nga tập trung trong lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ngược lại, Việt Nam có 17 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Nga, với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD. Nga là địa bàn đứng thứ 4/78 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, chiếm 7% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.  

Tại phiên họp toàn thể Khoá họp lần thứ 24 của Uỷ ban Liên Chính phủ sáng 6/4, Phó Thủ tướng Nga Chernyshenko đặt mục tiêu, kim ngạch thương mại hai nước sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. 

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.