Mức độ hiểu biết FTA của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế
Tại Hội thảo “Đánh giá tình hình tận dụng EVFTA, một số FTA khác và kiến nghị giải pháp” do Bộ Công Thương và Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM tổ chức chiều 25/11, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, trong số 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) Việt Nam đang thực thi, có 3 FTA là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam) và UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh) là những hiệp định rất quan trọng. Đây là những hiệp định đã mang lại nhiều kết quả đàm phán có lợi cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường các nước Đông Á.
Trong 3 năm qua, các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng mạnh. Điển hình như, đối với Hiệp định CPTPP, trong giai đoạn 2020 - 2021, xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP tiếp tục đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 18,1% so với năm 2020. Trong khi đó, khi tham gia Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2021 vẫn tăng 14,5% so với năm 2020. Kết quả ấn tượng này cho thấy sự nỗ lực đáng kể trong việc làm quen và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương đánh giá, khi tham gia các hiệp định FTA, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu lớn sang EU các mặt hàng rau quả tươi, rau củ quả chế biến; thuỷ sản và gạo.
Theo khảo sát của VCCI, việc tận dụng các lợi thế từ FTA vẫn còn nhiều cản trở đối với các doanh nghiệp. Yếu tố cản trở lớn nhất trong năm 2022 là yếu tố bất ổn của kinh tế thế giới (46,76% doanh nghiệp); thứ hai là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (46,37%); thứ ba là thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng liên quan FTA (40,08%); còn nhiều bất cập trong công tác tổ chức thực thi FTA gây bất lợi cho doanh nghiệp (28,24%); môi trường kinh doanh chưa thuận lợi (25%); quy tắc xuất xứ hàng hoá để hưởng ưu đãi (24,05%)
“Năm 2016, có 73,13% doanh nghiệp lo ngại không đáp ứng quy tắc xuất xứ, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 26,62% doanh nghiệp và 2022 chỉ còn 24,05%. Điều này cho thấy, các mặt hàng rau quả, gạo, cà phê, thuỷ sản tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ của Việt Nam là tốt”, ông Ngô Chung Khanh nhận định.
Là một trong những đơn vị tư vấn cho các doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thưởng, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTPC cho biết, có khoảng 85,8% doanh nghiệp thuộc nhóm chịu tác động từ các FTA cho rằng hội nhập FTA đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ (năm 2016 là 46,8%).
"Mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp về các FTA cũng tăng lên khi có 26,1% các doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ về các FTA (con số này tăng lên từ mức 12,6% năm 2016). Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm cũng như tạo cơ sở để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA này. Tuy vậy, mức độ hiểu biết này vẫn còn hạn chế và phân hóa giữa các loại hình doanh nghiệp. Theo đó, mức độ hiểu biết về FTA giảm dần từ các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp Việt Nam (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế về nguồn lực và năng lực)", ông Thưởng nhận định.
EVFTA đem đến cơ hội lớn xuất khẩu nông sản
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, với 6 nhà máy chế biến nông sản, mỗi năm Phúc Sinh Group chế biến, xuất khẩu khoảng 60.000 tấn cà phê, hạt tiêu, ngoài ra còn xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác như ớt, quế, hồi...
“EVFTA có hiệu lực đã đem đến cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản nói chung và ngành hồ tiêu nói riêng. Trong năm 2020, xuất khẩu của công ty vào EU đạt 50 triệu USD, đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên 63 triệu USD, tăng 26%. EVFTA có hiệu lực, giúp tăng số lượng và giá trị đơn hàng, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng. Đồng thời thêm cơ hội phát triển sản phẩm chế biến sâu”, ông Thông cho hay.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định, EVFTA đã giúp gạo Việt Nam có vị thế tốt hơn ở thị trường châu Âu cũng như có sức lan tỏa ở nhiều thị trường khác.
“Trước đây, khi Hiệp định chưa ký kết, gạo Việt Nam đã vào châu Âu nhưng với thuế xuất rất cao từ 5% đến 45% tuỳ quốc gia nhập khẩu gạo. Theo đó, gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh với gạo ở những nước như Campuchia, Lào, Myanmar... Vì họ là những nước nghèo, được Liên minh châu Âu miễn thuế, mặc dù họ không có Hiệp định, nghĩa là họ được đặc cách.
Riêng với gạo Thái Lan, dù cũng bị đánh thuế nhập khẩu nhưng họ có thương hiệu gạo mạnh và lâu năm, thế giới khi nghe đến gạo Thái Lan người ta tin dùng ngay. Chính vì thế khi có EVFTA, các doanh nghiệp Việt - nhất là trong ngành gạo có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng và tăng tốc”, ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), các doanh nghiệp phải chọn lọc sản phẩm để xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Ví dụ, nếu muốn xuất khẩu vào châu Âu, doanh nghiệp Việt cần sản xuất những sản phẩm nông sản chất lượng cao. Châu Âu là thị trường khó tính nhưng là phân khúc tiêu dùng đẳng cấp hạng sang.
Để nắm bắt cơ hội, khai thác tối đa lợi thế mà các FTA mang lại, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin, đổi mới hình thức tuyên truyền, tập trung sâu hơn vào các khóa tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các FTA. Đồng thời, thúc đẩy các giải pháp, triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần hợp tác xây dựng thương hiệu Việt Nam, giảm gia công để từ đó tăng tỷ trọng các thị trường FTA thế hệ mới nhiều hơn, tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi nhiều hơn và có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường FTA nhiều hơn.