| Hotline: 0983.970.780

Quy rõ trách nhiệm nếu sai sót trong ứng phó bão

Thứ Năm 05/09/2024 , 14:32 (GMT+7)

'Các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động. Sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm', Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trong cuộc họp chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi (bão số 3).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Lê Minh Hoan họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Lê Minh Hoan họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi.

Chiều 5/9, tại trụ sở Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Chính phủ dự cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi (bão số 3). Cùng dự trực tuyến với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại điểm cầu chính Bộ NN-PTNT có Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đại diện các bộ, ngành, cục, vụ liên quan.

Bão số 3 được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Vào sáng nay 5/9, bão đã mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Khả năng cao, cường độ bão sẽ tăng lên cấp 16 hôm nay trên vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông.

Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 7-9 m, vùng gần tâm bão 10-12 m. Biển động dữ dội.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ tối và đêm 6/9, bão có thể vào Vịnh Bắc Bộ, kèm theo mưa, gió tăng rõ rệt. Vào chiều và đêm 7-8/9 sẽ có mưa to. Dự báo đến chiều 8/9, gió ven biển giảm, mưa tập trung ở Tây Bắc bộ.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi đổ bộ có thể mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 17. Bão hiện di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ khoảng 10-15 km/h.

Đường đi của bão số 3 khi tiến vào Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Đường đi của bão số 3 khi tiến vào Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Trong 24 giờ qua, bão số 3 liên tục tăng cấp. Nguyên nhân bởi điều kiện môi trường ở khu vực Bắc Biển Đông đang thuận lợi cho quá trình phát triển bão, với nền nhiệt cao 31 độ C duy trì nhiều ngày. Bên cạnh đó, khu vực này trong thời gian dài chưa xuất hiện bão nên năng lượng tích tụ, độ ẩm, hoàn lưu khí quyển và khí áp dòng dẫn liên tục tăng cấp.

Thời tiết oi nóng ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ không phải là điều kiện thuận lợi cho phát triển bão nhưng lại gây nguy cơ dông lốc trước bão. Dự báo, chiều 6/9, khi bão cách đất liền 400-500km, Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội sẽ có mưa dông kèm lốc sét.

Tất cảTổng thuật

16 giờ 00 phút

Quy rõ trách nhiệm nếu sai sót trong ứng phó bão

Bao-Yagi-So-3-Vdo-Bo

Hình ảnh vệ tinh chụp mắt bão số 3 rất rõ nét. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Tổng kết cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bão số 3 khó dự báo. Trên đường tiến vào Biển Đông, bão gặp những điều kiện thuận lợi để thành siêu bão. Thực tế, bão đã tăng mấy cấp độ trong 24 giờ qua.

Dù bão mạnh, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc ứng phó bão, với cơ quan thường trực là Bộ NN-PTNT. “Tôi đánh giá cao điều này. Các cơ quan, tổ chức đều có kinh nghiệm dày dạn”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Để phòng chống hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác dự báo, nhất là việc thông tin cho người dân. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ví dụ, cần làm cho người dân hiểu cấp 12 là mạnh như thế nào, cấp 15, 16 sẽ ra sao. Không thể bó buộc dự báo chỉ bằng số liệu. Đây cũng là cơ sở để lực lượng, cứu hộ, cứu nạn phối hợp làm việc.

Ngoài dự báo về bão, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai lưu ý thêm về dự báo thủy văn, bởi đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới hướng di chuyển, tốc độ, cũng như hoàn lưu của bão.

Yếu tố nữa được Phó Thủ tướng nêu là sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan. “Các bên đều có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động. Sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Hoàn lưu bão số 3, với sức gió mạnh, tầm ảnh hưởng rộng cũng là vấn đề được Phó Thủ tướng lưu tâm. Bởi khi ấy, tình trạng ngập úng, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cơ quan khí tượng gấp rút làm bản đồ về lũ, gửi cho địa phương, tránh ảnh hưởng đến các công trình giao thông.

Phó Thủ tướng đồng tình với phương châm của Bộ NN-PTNT, về việc thành lập đoàn trực tiếp thị sát các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp chặt với địa phương, giúp người dân phòng ngừa, tránh tổn thất về tài sản, cũng như con người khi ứng phó bão số 3.

15 giờ 45 phút

Đảm bảo tất cả tàu có nơi tránh, trú bão an toàn

trung tuong nguyen trong binh

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình (ảnh), Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết: Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương, thông tin, tuyên truyền cho khách du lịch khẩn trương di chuyển về nơi an toàn. Liên tục thông tin, động viên tàu thuyền trở về bờ. Đặc biệt, thông tin tới các âu tàu bố trí điểm neo đậu cho các tàu trở về muộn, đảm bảo tất cả có nơi neo đậu an toàn.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 51.319 tàu cá với gần 219.913 người. Trong đó, có 1.543 tàu với 10.045 người đang hoạt động trên khu vực Vịnh Bắc Bộ. Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.

Đại diện Bộ quốc phòng cũng đề nghị chính quyền các địa phương tuyến đảo, ven bờ vận động toàn bộ du khách lưu trú khẩn trương về bờ. Bên cạnh đó, sơ tán toàn bộ người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn. Thông tin tới các âu tàu bố trí vị trí sắp xếp toàn bộ tàu thuyền neo đậu an toàn. Đây là những vấn đề liên tục được nhắc tới trong các cơn bão trước đây nhưng vẫn xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.

15 giờ 35 phút

Củng cố tốt lực lượng để ứng phó với thiên tai

z5800038032259_ada53365dc6e6a77a6ce0e7536eac8fa

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo thêm các địa phương hành động khẩn trương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sau 10 năm, Đồng bằng sông Hồng lại đón 1 cơn bão lớn. Đường đi bão ổn định, dự báo của các cục đều trùng khớp về cường độ, mức độ cảnh báo rủi ro. Đặc biệt, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lại là khu trung tâm của kinh tế, công nghiệp,… Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị các cơ quan và đơn vị cần hành động nhanh chóng và chuẩn bị tốt để ứng phó kịp thời với tình hình bão.

Bão số 3 hiện đã trở thành “siêu bão” với phạm vi ảnh hưởng rộng nên Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo thêm các địa phương hành động khẩn trương.

Tại Hà Nội, hiện các cơ quan địa phương đang khẩn trương vào cuộc để chuẩn bị tốt các biện pháp nhằm tránh tổn thất các hạ tầng sản xuất và các vùng trọng điểm. Ngoài ra, tăng cường lực lượng đến các địa phương và các tỉnh để hạn chế tối đa thiệt hại.

Tại các tỉnh và thành phố, cần có các phương án cấm biển, ngừng chợ và hoạt động mua bán, giao thông để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho người dân. Các tỉnh cần sớm kiểm tra các điểm tránh trú bão của tất cả bà con địa phương, quân đội và sự an toàn của du khách để đảm bảo danh tiếng về ngành du lịch nước ta.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng thông tin, ngày 6/9, Bộ sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó siêu bão Yagi tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh… Bộ sẽ cùng các địa phương chuẩn bị công tác ứng phó, nắm bắt để sẵn sàng đưa ra các chính sách hỗ trợ khi cần thiết.

Riêng tỉnh Quảng Ninh, vùng khai thác than hầm lò nhiều, dễ bị tác động của bão, đề nghị tỉnh làm tất cả những việc có thể làm để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Ở kịch bản xấu hơn, bố trí đủ lực lượng cứu hộ, cứu nạn để nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các bộ, ban ngành sẽ cùng nhau vượt qua cơn bão số 3 và có thể củng cố tốt lực lượng để ứng phó với các cơn bão tiếp theo.

“Với cường độ gió mạnh như dự báo thì sức tàn phá của bão số 3 sẽ rất lớn. Do đó, phải đặt ra các kịch bản khác nhau, không chờ công điện chỉ đạo từ trên, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, chỉ đạo hoạt động sinh sống và sản xuất của người dân. Hi vọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chúng ta sẽ vượt qua bão số 3 an toàn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

15 giờ 26 phút

Cân nhắc kỹ thời điểm cấm bay

img-bgt-2021-sang-lszp-1629439755-width1024height576_1_CKKL

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, tùy thuộc vào diễn biến của bão số 3, ngành giao thông sẽ có phương án cụ thể chằng, buộc, gia cố tại các công trình đang thi công. “Ngành giao thông vận tải đã lên phương án ứng phó sau khi bão tan”, ông Sang nói.

Với lĩnh vực hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang thông tin, Cục trưởng Cục Hàng hải vừa đi kiểm tra một loạt các tỉnh ven biển khu vực phía Bắc, nhằm phối hợp địa phương, lên kịch bản cấm biển, cũng như chốt chặn các tàu xa.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, một số tàu tại Hải Phòng và Thái Bình có liên quan đến việc xét xử tại tòa án. Việc di chuyển những tàu này bị vướng. Do đó, Bộ đang làm việc chặt chẽ để có thể đảm bảo an toàn cho người dân.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đặc biệt lưu tâm đến ngành hàng không. Ông cho biết, sẽ cân nhắc kỹ thời điểm cấm bay, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên, cũng như kịp thời nối tuyến ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.

15 giờ 23 phút

Hà Giang cẩn trọng với hoàn lưu bão

ha giang

Mưa lớn sẽ khiến các vùng trũng, thấp của Hà Giang ngập sâu. Ảnh minh họa: TTXVN.

Là tỉnh miền núi, Hà Giang ít khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hoàng Gia Long nhấn mạnh, địa phương không vì thế mà lơ là.

Trước mắt, Hà Giang tập trung quản lý chặt các hồ thủy lợi, chủ động giám sát để kịp thời báo cáo tình hình thực tế, nhằm tận dụng thời điểm xả đáy, kịp thời ứng phó với hoàn lưu bão số 3.

Vừa qua, một số địa phương thuộc vùng miền núi trung du đã bị sạt lở, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do đó, song song với kế hoạch chuẩn bị, Hà Giang sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.

15 giờ 18 phút

Cao Bằng sẵn sàng các kịch bản ứng phó bão số 3

cao-bang-270824

Người dân ở xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) dùng bè để di chuyển do ngập sâu. Ảnh: TTXVN.

Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh với đặc thù có địa hình chia cắt, nếu xảy ra mưa lũ, các vùng thấp, trũng thường bị dồn nước. Bên cạnh đó, lũ quét ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sản xuất của người dân, giao thông chia cắt.

Nhận thức rõ điều đó, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với ảnh hưởng của bão số 3.

Theo ông Thạch, Cao Bằng sắp tổ chức Hội nghị quốc tế Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, nếu bị ảnh hưởng của bão sẽ rất lo lắng.

15 giờ 15 phút

Hà Nội ứng trực sẵn sàng tại các hệ thống thủy lợi

Nhập chú thích ảnh

Nhiều diện tích nông nghiệp và nhà cửa của người dân Hà Nội bị ảnh hưởng do bão số 2 hồi tháng 7/2024.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, các lực lượng chức năng đang tích cực cắt, tỉa cây xanh, hạn chế nguy cơ gãy, đổ trong thời gian bảo dổ bộ vào thành phố. Hệ thống kênh, mương, cũng như các sông khu vực ngoại thành được yêu cầu nạo vét, lưu thông dòng chảy, giúp tiêu úng kịp thời.

Do có nhiều sông trên địa bàn, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch ứng trực tại các sông chính như Nhuệ, Đáy, Đuống… kịp thời báo cáo thành phố nếu có sự cố.

Theo dự báo, từ đêm 6/9, Hà Nội có thể có mưa dông, gió mạnh trên diện rộng. Nguy cơ ngập lụt, bao gồm cả nội, ngoại thành là không nhỏ.

15 giờ 10 phút

Thái Bình dự kiến cấm biển từ 5 giờ sáng 6/9

tbinh

Các tàu cá trở về cảng Cửa Lân (huyện Tiền Hải, Thái Bình) để tránh trú trước cơn bão số 2 hồi tháng 7/2024. Ảnh: Ngọc Sơn/Báo Pháp luật TP.HCM.

Đại diện tỉnh Thái Bình thông tin, tính đến 10 giờ ngày 5/9 toàn tỉnh có 995 tàu, 2.950 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, số lượng tàu đang hoạt động ven biển là 223 tàu, hoạt động ngoài tỉnh 19 phương tiện với 139 lao động.

Lực lượng chức năng của tỉnh đã liên lạc được với tất cả các phương tiện, hướng dẫn về nơi tránh trú an toàn. Tỉnh dự kiến sẽ cấm biển từ 5 giờ sáng 6/9.

Về các cơ sở nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển, có 1.179 chòi canh và 1.128 đồng nuôi trồng thủy hải sản. Thái Bình dự kiến sẽ di dời toàn bộ lao động tại các địa điểm có nguy cơ tới nơi an toàn trước 18 giờ ngày 6/9.

Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích lúa mùa 74. 327ha, lúa đã trỗ 26.000ha, đây là diện tích có nguy cơ cao bị thiệt hại nếu bão đổ bộ.

15 giờ 05 phút

Hải Phòng tập trung rà soát các kho bãi container

dji_0065_2

Hải Phòng tập trung rà soát các kho bãi container, đảm bảo an toàn trước, trong và sau bão số 3. Ảnh minh họa: Cảng Hải Phòng.

Từ hôm qua (4/9), Hải Phòng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra đi thị sát các điểm xung yếu có thể bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố bố trí sẵn sàng ứng trực, hỗ trợ người dân.

Trong sáng 4/9, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã trực tiếp đến kiểm tra 2 tuyến đê tại huyện Vĩnh Bảo. Đến chiều 5/9, Hải Phòng cam kết, hệ thống đê điều đủ sức chống chịu với bão. Thành phố đặc biệt quan tâm đến nhóm tàu thuyền ở đảo Bạch Long Vĩ, trong đó có khoảng hơn 60 phương tiện ở xa bờ và đang di chuyển nhnah nhất có thể về nơi neo đậu an toàn.

Đặc thù của Hải Phòng là có nhiều kho bãi chứa container. Do đó, thành phố đã rà soát, kiểm tra các kho bãi ở những khu cảng thuộc quận Ngô Quyền, Hải An, yêu cầu chủ hàng hạ thấp độ cao, tránh việc container bị đổ, gây mất an toàn.

Về sản xuất nông nghiệp, Hải Phòng có diện tích không lớn (khoảng hơn 20.000ha) nên việc tiêu úng sau bão không đáng ngại với thành phố. Hiện Hải Phòng tập trung vào việc bảo đảm an toàn cho các cột điện, nhất là khu vực đảo, cũng như đề nghị các xe cỡ lớn hạn chế qua cầu lớn trong thời gian 2 ngày tới.

15 giờ 00 phút

Quảng Ninh phát huy tinh thần '3 trước, 4 tại chỗ'

z5799684261635_4446e78f4d277e5d498780271fecbd03

Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 4 đoàn công tác đi các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh thông tin, phát huy tinh thần “3 trước, 4 tại chỗ”, tỉnh đã thành lập 4 đoàn công tác đi các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó. Tỉnh huy động 2.663 cán bộ chiến sỹ tham gia công tác ứng phó bão, toàn bộ vật tư thiết yếu đã chuẩn bị đầy đủ. Về tàu thuyền khách du lịch, đến 10h ngày 5/9, còn 154 khách trên các tuyến đảo, hiện đã nắm được thông tin về bão. Tỉnh dự kiến cấm biển vào sáng mai (6/9).

Cũng theo vị đại diện, hiện toàn tỉnh còn 16 tàu đánh cá xa bờ, hiện đã nắm được thông tin về bão và đang trên đường trở vê bờ. Dự kiến đêm nay, các tàu sẽ về tới bờ.

Về các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản, có 2.889 cơ sở với 3.000 lao động. Hôm nay đã đưa toàn bộ người già, phụ nữ, trẻ em lên khu vực an toàn. Dự kiến hoàn thành việc đưa người còn lại lên bờ vào chiều 6/9.

Các hồ chứa nước đang tiến hành xả nước để hạ mực nước xuống 80%, đảm bảo an toàn hồ đập trong trường hợp mực nước đổ về lớn. Về sản xuất nông nghiệp, toàn bộ diện tích lúa mùa vụ về cơ bản chưa thu hoạch được, nên sẽ tập trung vào giải pháp chống ngập để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất nếu có trường hợp xấu xảy ra.

14 giờ 55 phút

Chỉ còn 24 tiếng đồng hồ ứng phó với bão số 3

z5799705685700_518e6c56b4b4667054aae41f3d650f16

Công tác ứng phó với bão số 3 đang được các địa phương tích cực triển khai.

Lắng nghe ý kiến của cơ quan thường trực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các bộ, ngành địa phương chỉ còn chưa đầy 1 ngày để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Do đó, ngay từ bây giờ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi phải ưu tiên những việc giúp ích trực tiếp cho người dân, nhất là tại vùng tâm bão đi qua tại Quảng Ninh, Hải Phòng.

Theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, người dân cần cập nhật định kỳ thông tin về bão số 3. Riêng trong ngày thứ Bảy (7/9) sắp tới, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị mọi người trong vùng hoàn lưu bão ở nhà, tránh ra đường.

14 giờ 50 phút

Nguy cơ tàn phá của bão số 3 rất cao

z5800186408153_be62259d5c6389c82e15588e26222910

Ông Phạm Đức Luận (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, cơ quan thường trực ứng phó bão số 3 cho biết, 51.000 tàu cá và hơn 90.000 người đã được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 3. Các phương tiện đang di chuyển tránh trú về nơi an toàn.

Từ ngày mai (6/9), các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ cấm biển. Riêng Ninh Bình cấm biển từ hôm nay.

Về hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, ông Luận thông tin, có 3 hồ cao hơn mức trước lũ, riêng hồ Hòa Bình cao nhất, khoảng hơn 1m. Hiện cả 3 hồ đang cho xả đáy để ứng phó bão.Hải Phòng là địa phương có nhiều điểm đê xung yếu nhất trong đợt bão này – 10 điểm. Ngoài ra là các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh… Cục trưởng Phạm Đức Luận cho biết đã chỉ đạo sát địa phương để phòng, chống chủ động.

Trước sức gió giật có thể đến cấp 14, hệ thống đê điều có thể gặp vấn đề. Do đó, địa phương cần sớm có phương án tu bổ điểm xung yếu, đồng thời tăng cường nạo vét kênh, mương, hệ thống tiêu thoát nước.

Dựa trên chỉ đạo từ 2 công điện của Thủ tướng, các địa phương đã xây dựng kế hoạch của mình. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng đã liên hệ các quốc gia lân cận, đề nghị cho ngư dân Việt Nam có thể tránh trú bão kịp thời.

Theo đại diện Ban chỉ đạo quốc gia, một số cơn bão trước đây có hoàn lưu rộng, ảnh hưởng nhiều ngày sau khi tan bão, đặc biệt là các tỉnh miền núi. “Nguy cơ tàn phá của bão số 3 rất cao”, ông Luận nhấn mạnh.

Một vấn đề được ông Phạm Đức Luận lưu ý, là có tình trạng lơ là, chủ quan với ứng phó bão ở một số bộ phận người dân, địa phương. Vì vậy, ông kêu gọi bà con kiên quyết không ở lại lồng bè khi có bão đổ bộ vào bờ.

14 giờ 40 phút

Bão số 3 rất mạnh, hoàn lưu rộng

Hình ảnh vệ tinh mô tả siêu bão Yagi (Ảnh chụp màn hình).

Hình ảnh vệ tinh mô tả siêu bão Yagi (Ảnh chụp màn hình).

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Chiều 5/9, bão số 3 ở trên khu vực phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 420 km về phía Đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17.

Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.

Các Trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.

Dự báo, bão số 3 sẽ duy trì cấp 16, giật trên cấp 17 cho đến khi di chuyển vào vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam. Dự báo khoảng đêm 6/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Khoảng chiều đến đêm ngày 7/9, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.

Các chuyên gia dự báo của cơ quan khí tượng Trung Quốc đánh giá, bão số 3 đạt cấp siêu bão và sẽ đi qua khu vực giữa đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), vào Vịnh Bắc Bộ trong sáng 7/9. Bão sẽ gây mưa to và gió mạnh cho khu vực Vịnh Bắc Bộ, khoảng 250-300mm và gió vùng ven biển có thể đạt cấp 10-13.

Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá, bão số 3 dự kiến sẽ có cường độ gió cuối cấp 12 (70kts) ngay trước khi đổ bộ vào gần Việt Nam. Sau đó, tốc độ gió dự kiến sẽ giảm nhanh sau khi đổ bộ. Mặc dù tốc độ gió bão được dự báo sẽ giảm nhanh sau đổ bộ nhưng hoàn lưu bão số 3 có thể gây mưa rất lớn trên diện rộng, ngay cả khi tâm bão không đổ bộ vào Việt Nam.

Cũng theo đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều 6/9, khu vực vịnh Bắc bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Từ gần sáng 7/9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão (Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Nam Định) cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9- 11.

Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội) và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ phổ biến 100-150 mm.

Từ chiều 7/9 đến hết ngày 8/9, trên khu vực phía Tây Bắc bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-250 mm, cục bộ có nơi trên 350 mm.

Trong cơn bão số 3 có nhiều yếu tố bất lợi tạo ra yếu tố cực đoan so với các cơn bão trong quá khứ.

Về tình hình lũ: Dự báo ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa. Từ ngày 7-10/9, trên các sông suối khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa xuất hiện 1 đợt lũ. Ông Khiêm cũng đưa ra cảnh báo: Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.

* Trường hợp lưỡi áp cao cận nhiệt đới rút nhanh ra phía Đông (trường hợp này có xác suất 20%), bão số 3 sẽ di chuyển lệch nhiều lên phía Bắc, đi qua khu vực đảo Lôi Châu, ảnh hưởng khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tại Việt Nam, khu vực chịu tác động chính sẽ là vùng biển Vịnh Bắc Bộ, đất liền sẽ là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Các tác động về mưa, gió sẽ giảm đi đáng kể.

14 giờ 30 phút

Đặc biệt quan tâm đến kế hoạch cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau bão

Nhập chú thích ảnh

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan chuyên môn chỉ rõ những vùng ảnh hưởng chính của bão, các vùng hoàn lưu để địa phương có phương án chủ động.

Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, cơn bão số 3 rất mạnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương. Chính phủ rất quan tâm đến diễn biến của bão. Ngay trong ngày hôm nay, Thủ tướng đã ban hành 2 công điện để chỉ đạo ứng phó với bão.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bên tham dự họp báo cáo tập trung vào công tác ứng phó với bão, trong đó đặc biệt quan tâm đến kế hoạch cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau bão.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan chuyên môn chỉ rõ những vùng ảnh hưởng chính của bão, các vùng hoàn lưu để địa phương có phương án chủ động.

28 địa phương, 12 bộ tham dự họp

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, cuộc họp trực tuyến chiều 5/9 có sự tham gia của 28 tỉnh, thành phố, trong đó có một số địa phương được coi là ảnh hưởng nhiều của bão như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn. 12 chủ tịch và 16 phó chủ tịch đã tham gia họp trực tuyến tại các đầu cầu.

Tại điểm cầu chính ở Bộ NN-PTNT, 16 đơn vị tham gia họp, trong đó có đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải... Báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia cho biết, 6 Thứ trưởng tham gia trực tiếp.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất