| Hotline: 0983.970.780

Thu hoạch lúa xuyên đêm 'chạy' bão số 3

Thứ Năm 05/09/2024 , 10:07 (GMT+7)

HÀ TĨNH Không nằm trong vùng dự báo bão số 3 đổ bộ, song đề phòng thiệt hại do hoàn lưu bão gây mưa lớn, nông dân Hà Tĩnh xuyên đêm thu hoạch lúa hè thu.

8h tối ngày 4/9, trên cánh đồng thôn Trung Tiến, xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh), những chiếc máy gặt đập liên hợp cỡ lớn hoạt động hết công suất để thu hoạch hơn 10ha lúa còn lại, giúp bà con “chạy” bão Yagi (bão số 3).

Máy gặt hoạt động hết công suất suốt ngày đêm để thu hoạch lúa 'chạy' mưa bão. Ảnh: Hưng Phúc.

Máy gặt hoạt động hết công suất suốt ngày đêm để thu hoạch lúa "chạy" mưa bão. Ảnh: Hưng Phúc.

Ông Tấn, chủ 2 chiếc máy gặt đưa tay lên trán gạt những giọt mồ hôi trong giờ giải lao, chia sẻ: Hơn một tuần nay, ông và một công nhân dù ra đồng từ mờ sáng, về nhà đêm muộn nhưng vẫn không kịp thu hoạch hết diện tích lúa hè thu bà con thuê máy. Do thời tiết nắng nên máy chỉ thu hoạch được trong khung thời gian từ 4h – 9h và 15h – 21h đêm.

“Năm nay lúa các huyện Thạch Hà, Lộc Hà chín sớm nên tôi đưa máy đến gặt dịch vụ cho bà con các địa phương này. Riêng cánh đồng thôn Trung Tiến xuống giống muộn nên chưa chín hết, chỉ mới đạt khoảng 80 - 85%. Để tránh mưa bão, từ ngày 3/9 đến nay, tôi đưa cả 2 máy về giúp bà con chạy đua thu hoạch, cố gắng xong trong 2 - 3 ngày tới”, ông Tấn nói.

Tại cánh đồng của thôn Yến Giang (xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà), không khí ngày mùa đang khẩn trương hơn bao giờ hết. Ông Phan Hùng (thôn Yến Giang) cho biết, thời điểm này nếu gặp mưa lớn kèm gió chắc chắn lúa sẽ thiệt hại nặng. Từ hôm qua, nghe tin có bão số 3, cả gia đình ông đứng canh ngay đầu chân ruộng đón máy gặt để được thu hoạch trước.

Nhiều vùng bà con tranh thủ thu hoạch lúa xuyên trưa. Ảnh: Hưng Phúc.

Nhiều vùng bà con tranh thủ thu hoạch lúa xuyên trưa. Ảnh: Hưng Phúc.

“Vụ hè thu năm nay được mùa, ước năng suất đạt hơn 2,6 tạ/sào. Tính ra 5 sào của gia đình thu về khoảng 1,3 tấn lúa. Dù lúa mới chín được khoảng 85% nhưng đề phòng mưa bão tôi vẫn thuê máy thu hoạch gọn”, ông Hùng cho hay.

Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, xã Hồng Lộc đã huy động 15 máy gặt đập liên hợp tập trung thu hoạch lúa không kể ngày đêm. Lúa gặt xong được thương lái thu mua nhanh chóng ngay tại các điểm tập kết.

Chị Nguyễn Thị Minh, thương lái tại huyện Can Lộc thông tin, 3 ngày nay đội quân của chị tập trung xuống huyện Lộc Hà để thu mua lúa cho dân. Trước thông tin về ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong ngày 4/9 chị đã thu mua hơn 100 tấn lúa cho bà con với giá 6.500 đồng/kg. Dự kiến trong ngày 5/9 sẽ thu mua hơn 100 tấn nữa.

Thương lái thu mua lúa tại chân ruộng cho bà con. Ảnh: Hưng Phúc.

Thương lái thu mua lúa tại chân ruộng cho bà con. Ảnh: Hưng Phúc.

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của tỉnh, thu hoạch lúa hè thu nhanh gọn, “xanh nhà hơn già đồng”, cán bộ và nhân dân huyện Lộc Hà bám đồng để điều tiết máy gặt, gặt hết vùng đồng này mới chuyển sang vùng đồng khác, làm việc xuyên trưa, tăng ca vào ban đêm. Năm nay, nhờ cơ cấu tập trung bộ giống chủ lực, lúa ở các địa phương chín khá đều, tạo điều kiện cho bà con thu hoạch thuận lợi. Hiện chính quyền huyện, xã đang kết nối các tổ chức, cá nhân tiêu thụ lúa cho người dân trước khi mưa bão đổ bộ.

Qua rà soát và số liệu báo cáo của các địa phương, đến ngày 4/9, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thu hoạch khoảng 43.000/44.878ha lúa hè thu, đạt 95,8%. Số diện tích còn lại khoảng hơn 1.800ha chưa thu hoạch tập trung chủ yếu tại huyện Lộc Hà, Hương Sơn, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh còn khoảng 1.800ha lúa chưa thu hoạch. Ảnh: Hưng Phúc.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh còn khoảng 1.800ha lúa chưa thu hoạch. Ảnh: Hưng Phúc.

"Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương đôn đốc, hướng dẫn người dân tranh thủ tối đa những ngày thời tiết thuận lợi để tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu. Rà soát, huy động tối đa số lượng máy gặt đập trên địa bàn, có kế hoạch điều phối hợp lý giữa các địa phương để đảm bảo thu hoạch nhanh nhất. Đồng thời soát xét, khai thác tối đa công suất các cơ sở sấy trên địa bàn sẵn sàng các điều kiện để sấy lúa cho người dân trong điều kiện mưa lũ xảy ra nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch; chủ động kết nối với các tổ chức, cá nhân tiêu thụ lúa và các sản phẩm nông nghiệp khác cho người dân", ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh thông tin thêm.

“5 sào lúa của gia đình sâu trũng nên chỉ cần gió lớn là đổ ngã ngay. Ngày hôm qua, tôi gặt đến 8h đêm mới xong, được hơn 1 tấn lúa. Cũng may kịp gặt trước khi mưa bão đến, lúa cũng bán luôn nên không lo những ngày tới có thể có mưa to không phơi được”, bà Phạm Thị Xuân, thôn Liên Thanh, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh cho biết.

Xem thêm
Mô hình nuôi vịt siêu trứng của nông dân 8x tại An Giang

Từ một trang trại nhỏ ứng dụng thành công mô hình nuôi vịt siêu trứng, anh Võ Hữu Tín đã mở rộng thành 7 trang trại quy mô lớn với tổng đàn hơn 70.000 con.

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.