Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Muốn có thêm nhiều doanh nghiệp thì môi trường kinh doanh phải được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. |
Ngày 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp - Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về cách mạng 4.0 và phát triển doanh nghiệp, theo Phó Thủ tướng, chúng ta nói rất nhiều về cách mạng 4.0 nhưng nói tóm lại là phải tận dụng được nó.
Thứ nhất là phải làm sao ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả mọi hoạt động, trước hết là các hoạt động Nhà nước để minh bạch, công khai, nói thế nào làm thế đấy. Cộng với đó, khi có những mô hình sản xuất mới mà pháp luật chưa có quy định rõ ràng thì cho vừa làm vừa hoàn thiện, tất nhiên là không phải tinh thần vừa làm vừa hoàn thiện xong rồi dẹp bỏ mà để chính thức.
Thứ hai là phải tập trung phát triển nguồn nhân lực.
Thứ ba, phải làm sao để tất cả các doanh nghiệp tham gia vào phát triển khoa học và khơi dậy sáng tạo của mọi người, trước hết là của các doanh nghiệp.
Để làm được việc đó, để doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực, tham gia KHCN, doanh nghiệp “là trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia” thì phải có các chính sách kinh tế, thiết thực.
Về phát triển kinh tế và phát triển doanh nghiệp, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dù chúng ta tăng trưởng rất nhanh, tuy nhiên so với Singapore vẫn thua hơn 13 lần, Malaisia gấp chúng ta hơn 5 lần, Thái Lan gấp gần 3 lần, Indonesia cũng hơn 2 lần...
Tại sao như vậy? Có phải vì chúng ta quá kém không? Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích, bởi vì cách tính này dựa theo năng suất lao động tỉ lệ với GDP trên đầu người mà GDP của chúng ta thấp quá.
“Bây giờ chúng ta tăng 7%/năm, rất cao, nhưng vẫn không ăn thua. Bởi vì một trong những điều chúng ta đã rút ra là vì mẫu số lao động của Việt Nam rất nhiều. 30 năm Đổi mới chúng ta mới chuyển được có 30% lao động nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ.
Hiện nay chúng ta vẫn còn 37% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng thực chất là nông nhàn rất nhiều ở nông thôn. Trong khi các nước phát triển, chỉ số lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ khoảng 5%, thậm chí 1-2 %. Như vậy, làm sao để chuyển tiếp 30% số lao động đang làm nông nghiệp nông nhàn sang làm công nghiệp, dịch vụ? Đấy là yêu cầu bức xúc, sống còn trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn cải thiện những vấn đề này cần phải thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng là đến năm 2020 phải có 1 triệu doanh nghiệp.
“Hiện nay chúng ta mới chỉ có khoảng 800.000 doanh nghiệp, muốn có thêm nhiều doanh nghiệp thì chắc chắn môi trường kinh doanh phải được cải thiện mạnh mẽ. Làm sao để cải thiện môi trường kinh doanh và chúng ta đang đứng ở đâu?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi và đưa ra những thông tin cụ thể mà ông cho là nếu có đụng chạm các bộ, ngành thì mong được thông cảm.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp - Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững. |
Trước hết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chúng ta còn vướng mắc và chỉ số nào đứng thứ hạng ngoài 100 của thế giới là yếu kém.
“Chúng ta kêu gọi có thêm doanh nghiệp nhưng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam dù đã tiến bộ nhưng vẫn đứng thứ 104 trên thế giới (năm trước đứng thứ 115). Nộp thuế và bảo hiểm xã hội dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn đứng thứ 109 trên thế giới (năm trước là 131). Thủ tục phá sản doanh nghiệp dù có một số tiến bộ, nâng lên được 11 bậc nhưng vẫn đứng thứ 122. Giao dịch qua biên giới đứng thứ 104...”, Phó Thủ tướng nêu.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, để phát triển doanh nghiệp, ngoài việc cần tập trung cải thiện quyết liệt 4 vấn đề này cũng cần phải lưu ý thêm những yếu tố về hành chính.
Công bố mới nhất của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho thấy 55% số doanh nghiệp vẫn phải có chi phí không chính thức cho bộ máy công chức, viên chức. Mặc dù so với lần khảo sát trước đã giảm 11%. Trong cái "bôi trơn" này được chia thành 2 loại, một là "bôi trơn" nhỏ, lẻ, hai là "bôi trơn" lớn, chiếm 10% doanh thu của doanh nghiệp.
Theo Phòng Thương mại Công nghiệp có tới 30,8% doanh nghiệp phải có "bôi trơn" lớn, chủ yếu liên quan đến đất đai. Nếu World Bank đưa ra chỉ số xếp hạng về đất đai thì chắc chắn chỉ số của chúng ta sẽ còn tụt nữa.
Thủ tướng đã yêu cầu và tới đây tại Hội nghị Thủ tướng, lãnh đạo Nhà nước với các doanh nghiệp cuối năm sẽ đưa ra chính thức các giải pháp cắt bỏ nhiều thủ tục. Chúng ta cắt giảm điều kiện kinh doanh, các ngành báo cáo cắt giảm 50% nhưng thực tế qua khảo sát các doanh nghiệp thì chưa đầy 30% là cắt giảm hẳn, còn lại nói là cắt giảm nhưng thực tế vẫn còn. Hay như kiểm tra chuyên ngành, vẫn còn 19% mặt hàng phải kiểm tra, quá lớn.
“Ngoài ra, Chính phủ rất quyết liệt vấn đề thanh tra kiểm tra, chỉ đạo không được thanh tra, kiểm tra trùng lắp, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp hàng năm chịu thanh tra, kiểm tra vẫn còn rất lớn. Có khoảng 1/3 doanh nghiệp chịu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm, năm nay kiểm tra vẫn còn 19% doanh nghiệp chịu thanh tra, kiểm tra các cấp 2 lần trở lên, con số này đã giảm gần một nửa so với năm trước nhưng vẫn còn xấp xỉ 20%”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.