Chiều 15/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về một số vấn đề liên quan đến phát triển du lịch, y tế cơ sở, giáo dục mầm non và phổ thông của địa phương.
Đánh giá cao nỗ lực và sự chủ động của Quảng Bình trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tỉnh cần biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển bền vững, theo hướng tốt nhất, có lợi nhất.
Với tài nguyên du lịch hiện có, Phó Thủ tướng đồng tình với định hướng phát triển của Quảng Bình vào du lịch khám phá, trải nghiệm nhằm tận dụng hệ thống hang động độc đáo, vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các sản phẩm du lịch biển…
Động Thiên Đường, Quảng Bình. Ảnh: st |
Theo Phó Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành du lịch trong mấy năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư lớn đã làm nên những thương hiệu, sản phẩm du lịch nổi tiếng. Đây là kinh nghiệm Quảng Bình cần học tập. Với phong cảnh thiên nhiên, các di sản văn hoá tỉnh cần thu hút những nhà đầu tư lớn, để xây dựng các khu du lịch, sản phẩm du lịch trọng điểm, “tạo chất lượng mới”.
“Chúng ta làm du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm là để người dân cùng tham gia và chứ không thể ‘ôm’ di sản mà vẫn nghèo. Tuy nhiên, phát triển phải bền vững do vậy cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện thì mới triển khai. Làm du lịch mà vẫn giữ được di sản, giữ được rừng, văn hoá, môi trường thì không chỉ cần tiềm lực tài chính mà đặc biệt rất cần những nhà đầu tư, tư vấn có kinh nghiệm”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Trong giáo dục, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Quảng Bình cần có giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Sở GD&ĐT phải phối hợp với Sở Nội vụ để dự báo chính xác nhu cầu giáo viên, chấn chỉnh lại hoạt động đào tạo giáo viên theo hướng giáo viên mới đào tạo tại những trường sư phạm trọng điểm, chất lượng cao còn các trường sư phạm địa phương sẽ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang công tác, sắp xếp lại.
Dành nhiều thời gian nói về việc củng cố hệ thống y tế cơ sở, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế mạng lưới các trạm y tế được phát triển rộng khắp nhưng người dân không đến khám chữa bệnh, bác sĩ không được khám chữa bệnh nhiều nên chuyên môn cũng mai một dần. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra yêu cầu phải củng cố lại hệ thống trên nền tảng quản trị mới, thống nhất, ứng dụng công nghệ thông tin.
“Mỗi người dân sẽ có một sổ khám bệnh điện tử thay vì mỗi lần đi khám lại có sổ khám mới; không chỉ thuận tiện trong khám chữa bệnh mà cơ quan y tế còn nắm được tình trạng sức khoẻ của người dân trên địa bàn để có các biện pháp tư vấn, chăm sóc sức khoẻ dự phòng từ đầu. Tiến tới mỗi người dân đều được khám định kỳ sức khoẻ ban đầu tại trạm y tế xã để phát hiện, điều trị bệnh sớm, tay nghề chuyên môn của bác sĩ cũng nâng lên. Các trạm y tế xã làm được như vậy thì bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh cũng sẽ làm được”, Phó Thủ tướng cho biết thêm.
Để thực hiện mục tiêu trên, Quảng Bình cần chủ động rà soát lại việc phân bổ lực lượng y tế cơ sở có tính toán tới sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, đồng bằng và miền núi. “Khắc phục tình trạng trạm y tế nằm sát bệnh viện trong khi có những xã miền núi người dân phải đi nửa ngày trời mới tới được trạm y tế xã”.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế Quảng Bình nắm vững quan điểm chỉ đạo đưa y tế tuyến xã, phường về trực thuộc trung tâm y tế huyện không phải để xóa một cấp mà để cán bộ y tế tuyến xã, phường được điều chuyển lên bệnh viện tuyến trên hoặc những nơi có nhu cầu bởi nguyên lý là bác sĩ phải khám chữa bệnh nhiều thì mới giỏi. Việc thực hiện điều động trong địa phương sẽ giúp cán bộ y tế nâng cao tay nghề, xóa nhòa khác biệt về trình độ chuyên môn giữa xã với huyện.
“Thay đổi cung cách quản lý kèm theo hướng dẫn chuyên môn để y tế cơ sở thực sự có hiệu quả. Quảng Bình làm được sẽ thành hình mẫu để nhiều tỉnh khác làm theo”, Phó Thủ tướng kỳ vọng.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến và giao các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết một số kiến nghị cụ thể của Quảng Bình.