Sở Y tế TP.HCM cho biết, việc sử dụng máy thở đối với bệnh nhân 91 - phi công người Anh không còn hiệu quả, bệnh nhân 91 phải phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể), như vậy nếu rút ECMO, bệnh nhân sẽ tử vong.
Trước đó, chiều ngày 12/5, Bộ Y tế tiếp tục hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện lớn từ 3 miền. Sau khi xem xét, đánh giá tình hình bệnh nhân, các chuyên gia có chỉ định ghép phổi cho nam phi công.
Tuy nhiên, bệnh nhân điều trị nhiễm trùng tích cực và phải phải hoàn toàn "sạch" virus SARS-CoV-2, thì sẽ được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để chuẩn bị ghép phổi vì đây là hy vọng cuối cùng đối với bệnh nhân 91. Được biết, chi phí ghép tạng khoảng 1-1,5 tỷ đồng.
Mặt khác, việc tìm kiếm lá phổi tương thích với một người châu Âu có thể tạng cao 1,83m, nặng 100kg cũng là một vấn đề khiến các chuyên gia y tế "đau đầu".
Bệnh nhân 91 là phi công người Anh, 43 tuổi, mắc Covid-19 ngày 18/3 và được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Đây là bệnh nhân nặng nhất đang được các bác sĩ, chuyên gia tích cực điều trị. Thời gian nằm viện, bệnh nhân không có thân nhân, bạn bè liên hệ thăm hỏi tình hình. Toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân 91 sau 56 ngày điều trị và 37 ngày can thiệp ECMO đều do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chi trả.
Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng đang điều trị cho bệnh nhân 287 được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu chiều ngày 10/5 do viêm phổi, suy hô hấp.
Bệnh nhân 287 là một trong 17 người từ châu Âu về nước trên chuyến bay bảo hộ công dân vào ngày 3/5 và được cách ly ngay khi nhập cảnh. Còn 16 trường hợp còn lại đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Đến sáng 13/5, tình trạng bệnh nhân 287 tỉnh, tự sinh hoạt bình thường, còn ho, không sốt, mạch, huyết áp bình thường, tiếp tục thở Oxy mũi. Tuy nhiên, kết quả X-quang phổi cho thấy có tổn thương tăng hơn so với phim chụp trước đó. Kết quả xét nghiệm SARS-Cov-2 vào ngày 12/05 vẫn dương tính.