| Hotline: 0983.970.780

Phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi giữa muôn trùng khó khăn

Thứ Tư 29/11/2023 , 09:21 (GMT+7)

Người chăn nuôi Quảng Trị đối diện với làn sóng dịch tả lợn Châu Phi khốc liệt khi thiếu thốn hóa chất và mơ hồ về các loại vaccin phòng chống dịch.

Sự chủ quan của người chăn nuôi là một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn Châu Phi lây lan diện rộng. Ảnh: Võ Dũng.

Sự chủ quan của người chăn nuôi là một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn Châu Phi lây lan diện rộng. Ảnh: Võ Dũng.

Sự chủ quan khiến dịch lây lan

Giữa năm 2023, bà Phan Thị Trúc, thôn 9, xã triệu Vân, huyện Triệu Phong vay 150 triệu đồng ngân hàng và người thân để nuôi lợn. Lứa đầu, bà Trúc bán 25 con lợn thịt nhưng đúng thời điểm giá xuống thấp nên lỗ 10 triệu đồng.

Để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán, bà Trúc mua tiếp 97 con lợn giống về nuôi. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11, lợn bắt đầu có dấu hiệu của dịch bệnh. Lúc đầu, bà Trúc mua thuốc về tự điều trị nhưng không khỏi, phải chôn 8 con ở góc vườn, cách chuồng nuôi 100m.

“Trước lúc bị dịch, tôi đã xuất chuồng được 30 con lợn thịt. Lúc đầu, tôi nghĩ lợn chỉ bị các bệnh thông thường nên chủ quan, không báo cho xã biết. Vì vậy, chỉ có 28 con do UBND xã Triệu Vân đem đi chôn lấp. Tổng trọng lượng lợn bị chết khoảng gần 1,3 tấn, thiệt hại gần 100 triệu đồng”, bà Trúc xót xa.

Vùng đất các xã ven biển Quảng Trị mùa này cứ đào hố cát là nước lại dâng lên. Vì vậy, người dân phải dùng bạt hoặc bì trùm lên trước khi chôn lấp để lợn không nổi lên. Ngay cả khi UBND xã Triệu Vân đem đi chôn lấp hố chôn cũng đầy nước.

Trước đó, vào cuối năm 2019, cũng vì chủ quan, đàn lợn của gia đình bà Trúc phải tiêu hủy. Thời điểm đó, khi đàn lợn tại xã Triệu Vân gần như chết hết vì dịch tả lợn châu Phi lợn nhà bà Trúc vẫn an toàn. Thế nhưng, trong 1 lần xuất chuồng giữa mùa dịch, 29 con lợn thịt của gia đình bà đã dính dịch tả lợn Châu Phi. Từ đó, gia đình bà Trúc bỏ trống chuồng cho đến giữa năm 2023 mới dám tái đàn.

“Lần đó, tôi chủ quan quá, xe mua lợn đi từ vùng dịch ra tôi vẫn cho ghé vào để xuất bán nên đàn lợn nhà bị lây dịch. Lần này, tôi áp dụng gần như tuyệt đối các biện pháp phòng chống dịch nhưng không hiểu sao vẫn bị dính”, bà Trúc phân vân.

Theo báo cáo của UBND huyện Triệu Phong, tính đến ngày 26/11, dịch tả lợn Châu Phi đã lây lan 18/18 xã thị trấn của huyện. Cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy gần 50 tấn lợn. Trong đó, lợn đực, nái, lợn thịt chiếm gần 97% trọng lượng và gần 64% số con.

Đại diện UBND huyện Triệu Phong cho rằng, nguyên nhân khiến dịch tả lợn Châu Phi phát sinh và lây lan nhanh là do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, mật độ chăn nuôi cao, vệ sinh môi trường còn kém, chưa áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Sự chủ quan, lơ là của người dân cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh trong thời gian qua.

Một số chốt kiểm dịch chưa đạt yêu cầu khiến lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi nhiều nguy cơ vận chuyển, tiêu thụ trót lọt. Ảnh: Võ Dũng.

Một số chốt kiểm dịch chưa đạt yêu cầu khiến lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi nhiều nguy cơ vận chuyển, tiêu thụ trót lọt. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cũng cho rằng, ngoài các yếu tố khách quan bất lợi, sự chủ quan, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của thương lái và người chăn nuôi cũng là nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh.

“Người chăn nuôi và thương lái chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi. Một số chốt kiểm dịch chưa đạt yêu cầu. Tình trạng vận chuyển, vứt xác lợn phải được ngăn chặn kịp thời. Tôi kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh quy hoạch điểm chôn lấp lợn bị dịch bệnh an toàn”, ông Quốc cho hay.

Giữa muôn trùng khó khăn

Sau khi 36 con lợn bị chết và tiêu hủy vì dịch tả lợn Châu Phi, thông qua các đại lý cung cấp thức ăn, bà Phan Thị Trúc, thôn 9, xã triệu Vân, huyện Triệu Phong mua 60 liều vacxin nhược độc đông khô dịch tả lợn Châu Phi của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO về tiêm cho số lợn còn lại.

Ngày 22/11, bà bà Trúc tiêm cho 10 con lợn có tình trạng sức khỏe xấu, đa phần chúng có biểu hiện ngày càng xấu thêm. Ngày 24/11, bà Trúc tiếp tục tiêm cho 50 con lợn đang có biểu hiện khỏe mạnh, đa phần chúng ăn uống bình thường, không xuất hiện các triệu chứng của dịch tả lợn Châu Phi.

“Đằng nào cũng đang nằm trong ổ dịch, không thể bán được, tôi thử mua vacxin về tiêm xem sao. Các đại lý cung cấp cho biết, nếu tiêm vacxin vào lợn đã có triệu chứng dịch tả lợn châu Phi thì chúng sẽ phát bệnh và chết. Tiêm vào lợn khỏe mạnh về cơ bản chúng sẽ ổn. Số có biểu hiện xấu hiện tôi đã tách riêng ô chuồng để theo dõi, chăm sóc và hạn chế lây lan. Hy vọng số lợn còn lại sẽ sống để tôi vớt vát đồng vốn trả nợ”, bà Trúc rầu rĩ.

Dịch tả lợn Châu Phi lây lan 7/10 huyện, thành phố, thị xã tại Quảng Trị. Cơ quan chức năng phải tiêu hủy trên 51 tấn lợn. Ảnh: Võ Dũng

Dịch tả lợn Châu Phi lây lan 7/10 huyện, thành phố, thị xã tại Quảng Trị. Cơ quan chức năng phải tiêu hủy trên 51 tấn lợn. Ảnh: Võ Dũng

Trong khi người chăn nuôi còn chưa hiểu rõ về vacxin dịch tả lợn Châu Phi, về mặt chính sách, việc ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi cũng còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị cho rằng, Chính Phủ, Bộ NN-PTNT chủ trương đưa vaccin dịch tả lợn Châu Phi vào tiêm phòng.

Nhưng đây là bệnh không nằm trong danh mục bắt buộc phải tiêm nên địa phương gặp vướng mắc trong việc sử dụng ngân sách hỗ trợ người dân mua vacxin. Giá vacxin dịch tả lợn Châu Phi hiện nay khá cao, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, không phải hộ dân nào cũng dám tự bỏ tiền ra để tiêm vacxin cho lợn.

Nhà sản xuất vacxin khuyến cáo không tiêm cho lợn nái trong khi lợn nái lại là đối tượng bị nhiễm bệnh với tỷ lệ cao. Vacxin dịch tả lợn Châu Phi chỉ tiêm cho lợn khỏe mạnh trong khi muốn xác định lợn khỏe mạnh thì phải xét nghiệm, khó phát hiện bằng mắt thường. Nếu tiêm vacxin cho lợn có biểu hiện khỏe mạnh xong, lợn lăn đùng ra chết dân sẽ khó chấp nhận.

Theo ông Hậu, nếu tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi phải có sự hiểu biết và đồng thuận của người dân cùng với nỗ lực, quyết liệt của các cấp chính quyền.

“Các huyện phải rà soát, thống kê để tiêm cho lợn khỏe mạnh. Người dân cũng cần phải nâng cao hiểu biết về vacxin dịch tả lợn Châu Phi và chấp nhận cam kết khi tiêm. Chỉ có như vậy dịch mới nhanh chóng chấm dứt. Về phía ngành, chúng tôi cũng sẽ tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND xin ngân sách để thử nghiệm tiêm vacxin thí điểm. Nếu thành công sẽ đem lại niềm tin, động lực cho người chăn nuôi”. Ông Hậu nhấn mạnh.

Về tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, dịch tả lợn Châu Phi hiện đã lây lan 7/10 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Ba huyện chưa có dịch tả lợn Châu Phi gồm Vĩnh Linh, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ. Trong đó, huyện đảo Công Cỏ không chăn nuôi lợn.

Dịch lây lan nhanh, diễn biến hết sức phức tạp, chỉ trong vòng 1 tháng, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã tiêu hủy trên 1.100 con lợn, trọng lượng trên 51 tấn. Trong đó, lợn nái, đực giống, lợn thịt chiếm tỷ lệ gần 97% trọng lượng và trên 64% tổng số con.

Hố chôn lấp lợn bị bệnh lênh láng nước tại vùng đất cát ven biển Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Hố chôn lấp lợn bị bệnh lênh láng nước tại vùng đất cát ven biển Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Quốc, độ ẩm trong không khí cao là điều kiện thuận lợi để dịch tả lợn Châu Phi phát sinh, lây lan mạnh. Chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chiếm tỷ lệ lớn; người chăn nuôi chủ quan, tự điều trị, bán chạy lợn bệnh, xử lý lợn chết không đảm bảo quy định, vứt xác lợn bệnh chết ra môi trường… khiến nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ra toàn tỉnh là rất cao.

Dù dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn; người chăn nuôi Quảng Trị cần khoảng 15.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới chỉ trích nguồn dự phòng trên 500 lít hóa chất, gần 2,6 tấn vôi bột hỗ trợ người dân phòng chống dịch. Một số địa phương cũng trích nguồn dự phòng nhưng số lượng không đáng kể.

“Nếu tỉnh bố trí ngân sách dự phòng phải mất ít nhất 1 tháng mới làm xong các thủ tục đấu thầu hóa chất. Kiến nghị UBND tỉnh trình Bộ NN-PTNT xuất cấp hỗ trợ hóa chất để người dân phòng chống dịch. Giờ chưa đưa dich tả lợn Châu Phi vào danh mục dịch bệnh bắt buộc phải tiêm vacxin, nếu sử dụng nguồn ngân sách lại vướng quy định nên người chăn nuôi phải chủ động tiêm phòng để giảm thiểu thiệt hại.”, ông Quốc cho hay.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất